Sau 3 năm kể từ khi được công nhận loại trừ bệnh phong (2012), sự hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân phong ngày càng kịp thời hơn, đời sống của bệnh nhân phong cũng dần đi vào ổn định.
Sau 3 năm kể từ khi được công nhận loại trừ bệnh phong (2012), sự hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân phong ngày càng kịp thời hơn, đời sống của bệnh nhân phong cũng dần đi vào ổn định.
Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Trưởng Khoa Da liễu Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội (PCCBXH), cho biết: “Chiến lược phòng, chống bệnh phong cần phải phù hợp với tình hình dịch tễ mới. Chương trình kiểm soát bệnh phong Cà Mau mạnh dạn chuyển dần nguồn lực có được từ phòng, chống phong sang các dịch vụ phòng ngừa tàn tật và phục hồi do phong, nhằm từng bước giúp người khuyết tật do phong tham gia hoà nhập cộng đồng bền vững và sau đó chuyển sang giai đoạn tự thân vận động trong cuộc sống”.
Bệnh nhân phong Cà Mau được quan tâm tốt hơn trong chăm sóc y tế và phát triển cuộc sống gia đình. |
Thời gian qua, hoạt động phòng, chống phong Cà Mau được sự tài trợ của Hiệp hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan triển khai dự án “Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong” (giai đoạn từ tháng 3/2013-3/2017) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ chăm sóc người khuyết tật do phong lồng ghép vào dịch vụ phục hồi khuyết tật chung sẵn có tại Cà Mau. Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các thành viên dự án bắt đầu xây dựng mô hình nhóm tự lực tại các xã: Trí Phải (Thới Bình), Nguyễn Phích (U Minh) và Tắc Vân (TP Cà Mau). Thông qua các nhóm tự lực, người khuyết tật được hướng dẫn chăm sóc tàn tật, chăm sóc y tế, được tập huấn kỹ thuật, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện sức khoẻ của mình.
Dự án có nhiều hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ cho người khuyết tật do bệnh phong tái hoà nhập cộng đồng, với nhiều hình thức hỗ trợ như: điều trị phục hồi chức năng, hỗ trợ xây cây nước sinh hoạt, cấp phát học bổng cho con em bệnh nhân phong, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế... Và đặc biệt là hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để họ có điều kiện làm kinh tế ổn định cuộc sống. Thông qua việc tập huấn cho người khuyết tật biết cách “lập kế hoạch nhu cầu phát triển trong cộng đồng”; tập huấn “nâng cao năng lực bản thân, tự tin hoà nhập cộng đồng”.
Bác sĩ Ngô Thanh Tân cho biết: “Chúng tôi tổ chức mời một số đại biểu người khuyết tật đi tham quan mô hình người khuyết tật sản xuất nhỏ trong cộng đồng tại Ðắk Lắk, mời chuyên gia vật lý trị liệu tập huấn cho người khuyết tật biết cách chăm sóc, tự tập hoặc người thân tập phục hồi chức năng tại nhà… Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và sự nhiệt tình của các thành viên các nhóm tự lực nên công việc cũng thuận lợi”.
Chương trình bệnh phong đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, triển khai giải ngân nguồn vốn hàng trăm triệu đồng cho người khuyết tật do phong và không do phong tại các xã thí điểm như: Trí Phải (Thới Bình), Tắc Vân (TP Cà Mau), Nguyễn Phích (U Minh), Khánh Hải và Trần Hợi (Trần Văn Thời) với hàng chục hộ tham gia.
Qua đánh giá sơ bộ, những hộ này đều phát triển được kinh tế ổn định. Ông Võ Văn Việt, người khuyết tật do phong được hỗ trợ thông qua chương trình, phấn khởi: “Gia đình tôi nghèo, nhờ có sự hỗ trợ nhà ở nên được an cư. Ðồng thời con cái cũng được chương trình bệnh phong cấp học bổng để được đến trường, đây là một niềm vui lớn. Nhờ có sự quan tâm nhiệt tình trên, tôi không còn cảm thấy mặc cảm với bệnh tật mà tích cực tham gia vào lao động để cải thiện cuộc sống, hoà nhập cộng đồng”. Anh Phạm Tẻn Anh, ấp 5, Nguyễn Phích, huyện U Minh, cùng tâm trạng: “Dự án đã hỗ trợ cho tôi học nghề, qua đó, tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Nhờ có sự hỗ trợ này tôi có được niềm tin vào cuộc sống, không còn mặc cảm với mọi người về bệnh tật của mình”.
Bên cạnh triển khai vốn vay cho hộ người khuyết tật do phong và người khuyết tật khác, dự án cũng hỗ trợ thực hiện thường xuyên các hoạt động khác như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, học bổng cho con họ, hỗ trợ xe lăn, làm chân, tay giả cho người khuyết tật do phong.
Bác sĩ Ngô Thanh Tân cho biết: “Sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ vốn tại các địa bàn thí điểm và nhân rộng hơn nữa ở những địa phương khác trong thời gian tới. Với sự quan tâm, động viên của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội, người khuyết tật do bệnh phong tại Cà Mau từng bước tái hoà nhập cộng đồng, tăng gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ðây mới là mục tiêu, cũng như thước đo đánh giá sự thành công của chương trình bệnh phong mà chúng ta đang thực hiện”./.
Bài và ảnh: Ð.D