(CMO) “Má làm ruộng, làm giao liên, nhà thì nuôi chứa cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong xuyên suốt. Nhà má có 20 công ruộng, mỗi năm làm được trăm ngoài giạ lúa, chủ yếu là để ăn và nuôi các lực lượng. Gạo của má, cá ngoài đồng của má, những năm 1968-1970, mỗi lần chúng tôi đi huấn luyện hay đi tải hàng về, có khoảng 15-20 người ăn ở nhà của má. Sau này giặc đóng đồn nhiều mới chuyển đi...”, ông Phan Văn Hùm, nguyên Đại đội phó Đại đội Thanh niên xung phong Quyết Thắng III, giới thiệu về Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Điểu, khi chúng tôi trên đường đến thăm mẹ.
Nhà mẹ ở ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Lúc chúng tôi đến, mẹ mới đi điều trị bệnh về ít hôm. Người cháu dâu là Võ Mỹ Nữ cho biết, đợt này sức khoẻ mẹ giảm hẳn, lại hay quên.
Thấy khách đến bất ngờ, mẹ trách không cho hay trước đặng chuẩn bị tiếp đón, rồi bảo cháu dâu “lo cơm nước”.
Mẹ năm nay đã 92 tuổi, hỏi chuyện xưa, mẹ bảo không còn nhớ nhiều. Nhưng qua những khơi gợi, chúng tôi cũng “thu nhặt” được phần nào ký ức: “Hồi đó má nuôi chứa cán bộ hết gánh này tới gánh khác. Cán bộ huyện, cán bộ tỉnh, cán bộ miền, khu gì cũng có”; “Má nấu cơm nồi bự bự không”; “Má làm ruộng, đào bờ ví lại nuôi cá bổi. Làm dữ lắm, cực dữ lắm…”; “Má làm giao liên chuyển thư từ, tin tức, đưa bộ đội qua sông. Những năm ác liệt, giặc đóng đồn 2 đầu, má ở khúc giữa, đêm đưa 1 lần, có khi 2 lần”; “Lúc đó cũng có nhiều tên chỉ điểm lắm, mình cũng gian nan với tụi nó”; “Hồi đó sao không biết sợ chết là gì. Nhờ vậy mà mới làm được nhiều việc giúp đỡ cách mạng”; “Nhà má có 6-7 hầm bí mật ở ngoài vườn. Bà con xúm lại vót chông, cắm xung quanh mười mấy cái hầm chông để bảo vệ hầm bí mật. Máy bay đổ dù mấy chục chiếc mà không phát hiện được”; “Hồi đó phong trào phụ nữ mạnh lắm, khí thế lắm, giúp đỡ cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong… hết lòng. Đâu ai tính toán, mong được hưởng quyền lợi gì, chỉ cầu mong nước nhà mau thống nhất”...
Đoàn Thanh niên và Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Trần Văn Thời thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Điểu (thứ 4 từ trái sang) trong chuyến về nguồn đầu năm 2021. |
Hỏi về cuộc đời riêng, mẹ bùi ngùi: “Chồng má đi tập kết rồi hy sinh ngoài Bắc luôn. Chỉ có cái giấy báo về, chớ có biết mồ mả gì đâu”; “Khi chồng đi, thằng Trần Văn Tùng con má mới 3 tuổi”; “Má chỉ có thằng Tùng. Năm 16 tuổi má giao nó cho Đảng. Năm 21 tuổi, nó hy sinh…”; “Trước khi đi, nó có hứa hôn. Phải chi nó cưới thì má còn có cháu, đằng này nó không chịu, ham đi làm cách mạng hơn”...
Tuy chỉ là những mảnh vụn ký ức, không theo trình tự thời gian, nhưng qua đó, vẫn thấy được công lao, tấm lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng của mẹ. Chiến tranh đi qua, cuộc sống trở lại thanh bình, nhưng cái giá phải trả là bao xương máu. Mẹ mất chồng, mất con trai duy nhất; người thân, dòng họ cũng nhiều người đã hy sinh vì đất nước. Dù những mất mát xảy ra đã lâu, mẹ cũng đã hết nước mắt khóc chồng, khóc con, nhưng khi nhắc lại vẫn thấy những khoảng lặng, nỗi khắc khoải nhớ thương trong lòng của mẹ.
Ông Phan Văn Hùm kể: “Má thân tình, gần gũi, yêu thương, đối xử với chúng tôi như con cháu trong nhà. Hồi đó, mỗi khi chúng tôi chuẩn bị đi công tác, đi chuyển hàng, má và bà con ở đây thường tổ chức những bữa ăn ngon. Mọi người cùng góp gà vịt, rau trái… rồi xúm lại nấu nướng; còn gói bánh tét, bánh dừa bỏ theo cho chúng tôi ăn dọc đường. Tụi tôi đi công tác về, má biết mệt, biểu tắm rửa nghỉ ngơi, “má bắc nồi cơm chút xíu là có ăn”. Rồi má kêu, đứa nào ra lấy tay lưới má máng ở đầu hè đi giăng cá. Tụi tôi đi giăng một chút là cỡ 7-8 kg cá bổi; đem về muốn nấu canh chua, kho lạc, chiên gì thì có chị em phụ nữ phụ tiếp. Mà lo cho chúng tôi không phải 1 lần, gần như xuyên suốt như vậy. Chúng tôi chịu ơn má và bà con xứ này nhiều lắm”.
Câu chuyện đang rôm rả thì chị Mỹ Nữ dọn lên nồi cháo gà thơm phức. Phụ chị còn thêm người chị em bạn dâu khác. Hướng mắt về người cháu dâu của mẹ, giọng ông Hùm đầy cảm kích: “Má lo hồi kháng chiến, giờ có vợ chồng đứa cháu này. Chúng tôi về đây hàng chục lần, vợ chồng cháu đều rất vui vẻ, đón tiếp thân tình. Những lần họp mặt đông thì huy động thêm mấy chị em bạn dâu phụ tiếp”.
Được biết, vì người con duy nhất hy sinh nên cách nay hơn 20 năm, gia đình sắp xếp cho người cháu trai (kêu mẹ bằng bà dì) là anh Phạm Minh Tạo ở cùng để sớm hôm lo cho mẹ. Sau đó mẹ đứng ra cưới vợ cho anh, các thành viên gắn bó yêu thương trong không khí ấm áp gia đình. Lúc chúng tôi đến, do không báo trước nên anh Tạo vắng nhà. Vợ anh là chị Mỹ Nữ cho biết, nhà có 20 công ruộng, lên liếp trồng rẫy mấy công. Nhờ cần cù, chí thú làm ăn, nên không chỉ trang trải được chi tiêu, anh chị còn tích góp xây được căn nhà khá khang trang và lo chu toàn cho mẹ.
“Nhà mẹ là địa điểm Đoàn thanh niên hay tổ chức về nguồn vào những dịp lễ, Tết. Chúng tôi tới, mẹ vui lắm, anh chị Tạo cũng rất vui vẻ, sẵn lòng phối hợp, hỗ trợ chúng tôi”, anh Nguyễn Chí Tâm, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Trần Văn Thời, nguyên Bí thư Huyện đoàn Trần Văn Thời, chia sẻ.
Nhà mẹ ngày xưa là căn cứ nuôi chứa, giúp đỡ cách mạng, nay là điểm về nguồn. Mẹ không chỉ cống hiến công sức, tài sản, hy sinh tình cảm riêng tư để chồng, con đi làm cách mạng, góp phần đánh đuổi giặc thù giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, mà còn giáo dục con cháu luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Từ những suy nghĩ, hành động đời thường, các mẹ đã làm nên hình tượng đẹp, vĩ đại trong lòng dân tộc./.
Huyền Anh