ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 23-9-24 07:16:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghĩa tình xóm trọ

Báo Cà Mau (CMO) Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân, nhất là nguồn thu nhập của những người lao động phổ thông, lao động nghèo vốn đã bấp bênh và ít ỏi. Với những người ở trọ thì lại càng khó khăn hơn, vì đối với họ, cái ăn, cái ở là điều quan trọng nhất. Hiểu và sẻ chia những khó khăn ấy, nhiều chủ trọ đã giảm giá, thậm chí miễn tiền phòng trọ. Việc làm nghĩa tình này khiến ai nấy ấm lòng.

Chị Lê Thuý Anh (Khóm 6, Phường 9, TP Cà Mau) kinh doanh phòng trọ hơn 4 năm nay. Hiện dãy trọ chị cho thuê có 29 phòng (mỗi phòng giá 800.000 đồng/tháng, người có hoàn cảnh khó khăn thì chị bớt 100.000-200.000 đồng). Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, đời sống người dân khó khăn, người lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút, nên chị quyết định giảm 100% tiền trọ từ đầu tháng 8, đến khi nào dịch bệnh được khống chế, người ở trọ được đi làm lại bình thường, có thu nhập thì tháng sau đó chị mới thu tiền phòng.

Với mong muốn san sẻ yêu thương và giúp họ vượt qua khó khăn, không chỉ miễn phí tiền phòng trọ, chị Thuý Anh còn hỗ trợ 10 kg gạo cùng dầu ăn, nước mắm, bột ngọt cho mỗi hộ ở trọ của mình và những người ở trọ khác gần đó. Chị còn thường xuyên thăm hỏi, động viên người ở trọ hãy an tâm ở yên tại chỗ, dặn dò phải luôn tuân thủ đúng nguyên tắc 5K và Chỉ thị 16 để phòng chống dịch.

“Thấy bà con ở trọ chủ yếu là lao động nghèo, thu nhập bấp bênh nên mình giảm hoàn toàn tiền trọ, chỉ thu tiền điện, nước theo giá Nhà nước, để họ an tâm và giảm bớt chi phí sinh hoạt. Sắp tới, nếu dịch vẫn còn, mình vẫn tiếp tục không lấy tiền trọ. Hiện còn khoảng 10 phòng trống, nếu ai có hoàn cảnh khó khăn, không có chỗ ở thì cứ đến đây ở, miễn phí cho đến khi hết dịch”, chị Thuý Anh bộc bạch.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Huệ kiếm sống dựa vào nghề bán vé số dạo hơn 10 năm nay, chuyển vào ở trọ tại đây đã gần 1 năm. Mỗi ngày, vợ chồng bà bán hơn 300 tờ vé số, kiếm cũng được hơn 300.000 đồng, vừa đủ trang trải chi phí tiền trọ mỗi tháng 600.000 đồng và ăn uống, sinh hoạt. Từ khi có quyết định ngưng phát hành vé số, vợ chồng bà không còn việc làm và mất nguồn thu nhập. Cả 3 người con đi làm ăn xa đều kẹt lại vùng dịch ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, không thể về quê.

Ghé thăm phòng trọ trong lúc bà Huệ đang chuẩn bị nấu cơm. Hai miếng đậu hũ xào với giá, hẹ, hết 30.000 đồng cho hai vợ chồng ăn trong một ngày. Gạo, hai chai dầu ăn, một chai nước mắm và bọc bột ngọt thì được chủ trọ cho từ hồi mới giãn cách, dùng dần đến nay vẫn còn. Ðược chủ trọ thông báo sẽ miễn tiền thuê phòng đến khi hết dịch, vợ chồng bà rất mừng, vơi đi phần nào nỗi lo chi phí sinh hoạt trong lúc khó khăn. “Tôi rất biết ơn và quý trọng tấm lòng của cô Thuý Anh vì đã quan tâm, giúp đỡ tôi và những người ở trọ trong lúc thất nghiệp do dịch bệnh như vầy. Mong nhiều người ở trọ cuộc sống khó khăn cũng được giúp đỡ như tôi và mong dịch bệnh mau qua đi để cuộc sống của mọi người được trở lại bình thường”.

Vợ chồng ông Năm Văn (Lê Hoàng Văn, 67 tuổi, đường Lý Thường Kiệt, Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau) cho thuê trọ hơn 15 năm nay. Khi tỉnh thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch, nhiều người ở trọ tại đây bị giảm sút thu nhập. Một nửa số người thuê phòng không có việc làm đã về quê. Những người còn ở lại đa số quê ở miền Trung thì được ông Năm miễn giảm tiền phòng, chỉ đóng tiền điện, nước. Ông Năm Văn chia sẻ: “Ngoài giảm tiền trọ, tôi còn liên lạc với hội đồng hương các tỉnh quê của người ở trọ để hỗ trợ những phần quà, nhu yếu phẩm trong lúc họ không có việc làm”.

Vợ chồng chị Trần Thị Thu Thuỷ từ Quảng Ngãi vào Cà Mau bán hàng rong hơn chục năm nay. Thu nhập mỗi tháng của vợ chồng hơn 10 triệu đồng, đủ trang trải sinh hoạt gia đình cho cuộc sống ở trọ và nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học, tằn tiện tích góp để dịp Tết mỗi năm được về quê thăm ông bà một lần. Chị Thuỷ xúc động: “Ðể tiết kiệm tiền, vợ chồng tôi thuê phòng trọ ở đây giá rẻ, vì vợ chồng đi bán dạo suốt, chỉ về ngủ nghỉ. Từ khi giãn cách xã hội lần 1 rồi đến lần 2 này, không đi bán cả tháng rồi, không có đồng ra đồng vô. Mỗi bữa ăn thì nhín lại một chút, để cầm cự với tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào mới chấm dứt. Ðược chủ trọ miễn tiền thuê phòng, tôi rất biết ơn vì chi phí sinh hoạt giảm đi phần nào”.

Chị Trần Thị Thanh Diệu, chủ nhà trọ ở đường Lý Thường Kiệt, Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau, cũng giảm 50% tiền phòng cho người ở trọ từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội. Tiền phòng trước đây là 700.000 đồng/tháng, khi dịch bùng phát, chị giảm còn 600.000 đồng, sau khi thực hiện Chỉ thị 16, chị tiếp tục giảm một nửa.

Ngoài giảm tiền phòng trọ, chị Diệu còn tặng khẩu trang cho người ở trọ đang gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chủ nhà trọ Ngọc Lan (Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau) kể: “Khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh tại TP Hồ Chí Minh nhưng tỉnh đã có văn bản chỉ đạo người về từ TP Hồ Chí Minh phải cách ly tại nhà. Cháu gái thuê phòng báo chồng và con trai đang trên xe từ thành phố về ở, tôi cũng lo lắm, nhưng suy nghĩ, mình không cho ở nó cũng có chỗ đâu mà ở, nên tôi đồng ý cho ở luôn, nhưng báo cho nhân viên y tế xuống đo thân nhiệt và thực hiện cách ly tại nhà”.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ai cũng sợ, bà Lan cũng không ngoại lệ, nhưng vì lòng thương người, thương hoàn cảnh khó khăn của những công nhân lao động khó khăn phải thuê trọ sinh sống qua ngày nên bà Lan không nỡ làm khó. Bà chia sẻ: “Trước đây, cháu gái này buôn bán ngoài chợ Phường 4, khi chồng nó về tôi cũng không cho nó đi bán nữa, ở nhà cách ly luôn, đi lung tung rủi có chuyện gì lại gây hậu quả nghiêm trọng. Ban ngày chồng nó ở trên gác, mẹ con nó ở dưới, thấy chật chội quá, tôi cho mượn thêm phòng để 2 mẹ con nó qua ở cho rộng rãi, còn phòng bên kia để cách ly, nhưng không thu phí trọ”. Cả vợ và chồng đều cách ly 21 ngày, nên việc đi chợ bà Lan kiêm nhiệm luôn. Bà Lan vui vẻ: “Sẵn mua đồ mình ăn thì mua giùm nó một ít cũng tiện”.

Chị Ðỗ Thị Quới (Khóm 4, Phường 9) cũng như bà Lan vậy. Khu trọ chị cho thuê có đối tượng cách ly tại nhà và chị cũng không nỡ làm khó. Chị Quới bộc bạch: “Ở lâu cũng thương mến như người nhà, bệnh dịch này không ai muốn hết. Không cho họ ở thì họ biết đi đâu”. Ðiều đáng quý ở nhà trọ của chị Quới là công nhân không ở trọ có thể về quê “lánh dịch”, khi nào đi làm lại  vào ở bình thường, khoảng thời gian không ở thì chị Quới không thu tiền trọ.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Việt Hoá cho biết: “Thời gian qua, Liên đoàn Lao động các cấp đã vận động nhiều chủ nhà trọ hỗ trợ công nhân do ảnh hưởng dịch bệnh tạm thời nghỉ việc hoặc mất việc, phần nào giúp họ vượt qua khó khăn”.

Miễn, giảm tiền thuê trọ trong lúc này không chỉ là việc làm tử tế lan toả giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ, san sẻ khó khăn giữa người với người, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, cùng chung tay vượt qua khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19./.

 

Thảo Mơ - Kim Cương

 

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.