Bà Nguyễn Thị Hồng (Nguyễn Thị Mỳ) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Cha bà là lớp cán bộ tiền bối thời kỳ chống Pháp. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, bà được bố trí ở lại miền Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng (Nguyễn Thị Mỳ) sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Cha bà là lớp cán bộ tiền bối thời kỳ chống Pháp. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, bà được bố trí ở lại miền Nam.
Khi Luật 10/59 lê máy chém khắp nơi, bà đang phụ trách nhiệm vụ của một thường vụ xã đoàn. Giặc bủa vây, bố ráp, ban ngày bà sống dưới hầm bí mật, ban đêm mới đi hoạt động, suốt ba năm không thấy mặt trời. Thời kỳ đẹp nhất của người con gái, bà không biết đến gương, lược, không mộng mơ hạnh phúc riêng tư, chỉ quyết tâm làm tròn trách nhiệm, góp phần cho cuộc kháng chiến sớm thành công.
Cô Lê Thị Hồng trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. |
Biết bao lần bị địch bắt nhưng lần sa vào tay giặc ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước vào tháng 11/1958 bà nhớ nhất. Năm đó trời lạnh như cắt, giặc đi càn ở rạch Biện Tràng, sau nhiều giờ quần nát khu vực gần nơi họp, chúng phát hiện chiếc xuồng, vũ khí và tài liệu rồi bắt bà. Cả toán lính điên cuồng trút lên bà trận đòn chí mạng, sau đó chúng giải bà về Chi khu Cái Nước và bắt đầu cuộc tra tấn dài ngày.
Thân thể bầm dập, cái chết cận kề bởi bà nằm trong danh sách bị hành quyết. Nhờ cơ sở của ta nằm trong hàng ngũ địch đã “tương kế tựu kế” giải cứu cho bà. Sau khi thoát thân, bọn chúng phát hiện 6 người làm nội tuyến, chúng thâm hiểm ly gián nội bộ, dùng ba người chặt đầu đồng đội. Sự hy sinh của ba đồng đội ấy là nỗi đau lớn trong lòng bà.
Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, bà có mặt trong lực lượng đánh vào thị xã. Giặc phản công, quân ta phải rút về, rủi thay bà bị kẹt lại. Thời điểm đó giặc điên cuồng truy sát những người cán bộ chưa rút kịp nên gia đình chí cốt cũng rất ngại chứa chấp người của cách mạng. Cuối cùng bà được một gia đình ở chợ phường 2, gần bến đò Rạch Rập cho ở, chờ thời cơ để về căn cứ.
Ban ngày bà phải trầm mình dưới sàn nhà, nước ngập tới cổ, 9-10 giờ tối mới được lên, bốn giờ sáng phải trở xuống nước ẩn mình. Sáu ngày liền phải chịu cảnh đói, lạnh bà gần như kiệt sức. Nhưng lúc thoát thân, bà lại bị địch bắt, bị tống vô nhà giam lần nữa. Cuối cùng không khai thác được gì, chúng thả bà về.
Ðến năm 1970, bà bị bắt tại rạch Bù Mắc. Bốn tháng tù nằm ở Khám Lớn Cà Mau, những cực hình tàn bạo trút lên người con gái yếu đuối làm bà bị liệt nửa người không tự lực được sinh hoạt cá nhân. Nhờ bạn tù chăm sóc nên còn giữ được tính mạng của mình nhưng teo tóp chỉ con hơn 30 kg.
Hai mươi năm hoạt động bí mật, bà đã trải qua qua 10 cái hầm bí mật ở trong vùng giải phóng và cả ngoài thành. Những nơi bà ở thường là nhà của người có dính líu đến nguỵ quân, nguỵ quyền để tránh sự dòm ngó của bọn mật thám hoặc ở nhà người bị bệnh truyền nhiễm (phong, lao) để bọn giặc tránh xa. Ở đâu bà cũng được bà con đùm bọc, chở che. Bà nhớ rõ từng căn nhà, tên người và những lần họ dũng cảm cứu bà thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù nên ơn nghĩa lớn lao này lúc nào bà cũng mang nặng trong lòng.
Sau ngày giải phóng, bà được cử đi học tại Liên Xô và bảo vệ luận án tốt nghiệp sau đại học đạt loại giỏi. Trở về nước, bà được phân công giảng dạy tại Trường Tuyên huấn Trung ương (Thủ Ðức). Tại đây, bà có 21 năm là Trưởng khoa Xây dựng Ðảng cho đến ngày nghỉ hưu.
Không chỉ làm công tác giảng dạy ở Trường Tuyên huấn Trung ương, trong kháng chiến chống Mỹ, bà từng phụ trách Thường trực Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ và 10 năm làm công tác huấn học ở Cà Mau.
Năm nay đã 78 tuổi đời, gần 60 tuổi Ðảng nhưng bà còn rất minh mẫn. Suốt đời tận tuỵ cống hiến, trung thành tuyệt đối với Ðảng và Nhân dân, bà được Ðảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương. Nhưng có lẽ tấm huy chương mà bà trân trọng nhất đó là niềm tin yêu của những gia đình chí cốt đối với mình, và bà cũng thường xuyên làm công việc nghĩa tình để đền ơn đáp nghĩa./.
Bài và ảnh: Lê Ngọc Diễm