ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:39:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ngôi sao sáng phương Nam

Báo Cà Mau (CMO) Nếu đến Long Xuyên, hỏi thăm bất cứ người dân nào đường về cù lao Ông Hổ thì ai cũng sẵn lòng và rất tận tình chỉ đường cụ thể. Mặc dù ngày nay, nơi đây có tên hành chính hẳn hoi nhưng không chỉ người dân địa phương mà người dân khắp xứ Nam kỳ lục tỉnh vẫn quen gọi là cù lao Ông Hổ. Trên cù lao đầy huyền thoại ấy đã sản sinh ra một người con ưu tú và là ngôi sao sáng của đất phương Nam. Cũng trên cù lao ấy, người dân cùng chính quyền địa phương, với lòng tôn kính lẫn hãnh diện của mình đã dựng lên Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng trong khuôn viên bốn mùa hoa trái sum suê.

Người con ưu tú

Trên cù lao này vẫn còn lưu giữ dấu ấn thiếu thời của Bác Tôn. Trước đây, nơi này là ngôi nhà gỗ, do thân sinh của Bác Tôn là cụ Tôn Văn Ðề xây dựng vào năm 1887, với lối kiến trúc hình chữ Quốc, sàn lót ván 3 gian, 2 chái lợp bằng ngói âm dương cùng với những đồ vật, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Luỹ tre xanh đầu ngõ soi bóng xuống sông Hậu theo thế “Long chầu Nguyệt”. Ðã mấy trăm năm nhưng luỹ tre vẫn xanh tốt; những ao cá trong vườn vẫn rực màu hoa sen, hoa súng; những vườn cây quanh năm hoa trái trĩu cành… Năm 1984, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng là di tích quốc gia đặc biệt.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng (20/8/1888-20/8/1998), Nhân dân tỉnh An Giang đã tiến hành làm lễ khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng với nhiều công trình được xây dựng mới trên khuôn viên 6,7 ha. Trong đó, ngôi nhà thời niên thiếu và đền thờ tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng trong khuôn viên 1.600 m2 với kiến trúc cổ lầu tam cấp đặc sắc, nơi chính điện là tượng Bác Tôn bằng đồng bán thân.

Tượng Bác Tôn tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ðối diện với đền thờ là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn - nơi đây các hình ảnh, hiện vật, các tư liệu và phim hình sống động giúp chúng ta hiểu thêm về Bác, một tấm gương sáng của dân tộc ta về chí khí kiên cường, đạo đức cách mạng, lối sống khiêm tốn, giản dị.

Từ năm 1998 đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 lượt khách đến thăm viếng nơi đây. Ðây cũng là địa điểm các cơ quan, đoàn thể tỉnh An Giang đến làm lễ dâng hương, báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên… Nhà bảo tàng với nhiều hiện vật quý, từ chiếc xe đạp Bác Tôn sử dụng như một hình thức rèn luyện thân thể đến mô hình máy bay từng chở Bác về thăm quê nhà.

Anh bạn đồng nghiệp từ Trà Vinh rất tâm đắc và cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi khi được biết về việc cù lao Ông Hổ là vùng đất lấy chữ “Ðức” làm gốc, con người sống nhân hậu, nghĩa tình, thuỷ chung son sắt. Thuở Bác Tôn chào đời, cụ Tôn Văn Ðề và các bậc Nho học nhận thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, nhân tướng toát lên vẻ thanh cao, giàu chí khí nên đã dùng chữ đệm là “Ðức” trước tên “Thắng” và dự đoán: Cù lao này có long mạch, nhất định sau này cậu bé sẽ là người có công, gánh vác trọng trách của xã tắc, non sông.

Ngôi sao sáng

Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888, tại cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, tổng Ðịnh Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Hoà Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), là con trai đầu lòng của ông Tôn Văn Ðề và bà Nguyễn Thị Dị.

Gia đình Bác Tôn thuộc hàng nông dân khá giả nên từ nhỏ Bác được học hành đàng hoàng. Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Sơ cấp tiểu học Ðông Dương tại Long Xuyên, Bác Tôn rời quê lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại trường cơ khí. Tốt nghiệp hạng ưu, Bác được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn.

Năm 1912, Bác Tôn tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy bị sa thải. Năm 1913, Bác Tôn sang Pháp làm công nhân. Năm 1914, Bác được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị hải quân Pháp. Bác tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Ðế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết tại Hắc Hải (ngày 20/4/1919), treo cờ đỏ trên một thiết giáp hạm của Pháp tại đây để ủng hộ Cách mạng Nga.

Năm 1920, Bác Tôn về nước, xây dựng cơ sở công hội (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), vận động công nhân đấu tranh, bãi công... Năm 1927, Bác tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, là Uỷ viên Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn và Kỳ bộ Nam Kỳ, được phân công trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1929, Bác bị địch bắt tại chân cầu Kiệu và bị giam gần 1 năm tại Khám Lớn - Sài Gòn. Sau đó chúng tuyên án Bác 20 năm tù, đày đi Côn Ðảo. Mãi đến Cách mạng Tháng Tám thành công, chính Bác đã lái ca-nô đưa các tù chính trị Côn Ðảo về đất liền.

Bác Tôn là một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Sự cống hiến lớn lao của Bác Tôn cho nền độc lập dân tộc và hoà bình thế giới đã được Nhân dân thế giới kính nể. Bác Tôn là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng Hoà bình Quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hoà bình thế giới.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhiều năm bị đế quốc, thực dân giam cầm ở Nhà tù Côn Ðảo, Bác Tôn tỏ rõ ý chí, niềm tin và phẩm chất của một người cộng sản kiên cường. Ðế quốc Pháp đã bắt giam, đày đoạ Bác Tôn 17 năm trời ở Khám Lớn - Sài Gòn và nhà ngục Côn Ðảo với chế độ khổ sai (khi thì nhốt vào hầm xay lúa, khi thì nhốt vào hầm tối, tay chân bị xiềng xích, cùm kẹp, khi thì cho ăn lúa sống, hoặc bỏ đói, bỏ khát), nhưng Bác Tôn vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, trước sau vẫn không lay chuyển.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Tôn trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ (1945); là Phó ban Thường trực Quốc hội rồi Trưởng ban (tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này). Bác là Ðại biểu Quốc hội liên tục các khoá I (1946) đến khoá VI (1981). Tháng 7/1960, Bác được bầu làm Phó chủ tịch nước. Tháng 9/1969, Bác được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau ngày đất nước thống nhất, Bác là Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976-1980). Với 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, Bác Tôn đã để lại cho Ðảng, Nhà nước ta nhiều bài học sâu sắc, cho Nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước.

Ngày 30/8/1980, Bác Tôn qua đời tại Hà Nội, thọ 92 tuổi.

Đền thờ Bác Tôn.

Tình bạn cao cả, vĩ đại

Bác Hồ và Bác Tôn là 2 ngôi sao sáng chói trên bầu trời cách mạng Việt Nam, 2 hạt kim cương lấp lánh của nền đạo đức cách mạng Việt Nam thời đại mới. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tình cảm đặc biệt đã gắn bó 2 con người, 2 vị lãnh tụ: Bác Hồ và Bác Tôn như một tình đồng chí, tình bạn vĩ đại và cảm động.

Bác Hồ quý trọng Bác Tôn bao nhiêu thì Bác Tôn càng kính yêu và quý trọng Bác Hồ bấy nhiêu. Bác Tôn biết ơn Bác Hồ vì Bác Hồ là người đưa cả dân tộc ta thoát khỏi vòng nô lệ và cũng chính là người đưa Bác Tôn đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lý của thời đại. Ở bất cứ đâu và trong bất cứ cuộc gặp mặt nào với cán bộ và Nhân dân, Bác Tôn đều căn dặn phải hết lòng hết sức thực hiện những lời dạy của Bác Hồ.

Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh và Tôn Ðức Thắng, 2 vị Chủ tịch nước kính mến, hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Tình cảm giữa Bác Hồ và Bác Tôn đã hình thành từ lâu, khi 2 bác còn chưa gặp nhau. Bác Tôn luôn coi Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, còn Bác Hồ trân trọng Bác Tôn như một người đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết, thuỷ chung. Những tấm ảnh còn đó trong khu lưu niệm như minh chứng tình cảm keo sơn giữa 2 vị chủ tịch mà chúng tôi có dịp “mục sở thị” làm lòng người rưng rưng, khoé mắt bỗng cay cay…

Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn đã từng trải qua mọi thử thách - bị Ðế quốc Pháp bắt giam, đày đoạ nơi ngục tù Côn Ðảo với chế độ khổ sai, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của Bác trước sau như một. 15 năm bị đoạ đày địa ngục Côn Ðảo là thử thách lớn trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Tôn Ðức Thắng. Trong những tháng ngày thử thách khốc liệt, Bác luôn tỏ rõ là một con người có nghị lực phi thường và sự trung thành vô hạn với Ðảng, với cách mạng. Vượt qua đòn thù và nhiều âm mưu thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp thâm độc, Bác đã tỏ rõ bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản, vẫn tham gia thành lập và sinh hoạt chi bộ Ðảng, vẫn học tập lý luận Mác - Lênin, làm báo tuyên truyền cách mạng.  

Chủ tịch Tôn Ðức Thắng là một tấm gương cao đẹp về tinh thần hy sinh vì sự nghiệp của Ðảng và dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của Nhân dân. Từ tấm gương yêu nước đó của Bác Tôn đã giáo dục cho thế hệ trẻ tình cảm trong sáng, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính; giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ðây còn là tấm gương mẫu mực về lối sống khiêm tốn, giản dị, chân thành, gần gũi đồng chí, đồng bào, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Di sản quý giá mà Bác Tôn để lại cho Ðảng ta, Nhân dân ta là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người cộng sản, là sự hội tụ khí chất hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam Bộ, là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam. Ðồng thời, là sự hội tụ tinh tuý của tinh thần yêu nước, thương dân, sự cảm thông, hoà đồng với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, dù khó khăn, gian khổ, không dao động, một lòng, một dạ phục vụ Nhân dân.

Tấm gương của Bác đã khiến những người cầm bút chúng tôi có mặt tại khu lưu niệm tâm đắc, nằm lòng và cảnh giác trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường hiện nay. Nếu không vững tay bút, nếu không có lòng trong thì sẽ dễ bị sa ngã. Tấm gương của Bác như đã tiếp thêm nghị lực cho mỗi người cầm bút chúng tôi trước cơn sóng to, bão lớn…

Ngày nay, cù lao Ông Hổ đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hoá, giáo dục truyền thống về nguồn. Trước tôn tượng của Bác trong khu lưu niệm, chúng tôi cùng thắp nén hương để tưởng nhớ về Bác và tận đáy lòng mình, mỗi người làm báo chí thầm nguyện với quyết tâm học tập, noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản trung kiên. Dù bất cứ tình huống nào cũng phải vượt qua như Bác đã từng vượt qua trong cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng, vì giai cấp công nhân vô sản./.

 

Hoàng Liên Phương

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.