(CMO) Chiều 11/12 Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tình hình hoạt động của Nhà Thiếu nhi huyện U Minh. Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.
Năm 2010, UBND huyện U Minh cấp chứng chỉ quy hoạch Nhà Thiếu nhi với tổng diện tích hơn 4,5 ngàn mét vuông tại khóm 3, thị trấn U Minh và được tỉnh đầu tư xây dựng Nhà Thiếu nhi với diện tích 3,543 ngàn mét vuông do Tỉnh đoàn làm chủ đầu tư. Với quy mô xây dụng 4 phòng làm việc, 3 phòng chức năng, 1 hội trường và đưa vào hoạt động từ ngày 12/5/2015. Cơ sở vật chất thiết bị đầu tư ban đầu và hiện có 40 bộ bàn, 300 ghế súp hội trường, 10 bộ bàn ghế, 4 tủ hồ sơ tại các phòng làm việc, 24 bộ máy vi tính, 1 laptop, 1 máy in và 48 ghế tại phòng chức năng. Hiện nay, Nhà Thiếu nhi huyện U Minh có 3 cán bộ huyện Đoàn kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách. Kinh phí hoạt động hàng năm chỉ có 60 triệu đồng.
Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh (thứ 2 từ trái sang) khảo sát các hạng mục xuống cấp Nhà Thiếu nhi huyện U Minh
Từ khi đưa vào sử dụng, Ban giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện U Minh đã ra quyết định thành lập các câu lạc bộ (CLB) trống, kèn; CLB văn nghệ...Đồng thời phối hợp với các cấp ngành tổ chức các lớp năng khiếu, các cuộc thi. Qua đó đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi, đồng thời phát hiện những tài năng để bồi dưỡng. Tuy nhiên, đến nay một số hạng mục đầu tư như sân, cổng, hàng rào, hội trường và các phòng chức năng đã xuống cấp. Từ đó việc tổ chức các lớp năng thiếu và các hoạt động phong trào của Nhà Thiếu nhi chưa được duy trì thường xuyên, đặc biệt là các lớp năng khiếu.
Ông Phạm Văn Hiền, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện U Minh cho hay: “Nhà Thiếu nhi huyện được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng nhưng những năm qua công năng hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Hiện nay diện tích sân của khu vui chơi hẹp, chưa lót đủ nền, trang thiết bị phục vụ cho việc học năng khiếu tại các phòng chưa có. Đặc biệt, từ năm 2018 hội trường Nhà Thiếu nhi xuống cấp nghiêm trọng và không hoạt động được nữa.
Đề duy trì và đảm bảo chất lượng các hoạt động của Nhà Thiếu nhi, ông Phạm Văn Hiền kiến nghị “Đầu tư sửa chữa gấp các hạng mục như hội trường, sân, các trang thiết bị máy tính. Đồng thời phân bổ biên chế sự nghiệp viên chức một người phụ trách chuyên trách và hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động hằng năm để Nhà Thiếu nhi có thêm điều kiện tổ chức các hoạt động”.
Tại buổi khảo sát, bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đánh giá: “Không khí hoạt động Nhà Thiếu nhi quá trầm lắng. Bên cạnh đó, công tác bảo quản chưa tốt, làm hư hỏng tài sản nhiều. Ban giám đốc Nhà Thiếu nhi cần có đề xuất giải pháp cụ thể hơn về cơ chế chính sách, từ đó Ban Văn hóa - Xã hội mới có cơ sở kiến nghị. Đối với vấn đề kinh phí, hỗ trợ công tác quản lý cho cán bộ Nhà Thiếu nhi sẽ ghi nhận và sớm kiến nghị.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là sự nỗ lực của Huyện đoàn để có những giải pháp mang tính lâu dài, đảm bảo chất lượng hoạt động Nhà Thiếu nhi trong thời gian tới”./.
Kim Chi