ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 00:08:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người Khmer tái định cư: Niềm vui chưa trọn vẹn

Báo Cà Mau Người Khmer Cà Mau vẫn còn một bộ phận khó khăn, nhất là đối tượng không đất sản xuất, không việc làm ổn định. Chính sách cấp đất ở tập trung tại các khu tái định cư cho đồng bào đã giải quyết vấn đề cấp thiết nhất đó là nơi ở. Ông bà xưa có câu: “An cư lạc nghiệp”, tuy nhiên, người Khmer vẫn chỉ được vui một nửa.

Người Khmer Cà Mau vẫn còn một bộ phận khó khăn, nhất là đối tượng không đất sản xuất, không việc làm ổn định. Chính sách cấp đất ở tập trung tại các khu tái định cư cho đồng bào đã giải quyết vấn đề cấp thiết nhất đó là nơi ở. Ông bà xưa có câu: “An cư lạc nghiệp”, tuy nhiên, người Khmer vẫn chỉ được vui một nửa, còn câu chuyện mưu sinh, khao khát vươn lên trong cuộc sống vẫn còn nhiều trăn trở, băn khoăn.

Trở lại khu tái định cư Ấp 7, xã Tân Lộc, ngoài những tín hiệu tích cực, còn những mong mỏi chính đáng của đồng bào Khmer. Ðây có thể là điểm mấu chốt để việc thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả, hợp lòng dân, từ đó triển khai rộng khắp các vùng đông đồng bào dân tộc.

Ngoài khả năng của xã

Theo quy hoạch, khu tái định cư Ấp 7 có 86 hộ, bình quân mỗi hộ được cấp 100 m2 đất nền. Tiền hỗ trợ cất nhà là 40 triệu đồng, nhà nào có điều kiện thì góp vào cất nhà khang trang hơn. Ông Hữu Xà Rinh, Bí thư Chi bộ Ấp 7, cho biết: “Có khoảng 70 hộ vô ở rồi. Dân về đây chủ yếu là dân Ấp 7, ngoài ra còn một số nơi khác về từ các xã: Hồ Thị Kỷ, Tân Phú, Tân Lộc Bắc”. Theo ông Rinh, người Khmer ở Tân Lộc tập trung sinh sống lâu đời tại khu vực quanh chùa Cao Dân, thuộc địa bàn Ấp 7. “Giờ thì cuộc sống có đỡ hơn, nhưng những nhà không đất sản xuất, không có chỗ ở thì khó khăn lắm”, ông Rinh cho biết.

Chị Trang rất phấn khởi vì đã có được một tiệm tạp hoá nho nhỏ, cuộc sống bớt phần khó khăn.

Ðánh giá về hiệu quả của khu tái định cư, ông Lê Thành Tây, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Lộc, cho rằng: “Hiện tại đời sống người dân đã dần ổn định. Ðất tái định cư là xã mua lại của dân, nhà cửa được cất cơ bản. Xã cũng đã rất nỗ lực trong việc giải quyết công ăn, việc làm cho bà con”.

Tân Lộc chủ động liên hệ với các công ty, xí nghiệp thuỷ sản ở TP Cà Mau hợp đồng thuê lao động người Khmer làm việc và có xe đưa rước tận nơi. Tuy nhiên, thực tế tại khu tái định cư Ấp 7 lại cho thấy vấn đề công ăn, việc làm và hướng phát triển bền vững của người Khmer vẫn còn nhiều nỗi lo.

Ông Rinh thông tin: “Người trong tuổi lao động đi làm hết, ở Cà Mau, Sài Gòn, Bình Dương. Mấy nhà đi xa đóng cửa lại, lâu lâu về một lần”. Theo đánh giá ban đầu, số nhà tái định cư đóng cửa không ít. Như vậy, mục tiêu tái định cư ban đầu về cơ bản chưa đạt, bởi bà con có nhà mà không ở.

Ông Rinh chia sẻ: “Ở đây kiếm việc khó, thu nhập cũng đâu có đều”. Anh Nguyễn Chí Nguyện, công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Tân Lộc, cũng cùng suy nghĩ trên: “Bà con vô ở từ trước Tết Nguyên đán vừa rồi, chuyện ở thì đã lo xong, nhưng làm ăn, công việc thế nào thì xã dù có cố gắng mấy cũng không lo hết”.

Hiện tượng lập khu tái định cư, sau đó người dân đóng cửa đi nơi khác làm ăn không chỉ là vấn đề riêng của đồng bào Khmer Ấp 7. Cũng không thể trách người dân khi khu tái định cư chỉ giải quyết được chỗ ở, còn làm ăn ra sao, phát triển thế nào thì chưa rõ ràng. Như lời của ông Tây, hợp đồng với các công ty, xí nghiệp thì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thu nhập cũng khó lòng ổn định. Hoàn toàn có thể khẳng định, lao động công nhật như thế chỉ là giải pháp tình thế. Xã đã cố gắng hết khả năng có thể, còn về lâu về dài thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành hữu quan.

Khao khát của người Khmer

Ở khu tái định cư đồng bào Khmer Ấp 7 ai cũng có hoàn cảnh thắt ngặt. Chị Hữu Thị Kiểm bộc bạch: “Nghèo quá, không đất đai mới vô đây. Có nhà mới mừng lắm, không còn cảnh ở nhờ, ở đậu nữa”. Nhìn quanh quẩn cả xóm tái định cư, chỉ thấy con nít, phụ nữ và người già, chị Kiểm nói: “Ði làm hết rồi, ở đây làm ngày nào ăn ngày ấy, không làm thì đói”.

Chị Kiểm cũng phải qua lại quét dọn nhà cửa cho mấy nhà đóng cửa đi làm xa. Ða phần cư dân của ấp tái định cư là làm thuê, làm mướn. Thu nhập bình quân của người làm giỏi ở xí nghiệp thuỷ sản cũng độ trên dưới 100.000 đồng/ngày. Cả xóm có hơn 50 người trông chờ vào nguồn thu nhập này. Chị Kiểm bộc bạch: “Bữa nào mà không có nguyên liệu, cả xóm nhìn nhau ngán ngẩm”.

Chị Quách Cẩm Ly gắn bó với nghề lột tôm mấy năm qua. Chị cho biết: “Bữa nay bị mệt nên tôi không đi làm. Mà làm cũng phụ thuộc vào công ty, đâu có đều. Hồi trước không đất đai, nhà cửa dột nát, giờ có cái nhà mừng lắm”. Hết nhìn cái nhà, chị lại rầu rầu: “Giờ gia đình tôi làm mướn mà sống chớ đâu có cách nào khác, phải chi có đồng vốn, mô hình hay tổ hợp tác gì đó mình làm thì ổn định hơn”.

Chưa hết niềm vui có nơi ở mới, đồng bào Khmer tái định cư đối diện với vấn đề bức thiết đó là công ăn, việc làm và hướng phát triển lâu dài. Riêng chuyện này thì xã Tân Lộc đã giải quyết theo hướng tình thế, còn tiếp theo thế nào thì chưa biết.

Gia đình chị Kim Thuỳ Trang có được một tiệm tạp hoá nho nhỏ, thu nhập cầm chừng. Chị phấn khởi: “Trước đây chồng làm hồ, tôi đi lột tôm, ở nhờ đất của người ta. Giờ có cái nhà, mượn vốn bán tạp hoá cũng có đồng ra, đồng vô”. Cuộc sống có đỡ hơn phần nào, nhưng chị Trang băn khoăn: “Ở đây bà con làm mướn, làm thuê không à, mà phải đi xa mới có việc. Nhiều nhà người ta đóng cửa lâu lâu mới về. Chị em muốn buôn bán, chăn nuôi mà chưa có vốn”.

Còn ông Lâm Văn Huôl thì ao ước: “Con tôi đi làm xa hết rồi, tôi và vợ cất cái chuồng gà mà chưa có tiền mua giống. Thấy ở đây bà con cũng tính này, tính nọ mà chưa có vốn làm”.

Khu tái định cư Ấp 7 triển khai với mục tiêu giúp đỡ người Khmer khó khăn, phù hợp với tập quán sinh sống quần cư cộng đồng và được sự đồng thuận cao của người dân. Ðây cũng là nơi sẽ trở thành hình mẫu để thực hiện chính sách dân tộc tại Thới Bình nói riêng, của Cà Mau nói chung. Cần phải lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có điều chỉnh hợp lý để chính sách dân tộc thực sự phát huy hiệu quả. Người Khmer cần nơi ở ổn định, nhưng cũng cần định hướng phát triển lâu dài với sự trợ sức của các cấp, các ngành. Ðừng để những căn nhà tái định cư đóng cửa ngày một nhiều lên…

Bài và ảnh: Phạm Nguyên

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).