ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 14:40:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người hộ đê

Báo Cà Mau Ở tuổi 59, ông Bùi Văn Ðông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều luôn dành hết tâm sức để giữ đất, giữ rừng, bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân. Ý chí kiên định, lòng quyết tâm mãnh liệt và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, vất vả, sẵn sàng đương đầu với sóng to, gió lớn, giành lại từng tấc đất, cây rừng, bảo vệ cả một vùng rộng lớn phía trong đê biển Tây.

Sau cơn bão Linda lịch sử năm 1997, tuyến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh dài hơn 108 km được hình thành. Tuyến đê này có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là lá chắn bảo vệ đời sống của 26.160 hộ dân sinh sống ven biển, 128.972 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản bên trong (đặc biệt là vùng sinh thái ngọt, trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Hạ), mà còn có vai trò vô cùng quan trọng giữ vững an ninh - quốc phòng.

Tuy nhiên, sau một thời gian hình thành, đến những năm 2009-2010, khu vực này bắt đầu không còn chống chịu nổi với những cơn sóng biển, xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Ðể kịp thời bảo vệ đê trước những cơn sóng dữ, Hạt Quản lý đê điều được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/3/2010. Kể từ đó, cuộc sống của ông Ðông gắn liền với công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục sạt lở toàn tuyến đê bất kể ngày hay đêm, để bảo vệ đê và bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Bùi Văn Ðông luôn có mặt kịp thời tại những điểm nóng về sạt lở trên tuyến đê biển Tây để cùng các lực lượng triển khai giải pháp khắc phục.

Không ngại hiểm nguy

Từng chứng kiến công việc hộ đê khẩn cấp trong đợt sóng lớn kết hợp triều cường ngày 3/8/2019, tôi hiểu được phần nào nỗi vất vả của những người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều như ông Ðông. Sóng biển đánh dồn dập, kết hợp với nước biển dâng cao hơn 2,2 m, đã tràn qua cả mặt đê, cây rừng. Một số phương tiện khai thác nhỏ của bà con đậu ngoài đê bị sóng biển đưa lên mặt đê nằm ngổn ngang. Tuyến đê biển Tây, đoạn Ðá Bạc - Kinh Mới, dài khoảng 356 m, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Quyết tâm không để vỡ đê, vì sự bình yên của người dân bên trong, ông Ðông cùng hơn 200 lực lượng được huy động, gồm quân sự, Hạt Quản lý đê điều, xung kích địa phương... bất chấp hiểm nguy và điều kiện thời tiết, ngâm mình dưới nước trong lúc trời mưa như trút nước, sóng biển liên tục đánh như muốn cuốn trôi mọi thứ, chịu đựng hàng chục giờ đồng hồ để hộ đê.

Nỗ lực, quyết tâm của ông Ðông và những anh em được huy động trong đợt này cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi chiến thắng trước thiên tai. Chính nhờ có những con người không quản ngại khó khăn, cực nhọc, thậm chí hiểm nguy như ông Ðông, tuyến đê biển Tây luôn đứng vững hơn 13 năm qua.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây, là một vệ tinh quan trọng trong công tác quản lý đê. Ông Tuấn nhớ lại: “Trước đây con đê bằng đất, đi lại vô cùng khó khăn, mùa mưa lúc nào cũng sình lầy và cây cỏ um tùm. Tuy nhiên, hễ thời tiết có diễn biến bất thường, mình báo là anh em quản lý đê, đặc biệt là anh Ðông, liền có mặt để xử lý, bất kể ngày hay đêm”.

Từ những năm 2010 đến nay, tuyến đê biển Tây sạt lở ngày một nghiêm trọng. Cũng từ đó đến nay, công việc của những người làm việc nơi đầu sóng ngọn gió như ông Ðông mỗi lúc một nặng nhọc hơn, hiểm nguy hơn. Ông Ðông chia sẻ, trước đây công việc hộ đê cao điểm khi vào mùa gió Tây Nam, tức từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Thế nhưng, vài năm gần đây công việc này diễn ra quanh năm và bất kể ngày đêm, chẳng có tháng nào được nhàn nhã. “Có những thời điểm gần 1 tháng trời không ăn được một bữa cơm nhà”, ông Ðông kể.

Không giống với bất cứ một cán bộ, công chức, lao động nào khác, công việc của những người hộ đê như ông Ðông phải đội nắng, dầm mưa, có khi ngâm mình dưới nước biển cả ngày, bữa cơm luôn trong tư thế vội vàng, qua loa.

Sáng tạo không ngừng

Hiện tại, việc tuần tra trên đê thuận lợi hơn do nhiều đoạn đã được bê tông, có thể di chuyển bằng xe máy, được đầu tư 2 trạm quản lý để anh em có nơi làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi. Thế nhưng, công việc lại nhọc nhằn hơn bội phần khi tình trạng sạt lở diễn biến ngày một phức tạp, khó lường và thời tiết biển trở nên cực đoan hơn.

Một lần nữa, tinh thần quyết tâm, ý chí vững vàng và tư duy sáng tạo được Hạt trưởng Bùi Văn Ðông phát huy cao độ bằng những giải pháp, sáng kiến trong công tác hộ đê, khắc phục sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ và cả việc ngăn mặn chống tràn. Tiêu biểu trong những sáng kiến là giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đê biển, bờ biển bằng kè ngầm tạo bãi, trồng cây chắn sóng. Ðây là giải pháp hoàn toàn mới, có giá thành thấp, kết cấu đơn giản, thi công dễ dàng, thời gian thi công rút ngắn. Giải pháp này đã được áp dụng một cách hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện nay, giải pháp công nghệ này đã được cấp bằng sáng chế cấp quốc gia và được các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đánh giá mang tính hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.

Từ thực tiễn trong những năm 2015-2018, diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi, gây sạt lở bờ biển, đe doạ sự ổn định của tuyến đê biển Tây, ông Ðông đã cho ra đời giải pháp dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE và bao tải đất hộ đê khẩn cấp. Sáng kiến này của ông được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận, áp dụng hiệu quả cao khi lần đầu triển khai vào thực tế hộ đê khẩn cấp đoạn bờ Bắc vàm Kênh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, dài 356 m, vào năm 2019. Khi đó, đoạn đê trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Giải pháp này đầu tư thấp, thời gian thi công rất nhanh, nhưng hiệu quả mang lại cao, ngăn chặn sạt lở tiếp tục khoét sâu vào thân đê, bảo vệ ổn định đê biển, trong điều kiện chờ triển khai những giải pháp công trình khác mang tính ổn định, lâu dài hơn.

Công tác ngăn mặn, chống tràn là bài toán nan giải, đã từng diễn ra tại các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng các cống sau khi thi công đưa vào sử dụng phần lớn đều không đảm bảo kín nước, tình trạng nhiễm mặn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, các ngành đã phải áp dụng biện pháp thả phay phụ đắp đất cửa cống. Tuy nhiên, giải pháp này mất nhiều thời gian, không ổn định cửa van, tốn chi phí và rất bị động cho việc tiêu nước khi cần thiết.

Trước những bất cập trên, với tinh thần lao động không ngừng sáng tạo, ông Ðông đưa ra giải pháp dùng vải mùng làm rôn quấn vào các phay phụ thả xuống khi có yêu cầu ngăn mặn. Giải pháp này đã tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, ông Ðông đã tham mưu đề xuất cải tiến kết cấu cửa van đối với các cống được đầu tư xây dựng mới, đảm bảo kín nước khi có yêu cầu ngăn mặn. Hiện nay, giải pháp này đã mang lại hiệu quả rất tốt và được nhân rộng trong toàn tỉnh.

Trong công tác quản lý, ông Ðông cũng đã có nhiều đề xuất, tham mưu xây dựng quy định về việc phân cấp công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Phối hợp cùng chính quyền địa phương kiến nghị và đề xuất ngành chức năng nhiều giải pháp xử lý, khắc phục sạt lở đê biển và bờ biển, quản lý vi phạm hành lang đê điều... Qua đó, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Bùi Văn Ðông tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022.

Với những đóng góp và tinh thần lao động không biết mệt mỏi ấy, nhiều năm liền ông Ðông được công nhận danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðặc biệt, trong năm 2022, ông vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen khác của tỉnh, của ngành.

Tuyến đê biển Tây vững chãi trước những cơn sóng dồn dập như đã qua là kết quả của sự quyết tâm và hy sinh rất lớn của những người làm công tác hộ đê như ông Ðông. Ðể bảo vệ đê, bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân sống bên trong, ông Ðông đã gạt bỏ những cái riêng tư, sẵn sàng đương đầu với sóng to, gió lớn./.

 

Nguyễn Phú

 

Hành động sớm, giảm thiệt hại

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.

Thích ứng linh hoạt, sống chung biến đổi khí hậu

Chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu (BÐKH), biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đó là quan điểm trong mọi hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng như ở giai đoạn tiếp theo.

Giúp người dân thích ứng trước biến đổi khí hậu

Khánh Tiến là 1 trong 2 xã ven biển của huyện U Minh, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BÐKH) với các loại hình thiên tai: mưa bão, xâm nhập mặn, nước biển dâng... ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo, khó khăn. Nhằm cải thiện đời sống, cũng như giúp hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã thích ứng tốt với BÐKH, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Dự án “Tăng cường sự thích ứng dựa vào cộng đồng với BÐKH vùng ven biển”, giai đoạn 2023-2025 (Dự án).

Hành động sớm để giảm thiểu thiệt hại

Xây dựng phương án cụ thể; có những chỉ đạo sớm, triển khai kịp thời đến cơ sở, đến người dân; công bố thiên tai khi đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp khẩn cấp theo quy định; huy động nguồn lực từ nguồn ngân sách cho đến nguồn tài trợ... là những giải pháp tỉnh đã triển khai thực hiện nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua.

Nối dài “tường thành” giữ đất

Cà Mau là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi tình trạng xói lở bờ biển. Hơn lúc nào hết, tỉnh cần có những dự án lớn và dài hơi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðể làm được điều này, bên cạnh việc huy động nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương thì hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện để hướng đến xây dựng các công trình bền bỉ, chống chịu trước thiên nhiên.

Sông Ðốc cần hỗ trợ thêm nguồn lực phòng, chống thiên tai

Ðể chủ động trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) bố trí phương án huy động lực lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhân lực, phương tiện, vật tư, nhiên liệu... tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” và huy động tối đa nguồn lực trong dân khi có thiên tai xảy ra.

Tiến tới cộng đồng an toàn trước thiên tai

Hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, thời gian qua, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để không chỉ nâng cao nhận thức mà còn nâng cao năng lực ứng phó trong cộng đồng dân cư.

Trắng tay vì sạt lở

Những ngày cuối năm 2024, chị Lê Bị Bỉ, ấp Bỏ Hủ, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, rơi vào cảnh trắng tay khi miếng vuông gần 50 công giáp cửa biển Bắc Bồ Ðề đã bị sóng biển đánh trôi, xoá sổ hoàn toàn. Sạt lở, nước biển đã ập vào ngập tận chân nền nhà - tài sản duy nhất còn lại của gia đình. Dù ra sức bao ví, giữ gìn nhưng trước sự cuồng nộ của sóng gió, chị Bỉ cũng không biết có thể cầm cự được bao lâu nữa.

Sẵn sàng cho mùa khô hạn

Mùa khô năm 2024-2025 được dự báo không nghiêm trọng, song tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn trung bình và diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc chủ động xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, sát thực tế là rất cần thiết, để nhiệm vụ phòng, chống đạt hiệu quả.

Chủ động trước mùa khô hạn

Sụt lún đường, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, xâm nhập mặn... là những nỗi lo thường trực mỗi khi bước vào mùa khô.