ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 29-9-24 05:54:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngôi làng “cổ tích”

Báo Cà Mau Khi nhắc đến du lịch Hà Giang, mọi người sẽ thường nhắc đến sông Nho Quế, phố cổ Ðồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú... Nhưng có một điểm đến thú vị khác mà ít người biết, đó là làng Lô Lô Chải - ngôi làng được ví như chốn cổ tích ở cao nguyên đá Ðồng Văn, với bức tranh thiên nhiên yên bình, đậm màu sắc văn hoá bản địa.

Lô Lô Chải nằm nép mình dưới chân Núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú 1 km, thuộc xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Con đường dẫn vào làng khá nhỏ và thoai thoải dốc, Lô Lô Chải hiện ra với những căn nhà trình tường lợp ngói âm dương ba gian đã trải qua hàng trăm năm tuổi.

Khám phá Lô Lô Chải là khám phá những màu sắc văn hoá đặc trưng của vùng đất này. Với 90% dân cư là đồng bào Lô Lô, ngôi làng gần như giữ được vẹn nguyên những nét văn hoá rất riêng của người Lô Lô, từ kiến trúc nhà trình tường, các nghề thuyền thống như: thêu, làm mộc... tới các lễ hội truyền thống như: lễ cúng Thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và các điệu múa dân gian.

Nhà trình tường của người Lô Lô chủ yếu được xây bằng đất sét và đất thịt, mỗi bức tường dày 50-60 cm, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát nên còn được gọi là nhà “hai mùa”. Móng nhà được gia cố bằng những tảng đá cuội, dựng gỗ làm khuôn rồi nện chặt các bức tường bằng đất, sau đó là lợp mái bằng ngói âm dương. Những ngôi nhà của người Lô Lô mang nét đặc trưng và vẻ đẹp tinh xảo trong kiến trúc, kỹ thuật làm nhà của đồng bào dân tộc miền núi. Hiện làng Lô Lô Chải còn 37 căn nhà trình tường được giữ nguyên kiến trúc với tuổi thọ hơn trăm năm tuổi.

Khi tới làng văn hoá Lô Lô Chải, du khách có thể khoác thử những bộ váy áo cầu kỳ, sặc sỡ - sản phẩm của sự cần cù, chịu khó với đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Lô Lô. Tuy ngày nay có rất nhiều loại vải được bày bán nhưng phụ nữ Lô Lô vẫn yêu thích những loại vải do chính mình dệt và nhuộm từ các loại củ, lá rừng. Hoa văn, hoạ tiết trên trang phục đều do các bà, các chị tự thêu tay. Ðể làm nên một bộ váy áo truyền thống phải mất 2-3 năm với nhiều công đoạn công phu và tỉ mẩn, vì vậy mà giá bán mỗi bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô hiện tại lên đến hơn 15 triệu đồng.

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lô Lô là sự kết hợp của nhiều chi tiết như khăn đội đầu, quần, áo, dây lưng, yếm quần, khăn tay, xà cạp... và các loại trang sức.

Tháng 11/2018, Lô Lô Chải được công nhận là Làng Văn hoá - Du lịch cộng đồng và năm 2022 được công nhận là Làng Văn hoá - Du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình OCOP.

Hiện nay, người dân Lô Lô làm du lịch dần trở nên chuyên nghiệp hơn. Những nếp nhà trình tường xưa cũ trở thành phòng nghỉ có giá hàng trăm đến cả triệu đồng mỗi đêm, người dân đã biến những ngôi nhà cổ thành homestay trang bị đầy đủ những vật dụng hiện đại để đáp ứng nhu cầu của du khách.  Những nương ngô, nương rau do chính người dân trồng được sử dụng làm thực phẩm tươi xanh phục vụ khách du lịch. Mỗi người dân Lô Lô chất phác, thật thà, mến khách đều là một hướng dẫn viên thân thiện.

Làng Lô Lô Chải là địa điểm yên bình, lặng lẽ hiếm có trong sự phát triển mạnh mẽ du lịch của Hà Giang hiện tại.

Hãy một lần đến Lô Lô Chải để đến chốn bình yên, tắt hết điện thoại, thư thả ngồi trước hiên nhà nhâm nhi tách trà, ly rượu, đọc vài trang sách, tìm về chính mình, tạm gác lại âu lo và đắm mình vào một miền cổ tích.

 

Huỳnh Anh thực hiện

 

Hồn đất trên Gốm chùa Ðồng Nai

Tại sao có tên gọi Gốm chùa? Chỉ đơn giản là sản phẩm gốm được tạo tác bởi những đôi tay, khối óc của các tu sĩ trong một ngôi chùa tại Ðồng Nai - chùa Tăng Hội.

Trọn lòng yêu kính Bác

Xuôi dòng lịch sử, đầu tháng 9/1969, sau khi nhận tin Bác Hồ từ trần, người dân xã Long Ðức (nay thuộc TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vô cùng tiếc thương, để tang, cùng nhau nấu cơm cúng và lập bàn thờ tại nhà thờ Bác theo phong tục địa phương. Nhiều người bày tỏ nguyện vọng xây dựng đền thờ để tưởng nhớ Bác. Ðến đầu năm 1970, Thị uỷ Trà Vinh họp và quyết định xây dựng đền thờ.

Hải Vân Quan - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Hải Vân Quan (cổng quan trên đèo Hải Vân), công trình được vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây dựng vào tháng 2 năm Bính Tuất (1826). Phía trước cổng quan viết 3 chữ "Hải Vân Quan", phía sau viết 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nơi lưu giữ hiện vật lịch sử đặc biệt

Toạ lạc gần Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hà Nội) là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh và thông tin liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như các phong trào yêu nước khác.

Ðộc, lạ nhà dừa

Không phải ở xứ dừa Bến Tre, mà ngay tại cù lao cây trái An Bình (ấp Hoà Quý, xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có một ngôi nhà dừa độc, lạ nhất nước.

Thăm “Vườn ông Sáu Dân”

“Vườn ông Sáu Dân” là cách gọi thân thương, gần gũi của người dân khi nói về Khu Tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Di tích cấp Quốc gia, toạ lạc tại số 10, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Khóm 2, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. 86 tuổi đời, 70 năm tham gia cách mạng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dâng hiến trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Những hoạt động trong Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024

Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV gắn với một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2024). Các hoạt động chính sẽ diễn ra từ ngày 24 - 28/8, mời quý độc giả cùng du khách gần xa về trải nghiệm.

Ðạp xe xuyên rừng khám phá Thác Mai

Những năm gần đây, xu hướng du lịch mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang sơ ngày càng thu hút nhiều người. Một trong những hành trình đầy thử thách và ấn tượng phải kể đến là chuyến đạp xe xuyên rừng khám phá Thác Mai, điểm đến ẩn mình giữa rừng núi hoang sơ tại tỉnh Ðồng Nai.

Khu mộ ba vua nhà Nguyễn

An Lăng là nơi an nghỉ của ba vua triều Nguyễn gồm Dục Ðức, Thành Thái và Duy Tân, nằm trên đường Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế, rộng gần 6 ha. Lăng được Vua Thành Thái xây dựng vào năm 1899 để thờ phụng cha mình là Vua Dục Ðức. Ðến năm 1954, Vua Thành Thái qua đời và được đưa về An Lăng chôn cất cùng vua cha. Còn Vua Duy Tân mất năm 1945, trong một tai nạn máy bay ở Pháp. Ðến năm 1987, di hài của vua được đưa từ Pháp về Việt Nam, an táng tại An Lăng cùng với cha (Vua Thành Thái) và ông nội (Vua Dục Ðức). Sau hơn trăm năm tồn tại, di tích bị hư hỏng nhiều, đứng trước nguy cơ hoang phế.

Ấn tượng ngôi chùa trên đỉnh núi Linh Quy

Toạ lạc trên đỉnh núi Linh Quy, thuộc xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng, chùa Linh Quy Pháp Ấn được xây dựng với kiến trúc đẹp giữa khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, tạo nét độc đáo riêng.