ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-7-25 19:24:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghị lực vượt khó của một nữ sinh

Báo Cà Mau

Ba giờ sáng, trong khi bạn bè đồng trang lứa còn say giấc nồng với chăn ấm nệm êm thì em Nguyễn Thị Thúy Uyên (lớp 11, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đông Hải) đã vội vàng bật dậy để chuẩn bị nguyên liệu làm cơm cuộn, kịp cho chuyến giao hàng sớm. Dù vất vả, nhưng với Uyên đó là niềm hạnh phúc lớn lao khi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phụ giúp cha mẹ chăm lo cho các em và tiếp tục theo đuổi mơ ước của chính mình…

Nguyễn Thị Thúy Uyên tranh thủ giờ ra chơi ôn luyện môn Ngữ văn. Ảnh: Đ.K.C

Trưởng thành trong hoàn cảnh đặc biệt

Từ nhỏ, vì gia cảnh nghèo khó, mẹ của Uyên phải sống xa cha mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của bà ngoại (bà cố của Uyên). Rồi cha mẹ Uyên nên nghĩa vợ chồng, bên nội cũng không khấm khá là mấy nên bà cố tiếp tục dang rộng vòng tay chở che gia đình nhỏ, cho họ chỗ ở để trú nắng trú mưa. Bốn chị em Uyên lần lượt chào đời trong thiếu thốn. Dẫu vất vả với công việc thợ hồ để nuôi 6 miệng ăn, song cha Uyên vẫn cố gắng gồng gánh để vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc các con. Gia đình nhỏ dù thiếu thốn vật chất, nhưng luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.

Học hết lớp 7 thì gia đình ngày càng khánh kiệt, việc học của Uyên cũng sa sút theo, chán nản em bỏ học hết 3 năm. Sau đó, nỗi nhớ trường nhớ lớp ngày càng da diết, với sự động viên của thầy cô, bạn bè, Uyên xin cha mẹ được trở lại trường để hoàn thành chương trình THCS. Cũng vì quá tuổi nên Uyên không thể học lên THPT hệ chính quy, việc học lại tiếp tục gián đoạn. Rồi dịch COVID-19 ập đến, đói nghèo bủa vây, mâu thuẫn gia đình giữa cha mẹ Uyên ngày càng gay gắt, đỉnh điểm là sau trận cãi vã lớn cha mẹ em đã quyết định đường ai nấy đi. Gia đình hạnh phúc ngày nào giờ đây “tan đàn xẻ nghé”, Uyên lại rơi vào bế tắc…

Chị lớn có gia đình riêng và theo chồng về tỉnh Long An lập nghiệp, cuộc sống công nhân vất vả nên cũng chẳng thể phụ giúp gì cho các em. Cha mẹ Uyên thì bỏ quê lên TP. Hồ Chí Minh làm việc, mỗi tháng đều gửi tiền về chu cấp cho 3 chị em. Nhưng dẫu Uyên có dè sẻn cách mấy cũng không đủ để trang trải học hành, sinh hoạt phí. Thương các cháu, bà cố (76 tuổi) phải đi bán vé số để phụ giúp thêm.

18 tuổi - cái tuổi đẹp nhất của đời người, cái tuổi lẽ ra phải đầy hoa mộng nơi giảng đường đại học cùng bè bạn vun đắp tương lai, thì Uyên phải vừa làm chị, vừa làm mẹ của 2 đứa trẻ (đứa học lớp 7, đứa mới lớp mầm). Cô bé như già đi trước tuổi vì những bộn bề, lo toan cuộc sống…

Áp lực rèn kim cương

Khó khăn, chật vật là vậy nhưng khát khao được trở lại học đường, tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên ngày càng lớn, Uyên bàn với bà cố sẽ đi học bổ túc tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Nhưng ngặt một nỗi vì địa bàn quá rộng, nên trung tâm phải mượn phòng học tại Trường THPT Điền Hải (xã Điền Hải) để dạy lớp 10, 11 hệ bổ túc, tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con. Với Uyên, đó lại là trở ngại lớn khi không có phương tiện để di chuyển đoạn đường hơn 20km đi về mỗi ngày.

Bà cố lại là người đứng ra bảo lãnh, dẫn cháu đi mua xe gắn máy trả góp. Ổn định chuyện học hành, Uyên xin đi làm thêm tại một quán mì cay ở thị trấn Gành Hào. Vì học buổi chiều, nên sáng Uyên tranh thủ thức sớm lo ăn sáng cho cả nhà, rồi chở em trai vào Trường mẫu giáo Sao Biển, đưa em gái qua Trường THPT Gành Hào. 8 giờ sáng, Uyên bắt đầu vào ca làm phục vụ đến tận trưa. Sau đó, trở về nhà chuẩn bị đến trường, chiều tan học lại chạy về rước em trai, tất bật lo cơm nước cho gia đình rồi vào lại ca tối. Tiền lương mỗi tháng, Uyên dùng để trả góp xe máy và phụ thêm vào sinh hoạt phí được cha mẹ hỗ trợ.

Lay lắt cũng hơn 3 năm từ ngày cha mẹ em bỏ đi làm ăn xa, Uyên giờ đã 21 tuổi, học gần xong lớp 11 bổ túc; em gái kế sắp hoàn thành lớp 9; em trai Út cũng sắp xong lớp Lá. Lịch học của Uyên cũng nhiều thêm, nên hiện tại em đã xin nghỉ làm để chuyên tâm học hành. Và niềm hạnh phúc vỡ òa cũng đến khi Uyên vừa đoạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 cấp tỉnh năm học 2023 - 2024. Em cũng là thí sinh duy nhất hệ GDTX có được vinh dự này. Đây cũng là thành tích đáng tự hào đầu tiên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đông Hải sau hơn 10 năm thành lập.

“Thành tích của em chẳng đáng gì so với học sinh các trường bạn, huyện bạn nhưng với em đó là “quả ngọt” sau chuỗi ngày đầy nỗ lực của bản thân. Bên cạnh đó, các thầy ở Trung tâm cũng luôn đồng hành, động viên, hỗ trợ em về mọi mặt; các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT Gành Hào thì chia sẻ tài liệu ôn luyện… Đây sẽ là nguồn động lực lớn để em tiếp tục vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực nhiều hơn trong học tập, trong cuộc sống để có thể chạm tay đến ước mơ trở thành giáo viên Ngữ văn của mình”, Uyên bộc bạch.

“Áp lực rèn kim cương, khó khăn trui nghị lực”, cô gái nhỏ ấy vừa buông việc phục vụ quán mì cay, thì bắt tay ngay vào việc làm cơm cuộn bán cho học sinh và sắp tới đang manh nha ý tưởng cho một số món mới để đa dạng thực đơn phục vụ bán online, tăng thu nhập.

Mong em có nhiều sức khỏe, đủ nghị lực, niềm tin để hoàn thành được ước vọng lớn của đời mình!

Kim Trúc

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.

Đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 diễn ra thuận lợi

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục Cà Mau giữ ổn định toàn bộ phương án tuyển sinh, không gây xáo trộn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu năm học mới

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học trên địa bàn phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh theo cha mẹ chuyển về khu vực trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau ngày càng tăng, dẫn đến lượng hồ sơ nhập học giảm mạnh. Tình trạng này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học, sắp xếp giáo viên và ổn định công tác giảng dạy.

Vững vàng nơi trường thi đặc biệt

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm thi Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP Cà Mau) đón 229 thí sinh tự do dự thi theo Chương trình GDPT 2006. Tuy không náo nhiệt như các điểm thi dành cho học sinh lớp 12, nhưng lại mang một không khí chững chạc, bình tĩnh và đầy quyết tâm của những người trở lại trường thi với quyết tâm chinh phục giấc mơ tri thức.