Để chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng (TCM) trong trường học, ngoài việc triển khai phun thuốc sát trùng ở tất cả các điểm trường của ngành y tế, ban giám hiệu các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Cái Nước còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thế nhưng, thời gian gần đây bệnh TCM diễn biến phức tạp.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng (TCM) trong trường học, ngoài việc triển khai phun thuốc sát trùng ở tất cả các điểm trường của ngành y tế, ban giám hiệu các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Cái Nước còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thế nhưng, thời gian gần đây bệnh TCM diễn biến phức tạp.
Ðiển hình như điểm Trường Mẫu giáo 5 tuổi ấp Cái Chim, xã Trần Thới có 14 cháu, vừa qua cùng lúc có 4 cháu mắc bệnh TCM. Ngành y tế buộc phải đóng cửa trường để xử lý ổ dịch. Cô giáo Hà Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, xã Trần Thới, cho biết, điểm Trường Mẫu giáo 5 tuổi ấp Cái Chim là điểm lẻ thuộc Trường Mầm non Hoa Mai, xã Trần Thới. Trước đó, vào thứ Bảy và Chủ nhật các cháu được nghỉ ở nhà, đến sáng thứ Hai, có 4 phụ huynh điện báo với cô giáo chủ nhiệm xin cho con nghỉ học vì các cháu có dấu hiệu mắc bệnh TCM. Sau đó, nhà trường báo với Trạm Y tế xã Trần Thới về tình hình dịch bệnh tại điểm trường này, được trạm tiến hành xử lý hoá chất và làm vệ sinh phòng học. Ðồng thời, nhà trường xin phép cấp trên cho các cháu điểm trường này nghỉ học 1 tuần để hạn chế bệnh lây lan.
![]() |
Giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Mai, xã Trần Thới thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm bệnh tay - chân - miệng. |
Trường Mẫu giáo Hoạ My, xã Hưng Mỹ có trên 350 trẻ, trong đó tại điểm chính có hơn 160 trẻ, được học theo hình thức bán trú. Trước đó cũng phát hiện trẻ mắc bệnh TCM. Nhờ giáo viên phát hiện sớm, cho cháu nghỉ học để điều trị nên không xảy ra tình trạng bệnh lây mhiễm như điểm Trường Mẫu giáo 5 tuổi ấp Cái Chim.
Bác sĩ Ðỗ Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết: “Bệnh TCM là do vi-rút gây ra, có sức lây lan rất cao, nhất là đối với các điểm trường mẫu giáo bởi các cháu sử dụng đồ chơi chung. Khi trẻ mắc bệnh phải cho nghỉ học cách ly để điều trị, tránh lây lan cho các bạn học cùng lớp”.
Theo nhận định của ngành y tế, hiện nay mầm bệnh TCM đang lưu hành trong cộng đồng, trẻ có thể bị lây nhiễm bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Thế nhưng, một bộ phận phụ huynh chưa có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh và chăm sóc trẻ, từ đó bệnh TCM trên địa bàn huyện Cái Nước ngày càng diễn biến phức tạp. Ðến thời điểm này, toàn huyện phát hiện trên 200 trường hợp mắc bệnh TCM và 4 ổ dịch nhỏ, trong đó có nhiều trẻ đang trong độ tuổi đến trường. Ðiều này cho thấy nguy cơ xảy ra dịch bệnh TCM trong trường học là vấn đề đáng lo ngại nếu không có biện pháp phòng, chống tích cực./.
Bài và ảnh: Huỳnh Việt