(CMO) Cô đào cải lương nổi tiếng của Sài Gòn xưa về thăm quê chồng, xuôi qua các con đường của thành phố trẻ, cứ mãi xuýt xoa: “Cà Mau bây giờ phát triển quá”.
Lâu rồi mới có dịp về thăm mảnh đất cuối trời, Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân cứ muốn níu thời gian chậm, thưởng thức hương vị chân phương cho thoả những ngày cách xa. Ghé đầm Thị Tường thưởng ngoạn, du khách nhận ra bà liền kêu lên mừng rỡ: "Ý, Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân kìa"; “Trưng Nhị Hà Mỹ Xuân kìa"... rồi chen nhau xin được chụp tấm hình kỷ niệm cùng người nghệ sĩ mà mình yêu mến. Bất giác bà nghe lòng rớt một nhịp song lang...
“Hơn 70 tuổi rồi, nhiều năm không còn đứng sân khấu nữa mà còn được khán giả nhận ra và thương mình thì thiệt là hạnh phúc quá lớn cho đời nghệ sĩ”, nụ cười bà chợt ánh lên những giọt thanh xuân trong nắng mới.
![]() |
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Giới mộ điệu cải lương làm sao quên được giọng ca quyến rũ, sắc vóc đẹp của cô đào tài năng từng toả sáng trên các sân khấu Kim Chung, Dạ Lý Hương, Xuân Liên Hoa, Thanh Minh - Thanh Nga. Ðặc biệt, sau ngày giải phóng, tại đại bang Thanh Minh - Thanh Nga, bên cạnh nữ hoàng sân khấu, NSƯT Thanh Nga, thì tên tuổi của Hà Mỹ Xuân cũng như một ngôi sao sáng qua các vở cải lương nay đã thành kinh điển như "Tiếng trống Mê Linh", "Bên cầu dệt lụa", "Thái hậu Dương Vân Nga"...
Từ những ngày đầu tập tễnh tìm hiểu về nghệ thuật cải lương, tôi nuôi hoài niềm ngưỡng mộ với người nghệ sĩ này, không chỉ bởi cái tài mà còn cái tình nồng nàn mà bà gửi hết cho nghệ thuật, cho dù trong nước hay bên kia đại dương. Ðịnh cư tại Pháp từ rất nhiều năm, bà luôn cố gắng để nghệ thuật dân tộc len lỏi và tình tự thấm sâu. Với vai trò Chủ tịch Hội Cải lương Về nguồn, Hà Mỹ Xuân tổ chức thành công nhiều suất diễn, đem cải lương vào trường học, rạp hát hay đơn giản là không gian nhà hàng... Bất cứ nơi nào đi qua cũng đều thả vào đó sự chỉn chu, nghiêm cẩn, chữ “đẹp” được bà đặt lên trên hết mỗi khi xuất hiện để khúc tình tự ngũ cung cất lên thêm ấm áp nơi quê người.
Nhấm nháp từng giọt nghĩa tình trong quán cà phê nghệ thuật nhỏ giữa lòng Cà Mau, đâu đó phảng phất hình ảnh góc nhà hàng quen thuộc xứ trời Tây thuở nọ, thoáng chốc giọt nhớ ùa về, nơi mà chỉ vài năm trước từng câu ca, nét diễn của "Ngao sò ốc hến", "Bên cầu dệt lụa", "Nửa đời hương phấn"... dung dị cất lên khiến bao ánh nhìn im phăng phắc rồi vỡ oà bằng những tràng pháo tay nối dài. “Con biết không, khán giả đến với những suất hát đó ăn mặc lịch sự, sang trọng lắm. Thậm chí hậu đài, dọn cảnh cũng là thạc sĩ, tiến sĩ không đó nghen! Du học sinh, con em kiều bào trẻ đến coi chăm chú rồi vãn tuồng cứ khen nức nở: Hồi đó giờ cứ nghĩ cải lương sến súa, ai dè hay dữ vậy... Nghe mà thương đứt ruột vậy hà!”, bà nói với tôi bằng sự bồi hồi nhớ lại.
![]() |
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân và Ðạo diễn Huỳnh Tấn Phát biểu diễn trong chương trình Vinh danh văn hoá Nam Bộ. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Những năm sau này, khi những chuyến đi về giữa Pháp - Việt ngày càng nhiều hơn, khán giả ít có dịp tái ngộ Hà Mỹ Xuân trên sân khấu như là một chủ ý muốn lưu hoài cái đẹp đã từng toả ngát. Tuy nhiên, khi được mời tham gia những chương trình mang ý nghĩa giới thiệu, tôn vinh cái đẹp của nghệ thuật cải lương bà lại sẵn sàng tham gia bằng nụ cười nhiệt thành, những lần xuất hiện hiếm hoi như cá được về với nước, người ta vẫn thấy bà đầy ắp thanh xuân y hệt thuở nào.
- Khi đã qua những vinh quang nghề hát, theo Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, điều quý giá nhất mà người nghệ sĩ sẽ đọng lại trong lòng công chúng là gì? - Bất giác tôi hỏi.
- Ðó là những hình ảnh đẹp. Từ cái đẹp tài năng đã được ủng hộ hàng đêm, mình phải ý thức hướng tới cái đẹp đạo đức, lối sống để công chúng ngưỡng mộ cuộc đời của mình nữa.
- Có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đã trở thành bài học lớn đối với Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân không?
- Tôi nhớ hoài lời dạy của NSND Ba Vân từ những ngày đầu đi hát. Thầy nói: Nghệ sĩ cần phải có tâm và đức, phải biết đè nén bản ngã lúc nhận được sự tung hô, yêu quý. Ðiều quan trọng ở nghề này phải nhớ, đó là khi khán giả muốn nghe mà mình không hát đàng hoàng thì sẽ đến một lúc nào đó mình muốn hát khán giả cũng không chịu nghe nữa... Lời dạy này đã theo chân tôi suốt hơn nửa thế kỷ qua. Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi ngày ấy sống chết với nghề lắm, chăm chút từng câu chữ, ý tứ đặt để của thầy tuồng để hát thật, sống thật qua từng vai diễn. Bởi vậy, dù đến nay nhiều anh chị tuổi đã lớn nhưng chỗ đứng trong lòng khán giả lúc nào cũng còn rất vững chắc.
- Một lời dặn dò nào cho nghệ sĩ trẻ đi sau cũng đã và đang theo đuổi đam mê như các thế hệ cô chú mình ngày xưa?
- Chỉ xin tặng một câu thôi: Làm gì cũng vậy, nếu không giỏi nhất thì hãy dở nhất, tuyệt đối đừng nhàn nhạt (cười). Nghệ thuật là con đường dài phải phấn đấu học hỏi không ngừng, hãy sống thật, diễn thật để từng bước có được tình yêu thương của công chúng. Ðã là nghệ sĩ thì chỉ có tình yêu thương của công chúng mới là nơi nuôi dưỡng tài năng và tên tuổi của mình mà thôi...
Nhìn thẳng vào ánh mắt người đối diện, giọng bà chợt chắc nịch. Ðêm buông, câu chuyện buộc phải theo nghề hát từ thuở 15 vì ý nguyện của cha, từng bước nổi tiếng, làm bầu gánh hát ở tuổi ngoài đôi mươi rồi bền bỉ góp nhặt cái hay, cái đẹp, cố gắng để là sợi tơ nối dài nghiệp sân khấu cải lương..., tình tự trải. Thoáng chốc nhắc nhớ những chuyến về Cà Mau biểu diễn rồi quay sang nắm bàn tay chồng, người luôn là chỗ dựa, hết mực yêu sân khấu, yêu cuộc đời nghệ sĩ, hơn hết là yêu nụ cười thanh xuân của một cô đào hát. Ðôi bạn đời tuổi về chiều nhìn nhau bình yên khiến lời chia tay của buổi hội ngộ chúng tôi cứ lần lựa hẹn như cố quên trời đã khuya. Tôi nghe lòng cứ thương hoài nhịp lòng của người nghệ sĩ bên mạch khởi sắc của quê hương.
“Chuyến về lần này thấy Cà Mau thay da đổi thịt nhiều, nhìn thương quá con hen”, lưu luyến tạm biệt nhau, những địa danh đã đi qua An Xuyên, Ðất Mũi, Cái Nước, Năm Căn..., bà luôn đau đáu trong lòng./.
Minh Hoàng Phúc