Trước năm 2010, bậc học mầm non ở huyện Ngọc Hiển hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, chủ yếu là lớp ghép tạm vào các điểm trường tiểu học với 2-3 giáo viên phụ trách. Ông Trần Văn Út, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, cho biết: “So với thời điểm trước đây, bậc học mầm non đã có bước phát triển. Tuy nhiên, bậc học này vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực cần giải quyết kịp thời”.
Trước năm 2010, bậc học mầm non ở huyện Ngọc Hiển hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, chủ yếu là lớp ghép tạm vào các điểm trường tiểu học với 2-3 giáo viên phụ trách. Ông Trần Văn Út, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, cho biết: “So với thời điểm trước đây, bậc học mầm non đã có bước phát triển. Tuy nhiên, bậc học này vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực cần giải quyết kịp thời”.
Nhu cầu học tập thực tế cao hơn khả năng đáp ứng, hệ thống trường lớp và nguồn nhân lực chưa đảm bảo, cơ sở vật chất cho giáo dục chưa mang tính đồng bộ chính là những rào cản lớn của bậc học mầm non huyện Ngọc Hiển trong quá trình đổi mới và phát triển.
Chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Gắn bó nhiều năm với ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển, ông Út chia sẻ: “Ở xứ này, hồi xưa có ai quan tâm đến việc học mẫu giáo, mầm non gì đâu. Cứ tới tuổi đi học lớp 1 thì người ta cho con em vô học luôn”.
Cũng phải nói thêm, một thời gian rất dài, ngành giáo dục chỉ lo theo kiểu “ngược đời”, tức là bậc học càng cao càng được quan tâm, còn bậc học mầm non thì hoạ may chỉ có những đô thị, trung tâm mới đàng hoàng chút ít. Rồi như nhận ra “lỗ hổng” này, bậc học mầm non được chủ trương đầu tư phát triển và thay đổi đến mức “chóng mặt”. Ngọc Hiển nằm trong xu thế này, từ chỗ “chưa có gì”, đến nay bậc học mầm non đã có được bước tiến tích cực.
Giờ ăn tại Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc. |
Ông Út nhận định: “Ðầu tư cho mầm non là đúng hướng và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của toàn xã hội”. Huyện cực Nam Tổ quốc đã đạt tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi tới lớp trên 95%. 7 trường mẫu giáo đã phủ kín hết các xã, thị trấn trong huyện với 59 lớp.
Ðối với những nơi đặc biệt khó khăn về điều kiện giao thông, địa lý, ông Út cho biết: “Ngành bố trí 14 điểm mẫu giáo gắn với các trường tiểu học để các em trong độ tuổi được đến lớp. Các điểm này đều được nâng cấp, bổ sung trang thiết bị dạy học và có giáo viên phụ trách”. Chỉ tính riêng lớp Lá (5 tuổi), năm học mới, huyện Ngọc Hiển có 33 lớp và tổng số học sinh của toàn bậc học trên 1.600 em.
Bà Nguyễn Thị Sáu, chuyên viên phụ trách mầm non của Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Với chủ trương ưu tiên cho các em lớp Lá, điều kiện hiện tại cơ bản đảm bảo, nhưng các em độ tuổi nhỏ hơn còn thiếu thốn nhiều thứ”.
Những năm đầu thực hiện huy động trẻ 5 tuổi đến lớp, ngành giáo dục Ngọc Hiển phải nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu đề ra.
Bà Nguyễn Thị Sáu bộc bạch: “Phần do điều kiện đi lại cách trở, phần vì đời sống kinh tế khó khăn, thêm nữa ý thức của người dân chưa cao nên vận động được các em tới lớp rất vất vả”. Chưa kể trường lớp thì thiếu thốn, lực lượng giáo viên phải “đắp vá” vì chưa có nguồn bổ sung, mọi thứ đều trong tình trạng quá tải.
Ðến nay, Ngọc Hiển có 2/7 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, lực lượng giáo viên được nâng lên 71 người. Ông Út trăn trở: “Cái khó của ngành là thiếu giáo viên, thiếu phòng học ở bậc mầm non. Trong khi đó, biên chế trên giao không tăng, kinh phí phân giao hằng năm cũng chưa điều chỉnh. Bây giờ không sợ thiếu học sinh, mà nỗi lo lớn nhất của ngành là không phục vụ đầy đủ nhu cầu học tập của các em”.
Ghi nhận trên thực tế, ở những địa bàn như thị trấn Rạch Gốc, xã Tam Giang Tây hay xã Ðất Mũi, lượng học sinh mầm non rất lớn, kéo theo đó áp lực ngày càng gia tăng với bậc học này. Theo tính toán, tỷ lệ giáo viên trên lớp của các lớp mầm non Ngọc Hiển là 1,24 (quá thấp so với chuẩn quy định là 2 giáo viên/lớp).
Ðâu là giải pháp?
Ở cấp độ ngành giáo dục địa phương, ông Út cho biết: “Những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để giải toả những áp lực của bậc học mầm non. Qua đó, nguồn giáo viên được bổ sung thêm, hệ thống trường lớp dần ổn định, chất lượng giáo dục được nâng lên, nhưng về lâu dài thì chúng tôi rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành”.
Theo lời ông Út, tại Ngọc Hiển, có trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng do lượng học sinh tăng quá nhanh, dẫn đến việc thiếu phòng học và… phải mượn phòng của trường tiểu học. Nhu cầu bậc học mầm non rất lớn, ông Út ước tính: “Vài năm trước, có khi mỗi năm tăng trên dưới 500 em, thiếu phòng học và giáo viên là điều khó tránh khỏi”.
Vì áp lực thực tế, những nơi như thị trấn Rạch Gốc, nhà trường phải tăng sĩ số học sinh lên 35-40 em/lớp. Những lớp mầm, chồi phải cắt giảm giáo viên chỉ còn 1 người phụ trách để ưu tiên khối lớp Lá 5 tuổi. Ông Út băn khoăn: “Học sinh tăng, lớp tăng, yêu cầu chất lượng giáo dục tăng, trong khi đó cơ chế về biên chế, ngân sách vẫn không thay đổi”.
Học sinh tăng, nhưng thiếu giáo viên, phòng học nên Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc đang trong tình trạng quá tải. |
Vậy là ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển áp dụng phương pháp cũ, đó là “khéo co thì ấm”, vận dụng những gì có trong tay để tạm thời giải quyết những thách thức. Ông Út thông tin thêm: “Ngoài việc nâng sĩ số/lớp, lộ trình của ngành là tranh thủ nguồn xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để nâng cấp cơ sở vật chất cho bậc học mầm non. Việc huy động trẻ 5 tuổi ưu tiên các điểm lẻ bằng cách mượn phòng học nhưng vẫn phải đầu tư đảm bảo yêu cầu. Ngành tranh thủ mọi nguồn để sửa chữa nhỏ, nâng cấp các phòng học kết hợp với chương trình kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 3…”.
Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Rạch Gốc, trăn trở: “Thị trấn có dân số gần 13.000 người mà chỉ có 1 trường mẫu giáo, đáp ứng làm sao được”. Ðây chính là ngôi trường đạt chuẩn mà phải chịu cảnh mượn phòng học nhờ. Với 12 lớp, 400 học sinh nhưng nhà trường chỉ có 21 giáo viên.
Cô Hằng trải lòng: “Năm nào trường cũng có 3-4 giáo viên nghỉ hậu sản, mới đây có cô giáo nghỉ công tác vì hoàn cảnh riêng, nói chung lúc nào cũng thấp thỏm sợ thiếu người dạy”. Trường cũng chỉ thông báo tuyển trẻ lớp Mầm, Chồi 1 buổi sáng do thiếu giáo viên. Cô Hằng còn nhận định: “Nhu cầu ở thị trấn này còn lớn lắm, cứ đà này một vài năm nữa thì chúng tôi không kham nổi”.
Tình hình thực tế khiến ngành giáo dục huyện Ngọc Hiển đối mặt với những khó khăn rất lớn. Ông Út kiến nghị: “Nếu không bổ sung giáo viên, phòng học, nâng cấp cơ sở vật chất thì bậc học mầm non của Ngọc Hiển có nguy cơ không theo kịp với xu thế phát triển, từ đó có thể dẫn đến những hệ luỵ không mong muốn”. Yêu cầu bức thiết của Ngọc Hiển là cơ chế để bổ sung lực lượng giáo viên, đảm bảo điều kiện cơ bản để trẻ em bậc học mầm non được thụ hưởng nền giáo dục đổi mới, toàn diện. Ðây là vấn đề mà các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục cần quan tâm để bậc học mầm non Ngọc Hiển sớm thoát khỏi áp lực như hiện nay./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên