Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất trên tất cả các mặt trận. Thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, miền Nam phải cùng với các chiến trường khác tổ chức đánh mạnh hơn nữa, nhằm thu hút và căng kéo địch ra khỏi các cứ điểm phòng ngự để tiêu diệt, nhằm phục vụ cho ý đồ chiến lược của ta là đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ của thực dân Pháp.
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất trên tất cả các mặt trận. Thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, miền Nam phải cùng với các chiến trường khác tổ chức đánh mạnh hơn nữa, nhằm thu hút và căng kéo địch ra khỏi các cứ điểm phòng ngự để tiêu diệt, nhằm phục vụ cho ý đồ chiến lược của ta là đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ của thực dân Pháp.
Cũng như bao nhiêu người con của miền quê huyện Mười Tế bấy giờ (nay là huyện Trần Văn Thời), cô gái tuổi trăng tròn Lê Thị Thảo, ở ấp 6, xã Khánh Bình hăng hái tham gia vào tổ chức nòng cốt thanh niên, rồi công tác phụ nữ tại địa phương, với nhiệm vụ chủ yếu là vừa sản xuất nuôi quân, cứu thương, làm giao liên, vót chông tre, may cờ, may vá quần áo cho bộ đội và du kích địa phương, đồng thời còn may quân trang cho đơn vị Tỉnh đội Cà Mau…
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thay vì cùng với đoàn quân chiến thắng xuống tàu tập kết ra Bắc, bà Lê Thị Thảo xin được ở lại quê hương cùng với đồng bào miền Nam để tiếp tục cuộc chiến đấu mới với kẻ thù hung bạo hơn, đó là đế quốc Mỹ.
Bà Lê Thị Thảo luôn trân trọng giữ gìn 2 chiếc đèn măng-sông - kỷ vật kháng chiến, trong suốt mấy chục năm qua. |
Quê hương bà đồn bót đóng dày đặc khắp nơi, bọn giặc ngày đêm gieo rắc bao nỗi đau thương cho đồng bào, cho quê hương xứ sở. Lúc bấy giờ, ngoài lực lượng địa phương quân của huyện, thì hầu hết các địa phương xã, ấp đều hình thành được đơn vị chiến đấu như: tổ, đội du kích. Ðể cổ vũ cho phong trào cách mạng đang sục sôi, khí thế cách mạng trong quần chúng Nhân dân đang ngày càng lớn mạnh, từ những năm 1962-1963 và nhiều năm sau này, Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau (tiền thân của Ðoàn Cải lương Hương Tràm ngày nay), thường xuyên về phục vụ cho đồng bào vùng địch hậu, vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến của huyện Trần Văn Thời.
Tuy nhiên, để có sân khấu, có ánh sáng phục vụ cho các buổi biểu diễn của đoàn, những địa phương nào khi đoàn đến phục vụ cho đồng bào, đều phải mượn nhờ trong dân các loại vật dụng như: ván ngựa, thùng đựng cá, đèn măng-sông… Mà chính lực lượng thanh niên, phụ nữ cùng với du kích đóng vai trò chủ đạo, kể cả việc làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa, đề phòng máy bay địch hoặc biệt kích. Sau các buổi biểu diễn phục vụ đồng bào, cũng chính lực lượng này có trách nhiệm phân tán toàn bộ mọi thứ, sáng hôm sau chỉ còn lại là bãi đất trống.
Trước tình hình đó, nhằm tránh bị động trong việc mượn dụng cụ trong dân ở những vùng khó khăn, tổ chức đã quyết định xuất từ nguồn quỹ do Nhân dân đóng góp, tìm mua được 4 chiếc đèn măng-sông và giao cho lực lượng nòng cốt thanh niên ấp 6 quản lý, mà trực tiếp là gia đình bà Lê Thị Thảo. Từ đó, cứ mỗi lần Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau về phục vụ đồng bào xã Khánh Bình hay một số vùng phụ cận, là 4 chiếc đèn này cùng với một số chiếc đèn khác của đồng bào, lại có dịp sáng rực cả một vùng…
Sau năm 1968, tình hình cách mạng miền Nam có những bước chuyển biến mới, địch đẩy mạnh càn quét vào vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến của ta bị thu hẹp. Trước tình hình đó, bà Thảo cùng với nhiều đồng chí khác thoát ly về đơn vị hậu cần của Tỉnh đội Cà Mau. Nói về 2 trong số 4 chiếc đèn măng-sông hiện còn lại - kỷ vật thời kháng chiến mà mình còn gìn giữ được tới ngày hôm nay, bà Lê Thị Thảo chia sẻ: “Thời kỳ đó, việc mua thuốc chữa bệnh, sắm dụng cụ sinh hoạt, nhất là những thứ xa xỉ như đèn măng-sông là vô cùng khó khăn, phải nhờ đến “đường dây” ra vùng hợp pháp mua giúp, rồi sau đó mới bí mật gửi vào căn cứ. Vì vậy, khi được tổ chức phân công cất giữ mấy chiếc đèn này, tôi quý lắm, sợ mất mát, hư hỏng đến khi tổ chức cần lại không có…”. Trước khi thoát ly, bà Thảo đã gửi lại 4 chiếc đèn măng-sông cùng một số đồ vật của tổ chức cho người quen ở lại bảo quản. Sau giải phóng, bà về tìm lại nhưng do chiến tranh loạn lạc, nên chỉ còn lại 2 chiếc đèn.
Chiến tranh đã lùi xa, tuổi đời của bà cũng ngày một dày thêm theo thời gian, nhưng bà Thảo vẫn nâng niu, giữ gìn 2 chiếc đèn măng-sông như báu vật thiêng liêng trong suốt thời gian qua, như để minh chứng cho thế hệ đời sau về thời khói lửa, đạn bom mà tuổi thanh xuân của bà và nhiều người nữa đã cống hiến trọn vẹn.
Nghỉ hưu từ năm 1989, hiện nay đã bước sang tuổi 78, 50 năm tuổi Ðảng, bà Lê Thị Thảo mà mọi người vẫn quen gọi là bà Ba Thông (gọi theo tên chồng) ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời vẫn hăng hái tham các hoạt động từ thiện - xã hội. Hiện nay, bà là Thường vụ Hội Người cao tuổi thị trấn Trần Văn Thời; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dưỡng sinh và Ðội Bóng chuyền hơi của người cao tuổi thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời.
Câu lạc bộ Dưỡng sinh do bà làm chủ nhiệm, ban đầu chỉ có vài cụ, sau 5 năm đi vào hoạt động đến nay đã có gần 100 cụ tham gia và vẫn duy trì hoạt động đều đặn hằng đêm. Câu lạc bộ đã tham gia biểu diễn giao lưu và tham gia hội thi ở hầu hết các tỉnh phía Nam trong suốt thời gian qua. Trong nhiều năm liền, Câu lạc bộ Dưỡng sinh thị trấn Trần Văn Thời được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương tới địa phương./.
Bài và ảnh: Trần Trúc Ly