ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 19:29:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghệ sĩ Tuyết Thu oanh vàng thời hoa lửa

Báo Cà Mau (CMO) Thường xuyên viết về mảng văn nghệ, có dịp đi nhiều, tiếp xúc nhiều với các nghệ sĩ lão thành, khi nhìn về khúc thượng nguồn nghệ thuật tỉnh nhà, tôi thường được nghe nhắc nhiều đến tên Nghệ sĩ Tuyết Thu bằng tất cả sự trân trọng. Bởi, cùng với NSƯT Kim Chi, giọng ca của bà được ví như con chim oanh bên trời hoa lửa một thời làm nức lòng khán giả, bộ đội. 

Là thế hệ hậu sinh nên đa phần chỉ có thể cảm nhận qua nhiều mạch hồi ức cũ được chắp nối, rồi một ngày tình cờ tôi được xem lại thước phim tư liệu kỷ niệm 50 năm Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau (Văn công), Nghệ sĩ Tuyết Thu khi ấy đã ngoài tuổi lục tuần vẫn sắc lẹm với "Tiếng đàn ta lư". Những nốt cao được bà xử lý một cách điêu luyện, chính tiếng ca thanh thoát trong veo, luyến láy uyển chuyển đến ngỡ ngàng đã thôi thúc tôi xuôi một chuyến về Bạc Liêu, tìm đến ngôi nhà nhỏ ấm cúng - nơi mà nghệ sĩ tài danh một thời sống cuộc sống thanh nhàn tuổi về chiều.

Nghệ sĩ Tuyết Thu thăng hoa cùng âm điệu vút cao của “Tiếng đàn ta lư”.

Sáu năm trôi kể từ ngày người bạn đời (Nhạc sĩ Thế Phương) đi xa, thanh âm vàng son ngày nào như thêm trầm lặng hơn. Chốn ấy, bà dành thời gian để hồi nhớ về những kỷ niệm, với khung trời đẹp của một thuở "tay súng tay đờn" chẳng dễ gì quên.

"Hồi đó được rút về đoàn văn công mới 13 tuổi, nhỏ xíu thôi. Nhớ hoài, khi được gia đình đưa ra đầm Thị Tường mênh mông lúc trời chập choạng tối để đợi đoàn đến rước mà sao không lo lắng hay khóc lóc gì hết. Ngược lại còn nôn nóng để được đi sớm nữa. Rồi ba má cứ thủ thỉ bên tai: "Đã đi thì đi cho tròn, ráng vượt qua hết khó khăn, đừng trở về nửa chừng người ta cười con đó!". Vậy là quyết tâm chuyến này ráng học múa học ca cho giỏi, thế nào cũng phải không phụ lòng của ba má mới được chớ...", lau nhẹ giọt nước mắt thoáng qua, bà chậm rãi nhớ lại.

Chập chững bước lên sân khấu Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau từ những ngày đầu thành lập với vai trò diễn viên múa, Tuyết Thu chịu khó cùng chị em tiếp thu, mày mò những điệu múa đã tạo được những tiết mục múa uyển chuyển đẹp mắt, đồng thời tham gia tốp ca, đồng ca. Trong suốt 5 năm, chất giọng nữ cao vút, trong trẻo thiên phú của cô thiếu nữ ngày một "ghi điểm" với các anh chị đi trước, bè bạn cũng như khán giả, để rồi được lãnh đạo đoàn tin tưởng giao trách nhiệm lãnh xướng của dàn đồng ca cũng như đơn ca nữ. 

Ngày ấy, nếu như NSƯT Kim Chi làm nức lòng khán giả với những bài hát trầm lắng mùi mẫn như: "Rừng xanh vang tiếng ta lư", "Gửi anh lính bờ Nam", "Câu hò bên bờ Hiền Lương"... thì giọng ca trẻ Tuyết Thu lại thánh thót với những giai điệu trong sáng, sôi nổi: "Về đây dưới đường tàu", "Xuân chiến khu", "Tiếng đàn ta lư", "Cô gái vót chông"... Họ như đôi chim oanh vàng mải mê hót vang làm dịu cái oi bức của trời hoa lửa. Mỗi lần bước ra là nhận được tiếng vỗ tay vang dội của bộ đội, đồng bào, tiếng đề nghị ca tiếp cứ thế vang lên mải miết.

Nhắc đến Nghệ sĩ Tuyết Thu mà không nhắc đến vai diễn Võ Thị Sáu trong vở cải lương "Người con gái Đất Đỏ" (Soạn giả Phạm Ngọc Truyền) sẽ là một thiếu sót lớn. Năm ấy bà vừa tròn 18 tuổi, nét duyên con gái đằm thắm, dáng người mảnh mai, gương mặt xương thanh tú cùng mái tóc thề ngang vai, vừa khít với nhân vật người nữ anh hùng. Đây cũng là vai diễn đầu đời khi bà đặt chân sang địa hạt cải lương, lại nhận vai chính nên lúng túng lắm. Bài bản cổ nhạc được Nhạc sĩ Út Tâm trau chuốt, còn diễn xuất qua bàn tay của người anh lớn Huỳnh Hảnh uốn nắn rất nghiêm túc, lúc tập cứ khóc suốt. Vậy rồi đến khi biểu diễn, đảm nhiệm trọn vẹn 6 màn, từ hình ảnh cô bé Đất Đỏ ngây thơ hồn nhiên cho đến khi bị đưa ra pháp trường xử bắn; từ thần sắc đến ca diễn đã nghiễm nhiên cuốn hút khán giả. Đến lớp diễn Võ Thị Sáu ca xong gục chết, có nhiều thanh niên chạy lên sân khấu để... xin xác vì quá xuất thần. Vai diễn này đã theo chân người nghệ sĩ suốt nhiều năm sau đó. Trên sân khấu đơn sơ, nghệ thuật cứ hiển nhiên nối mạch tri âm đến lạ, rồi hiển nhiên ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả, đồng nghiệp đến tận bây giờ.

Thanh xuân ngày một nở rộ theo từng dấu chân Văn công của Tuyết Thu. Bà thoả sức vẫy vùng ở tất cả các lĩnh vực múa, kịch nói, cải lương và đặc biệt khi hợp diễn trên sân khấu với Nghệ sĩ Hoàng Chiến đã trở thành một cặp đôi hết sức ăn ý ở lĩnh vực tân nhạc vốn là sở trường của cả hai. Bên cạnh việc mải miết với những suất biểu diễn, những năm sau này bà còn được giao trách nhiệm tuyên truyền binh vận đồn bót, thay thế cho Nghệ sĩ Kim Chi từng rất thành công khi thể hiện bài hát "Gửi anh lính bờ Nam", để kêu gọi người lính bên kia chiến tuyến thức tỉnh quay về với quê hương.

"Trước đó nghe các anh chị hay kể với nhau về những lần tuyên truyền đồn bót đầy nguy hiểm, chết sống trong gang tấc, nên khi được giao nhiệm vụ bản thân cũng thoáng nghĩ đến chuyện lỡ như... Nhưng chẳng hiểu sao lúc đó chẳng sợ chết, cứ nghĩ, nếu chẳng may nằm xuống thì thôi, vậy là lại hăng hái đem tiếng hát của mình đối mặt với tiếng súng...", Nghệ sĩ Tuyết Thu tâm tình.
Có lần đoàn vô ấp chiến lược để tuyên truyền, Tuyết Thu ca, Nhạc sĩ Thế Phương đờn măng đô lin. Chẳng may bị lộ, máy bay sà xuống bắn trái sáng liên hồi, cô ca sĩ phải nằm nấp chịu trận trên chiếc xuồng với xung quanh là đạn lửa xối xả, nghĩ rằng chắc đành phải nằm lại nơi này. Còn chàng nhạc sĩ trốn đạn dưới cánh đồng đang mùa lúa chín bị lúa cắt rách tươm chiếc quần tây. Đến khi giặc rút, biết mình còn sống, đôi ánh mắt cứ nhìn nhau, an ủi cho đời văn công. Còn nhiều, nhiều lần đối mặt với lằn ranh sống - chết, nhưng đây luôn là kỷ niệm đẹp không phai đối với bà vì đã chắp cho tình yêu khi ấy nảy nở.

Vốn là người am hiểu thanh nhạc nên mỗi lần tập bài hát cho cô ca sĩ trẻ đều mang lại cảm xúc lớn với Nhạc sĩ Thế Phương. Cũng như khi ông đặt bút sáng tác, bên tai cứ vang vẳng thanh âm cao vút của Tuyết Thu, để rồi cho ra những tác phẩm hùng hồn, giàu chiều sâu. Họ gắn bó trong nghệ thuật, qua đồn bót rồi dần dà yêu luôn giọng hát, tiếng đờn của nhau. Tình yêu ngày ấy trong sáng lắm, luôn động viên phải cố gác lại tình duyên vì việc chung, mình là đảng viên, phải đi đầu gương mẫu. Lắm lúc giả bộ lấy rổ ra bẻ rau để nói vài câu bẽn lẽn hay viết thơ gói vô cục đất lén lúc chèo xuồng ngang bỏ trước mũi xuồng người yêu. Những năm ác liệt, có lần bẽn lẽn gửi tặng chiếc khăn tay, bà nhận được mảnh giấy của người thương có đoạn: "Thuyền vững lái lướt nhanh trong gió bão, mặc cho phong ba ta luôn vững niềm tin". Nói thì không dám, nhưng nhận vỏn vẹn vài chữ động viên nhau như thế lòng lại ấm áp đến lạ. Rồi năm 1973, được sự tác hợp của đơn vị, đôi nghệ sĩ về chung một mái nhà. Họ "tương kính như tân" trong nghệ thuật và đời thường cho đến ngày Nhạc sĩ Thế Phương đi xa.

Thời gian đã lùi rất xa, nhưng hễ khi nhắc đến Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau thì ai nấy đều không quên giọng ca oanh vàng một thuở. Cái tên Tuyết Thu vẫn được đặt trang trọng trong lòng khán giả và đồng đội ngày ấy. Lần nào NSƯT Huỳnh Hảnh cũng bùi ngùi: "Thế hệ chúng tôi lần lượt từ Anh Đạo, Kim Chi, Huỳnh Hảnh, Minh Đương, Lệ Minh đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT, và trong tương lai gần, hy vọng Tuyết Thu cũng sẽ được đặc cách danh hiệu này như sự ghi nhận tài năng, những đóng góp lớn lao đối với nghệ thuật, với cách mạng".

Khẽ lật lại từng trang tập nhạc với hơn 80 sáng tác của người bạn đời như muốn níu kéo lại nhưng vấn vương hoài niệm, đoạn, bà dúi nhẹ vào tay tôi như món quà kỷ niệm tặng khách phương xa. "Họp mặt đoàn văn công năm nào cô cũng về, mỗi năm anh em đồng nghiệp theo quy luật mất còn vắng dần, buồn lắm. Nhưng chuyến này về, thế nào cũng phải có con nghen, cô sẽ hát lại "Tiếng đàn ta lư" cho bây nghe, hứa chắc nghen...!", Nghệ sĩ Tuyết Thu chợt hào hứng đến lạ. Đoạn đường về dưới cái nắng xôn xao, sao cứ nghe thương hoài lời hẹn của nghệ sĩ về chiều. "Tiếng đàn ta lư" của 74 mùa xuân chắc cũng phôi pha nhiều, nhưng ánh mắt khi nãy hình như vẫn là của Tuyết Thu ngày nào, của thời hoa lửa./.

Minh Hoàng Phúc

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.