(CMO) Đại úy Trần Bình Phục sinh năm 1976, tham gia quân ngũ năm 1995, hiện là Phó đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng 700 - Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau.
Toàn cảnh ngôi trường trên đảo Hòn Chuối do các nhà hảo tâm tài trợ xây dựng mà đại úy Trần Bình Phục gắn bó gần 10 năm qua.
Ngoài làm tròn nhiệm vụ của một quân nhân canh giữ biển - đảo tiền tiêu phía Tây - Nam của Tổ quốc, anh còn tự nguyện tham gia dạy lớp học tình thương từ năm 2010 đến nay cho 44 lượt con em ngư dân trên đảo. Thời gian qua, lớp học có 23 em chuyển vào đất liền tiếp tục học cao hơn, trong đó có 4 em học đại học, 4 em học cấp 3, còn lại đang học năm cuối cấp 2.
Hiện tại lớp học trên đảo Hòn Chuối (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) còn 21 học sinh, được phân chia thành 6 lớp (từ lớp 1 đến lớp 6). Công tác “xóa mù” cho trẻ em trên đào của đại úy Trần Bình Phục được bà con ngư dân cảm phục, yêu mến. Anh là nhân tố tích cực để gắn kết tình quân - dân trên đảo, được các cấp chỉ huy cùng đồng đội đánh giá là một tấm gương điển hình “Học tập và làm tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần củng cố xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đại úy Trần Bình Phục vừa được vinh dự là điển hình duy nhất của lực lượng vũ trang phía Nam (từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau) dự hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014 - 2019 do Bộ Quốc phòng tổ chức từ ngày 14-15/8/2019 tại Thủ đô Hà Nội.
UNESCO vinh danh Đại úy Trần Bình Phục và Đồn Biên phòng Hòn Chuối là “địa chỉ nhân văn”.
Lớp học hiện có 21 em, nhưng có 3 tấm bảng và 6 chương trình giảng dạy (từ lớp 1 đến lớp 6).
Giờ kiểm tra bài.
Lớp hjc có 5 bộ máy vi tính. Hằng tuần các em luân phiên được thầy Phục hướng dẫn tin học căn bản.
Thể dục giữa giờ.
Lớp học có nhiều em nhỏ. Mỗi ngày sau giờ học, Đại úy Trần Bình Phục cõng học sinh nhỏ nhất lớp vượt 361 bậc thang từ Đồn xuống khu dân cư để trả em về với gia đình.
Nguyễn Thanh Dũng