(CMO) Làm Ðại đội trưởng Ðại đội Thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Việt Khái I (Cà Mau), hoạt động ở chiến trường miền Ðông Nam Bộ từ năm 1970 đến khi đất nước thống nhất năm 1975, luôn để lại ấn tượng tốt đẹp, đáng nể trọng trong lòng đồng đội; khi hoà bình lập lại, trở về với cuộc sống đời thường, ông Hai Cẩn (Lê Văn Bình) lại tiếp tục có những việc làm xúc động, ấm áp nghĩa tình.
Trong một lần tò mò, tôi hỏi ông Tư Tính (Nguyễn Trung Tính, cựu TNXP Nguyễn Việt Khái I, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau) về chuyện làm cách nào để tìm được đồng đội cũ, trong khi lúc đó (những năm 1990) rất hiếm người trang bị được điện thoại nhà riêng (mà có cũng làm gì có được số điện thoại của nhau). Thêm nữa, đường sá, xe cộ đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế cũng hạn chế và còn rất nhiều những trở ngại khác. Ông Tư Tính bảo rằng, công của ông Hai Cẩn trong việc này lớn lắm, kể cả việc đi tìm hài cốt đồng đội. Rồi ông hẹn tôi cùng đến nhà ông Hai Cẩn, tại đầu đường Mậu Thân (Vành đai II, Phường 9, TP Cà Mau).
Hôm ấy, buổi gặp gỡ còn có ông Năm Bình (Lê Thanh Bình, cựu TNXP Nguyễn Việt Khái I). Khi ông Tư Tính trình bày ý định của tôi và bảo ông Hai Cẩn kể những việc đã làm thời gian qua với đồng đội, thì ông Hai Cẩn cười hiền và nói, việc đó đã lâu giờ ông không còn nhớ rõ.
Hơi có phần thất vọng, rồi ông Năm Bình và ông Tư Tính bảo, trí nhớ ông Hai cũng có giảm, nhưng có lẽ do ông không muốn chia sẻ. Tính ông là thế, làm được gì thì làm, xong lại thôi, không muốn nhắc công lao. Rồi câu chuyện về ông Hai Cẩn được ông Tư Tính và ông Năm Bình thay nhau kể bằng tình cảm trân trọng và mến phục.
Sau ngày đất nước thống nhất, các đại đội TNXP công tác tại chiến trường miền Ðông (đóng ở Tây Ninh, trong đó có đơn vị TNXP Nguyễn Việt Khái I Cà Mau) về tiếp quản TP Hồ Chí Minh. Một thời gian sau thì lực lượng TNXP có lệnh giải tán. Khi đó, một số người được bố trí đảm nhận các công việc khác, số còn lại về quê, hoặc tứ tán khắp nơi. Cũng từ đó mà mất liên lạc nhau.
Phần ông Hai Cẩn, sau khi về lại quê hương, được phân công công tác bên ngành tài chính. Nhưng do trình độ học vấn hạn chế, lại không có chuyên môn, không am tường về công việc ở lĩnh vực này, chỉ làm được một thời gian ngắn, ông xin nghỉ và về sinh sống tại quê nhà xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.
Lúc về nghỉ, ông được giải quyết chế độ với số tiền kha khá. Có tiền, ông sắp xếp thời gian, công việc gia đình, bắt đầu hành trình đi tìm kiếm đồng đội (khoảng những năm 1979-1980). Khi đó, trong ý nghĩ của ông là tìm thăm coi anh em, nhất là những người đã giải ngũ về quê không tham gia công tác nữa, cuộc sống thế nào, có thể san sẻ, giúp đỡ được gì không. Một thời từng sống chết có nhau, coi nhau như ruột thịt, giờ bặt tin nhau, trong lòng ông cứ áy náy. Và tiếp sau đó, những năm 1990, khi có chủ trương thành lập các ban liên lạc, thì việc tìm kiếm đồng đội được ông Hai Cẩn càng tích cực hơn.
“Công tìm đồng đội lớn nhất là anh Hai Cẩn. Anh đi rất nhiều chỗ, từ Vũng Tàu, Tây Ninh, Ðồng Nai, về Bến Tre, Mỹ Tho, qua Kiên Giang, An Giang… Chúng tôi cũng có tham gia tìm kiếm, nhưng khi ấy phần còn đang công tác nên giờ giấc khó chủ động. Bên cạnh đó, bấy giờ điều kiện kinh tế cũng khó khăn...”, ông Tư Tính thừa nhận.
“Mình thử hình dung xem, chỉ riêng trong tỉnh Minh Hải lúc đó thôi, địa bàn rộng mênh mông, tìm người đã khó. Chẳng hạn như khi chúng tôi xuống vùng Ngọc Hiển tìm đồng đội; hồi xưa nghe chỉ hoặc biết nhà họ ở chỗ đó, nhưng giờ đi tìm thì mọi thứ đã vật đổi sao dời. Có khi đến nơi, chỉ còn là bãi đất trống; có khi những đặc điểm doi, vịnh giờ cũng thay đổi; cây cối, dấu hiệu này nọ giờ đều không còn như trước. Hỏi thăm, có người cũng không biết, có người thì chỉ chỗ nọ chỗ kia… Tìm được một người trong tỉnh cũng khá gian nan, huống hồ ngoài tỉnh…”, ông Năm Bình phân trần. Các ông như muốn cố diễn giải để tôi thấy được rằng, công lao của ông Hai Cẩn là thật lớn.
Trong kháng chiến luôn xông xáo tải đạn, khiêng thương binh, về với đời thường, ông Hai Cẩn (bìa phải) vẫn luôn sống hết lòng với đồng đội. |
Vậy rồi, cùng với ông Hai Cẩn, các cựu TNXP Nguyễn Việt Khái I lần lượt tìm được hầu hết đồng đội cũ. “Trên 200 người, trừ hơn 50 đồng đội hy sinh, còn lại chúng tôi đều lần lần có được thông tin nhau. Và cứ 2 năm 1 lần, vào ngày 23/9, ngày đặt phiên hiệu cho đội là C239, chúng tôi lại tổ chức họp mặt để gặp gỡ, thăm hỏi nhau…”, ông Tư Tính bày tỏ. Còn riêng trong tỉnh, nhất là những đồng đội ở gần, thì khi có chuyện gì, các cựu TNXP Nguyễn Việt Khái I đều thông báo cho nhau.
Cũng theo 2 ông, ngoài tìm đồng đội, sẻ chia khó khăn, giúp anh chị em lập hồ sơ hưởng chế độ chính sách, ông Hai Cẩn còn làm được một việc vô cùng ý nghĩa nữa là đi tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh. Là người tham gia Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I từ những ngày đầu đến khi kết thúc chiến tranh nên ông Hai Cẩn nắm được nhiều thông tin và biết được nhiều địa điểm đồng đội hy sinh, cũng như tự tay chôn cất nhiều đồng đội. Vì vậy, ông đã mô tả lại đặc điểm, vị trí đồng đội nằm cho các nhóm tìm hài cốt và bản thân tích cực tham gia cùng Ban Liên lạc Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội đưa về quê nhà. Con số 32 hài cốt đồng đội hy sinh trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ được đưa về Cà Mau, có công không nhỏ của ông. Cũng từ những đóng góp này, ông được Trung ương Hội Cựu TNXP tặng bằng khen năm 2007 và Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen năm 2015.
“Thời kháng chiến, anh Hai Cẩn xông xáo tải hàng, khiêng thương binh, làm tốt tất cả các nhiệm vụ được phân công. Ở đâu khó khăn, ở đâu có thương binh (có khi đến 5-7 người), dù nguy hiểm cỡ nào anh cũng có mặt. Có thể nói, chỗ nào gian khổ nhất, mấy người khác còn do dự thì ảnh xung phong. Cứ lăn xả vào làm, dù từ chức vụ nhỏ đến khi lên làm cán bộ đại đội. Hoà bình thì quan tâm đến anh em đồng đội… Giờ ai bệnh hoạn, từ trần gì ảnh cũng đến với anh em. Anh Hai là người sống có cái tâm, cái tình với đồng đội dữ lắm”, ông Năm Bình thân thương nói về thủ trưởng cũ tuổi ngoài thất thập của mình.
Các ông còn “minh chứng” cái tính tốt bụng của ông Hai Cẩn khi kể về việc ông cho mượn lúa. Số là sau khi nghỉ chính sách được lãnh tiền, lúc ấy lúa rẻ, chỉ 2 đồng bạc/giạ, ông mua cả ngàn giạ lúa để đó. Có lẽ ông định trữ lúa để bán kiếm lời hay đổi xi-măng, cát đá cất nhà (hồi ấy vật liệu xây dựng phải đổi bằng lúa). Nhưng rồi xóm giềng, bà con dòng họ nghèo khó tới mượn lúa ăn, mỗi người cả chục giạ, ông giải quyết hết. (Ðến giờ nhiều người còn… chưa trả). Nghe đồng đội kể lại việc này, ông Hai Cẩn chẳng nói chẳng rằng, chỉ nở nụ cười hiền hậu.
Dự định sẽ được nghe ông Hai Cẩn kể chuyện tìm đồng đội còn sống và tìm hài cốt đồng đội hy sinh (mà tôi dự đoán là hấp dẫn lắm), nhưng ý định của tôi không thực hiện được. Dẫu vậy, qua lời kể của ông Tư Tính và ông Năm Bình, cũng thấy được phần nào công sức, tấm lòng của ông với đồng đội.
Sau tất cả những sóng gió cuộc đời, có lẽ với các cựu TNXP này, những con người thời trẻ cùng gian khổ, sống chết có nhau, giờ tuổi xế chiều, được ngồi bên nhau chơi bàn cờ, uống chung trà, thăm hỏi nhau về sức khoẻ, chia sẻ những buồn vui, động viên nhau trong cuộc sống, như vậy là ấm áp. Họ sống với nhau bằng cái tình, nên dù trải qua bao biến đổi của thời gian, nghĩa tình vẫn luôn bền chặt./.
Huyền Anh