Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, Ðảng ta đã xác định đấu tranh, phản bác có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và của mọi người dân. Trong sức mạnh tổng thể đó, Ðảng đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh của Nhân dân là to lớn nhất.
Dựa vào dân để xây dựng và bảo vệ nền tảng của Ðảng là kinh nghiệm quý báu của Ðảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sức mạnh của Ðảng bắt nguồn từ sức mạnh của Nhân dân.
Tranh: MINH TẤN
Kiên định nền tảng tư tưởng của Ðảng
Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Ðảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Ðảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[1].
Ðảng đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và nội dung này đã được đưa vào các văn kiện của Ðảng từ Ðại hội II đến Ðại hội VI (năm 1986). Ðến Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Ðảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh khẳng định: “Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[2].
Tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Ðảng lại một lần nữa khẳng định: “Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[3].
Ðến Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Ðảng khẳng định lại: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Ðảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và Nhân dân ta”[4].
Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định, cần tiếp tục “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ và công bằng, văn minh. Kiên định các nguyên tắc về xây dựng Ðảng...”. Như vậy, có thể khẳng định rằng, nền tảng tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bảo vệ Ðảng từ nền móng Nhân dân
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Nhân dân là rất to lớn, tuy nhiên, nếu được khéo léo tổ chức, tập hợp dưới sự lãnh đạo của Ðảng thì sức mạnh đó sẽ là sức mạnh vô địch: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”; "Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân".
Bác luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào Nhân dân. Tư tưởng "Lấy dân làm gốc" của Người là một bài học có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc xuyên suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Dân tộc Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm nhưng Ðảng thì mới ra đời vào năm 1930. Ðiều đó có nghĩa là “lòng dân” có trước “ý Ðảng”. Dân là “gốc” của nước, là cội nguồn sức mạnh của Ðảng nên muốn lãnh đạo dân, Ðảng phải gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân để đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Ðảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của Nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân. Chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Ðảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất”.
Giải pháp phát huy sức mạnh Nhân dân
Ðể phát huy hơn nữa sức mạnh của Nhân dân vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Hai là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ðây là giải pháp căn cơ trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, là tiền đề quan trọng để xây dựng cơ quan, đơn vị “mẫu mực, tiêu biểu”; đồng thời, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh để ngăn ngừa sự xâm nhập những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng chủ động kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên để có biện pháp giải quyết kịp thời, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu của đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW. Phát huy tốt vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên rõ rằng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng không chỉ là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, của cơ quan tuyên giáo mà là trách nhiệm của chính mình. Phải biết rằng, danh dự và uy tín của Ðảng không hề tách rời danh dự, uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên và tất cả những ai đang phụng sự chế độ.
Ba là, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các vấn đề xã hội, tạo thế chủ động đấu tranh trên Internet, mạng xã hội. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội trước các sự kiện, vấn đề nảy sinh, tạo thế chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.
Bốn là, thường xuyên nắm tình hình, tổ chức công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tạo thế trận lòng dân vững chắc.
Trong mọi công việc của Ðảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Khuyến khích và tạo điều kiện cho Nhân dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đúng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
[1] Hồ Chí Minh, (2011),Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.2, tr.289
[2] Ðảng Cộng sản Việt Nam (H, 2008), Văn kiện Ðại hội Ðảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.240
[3] Ðảng Cộng sản Việt Nam (H.2011), Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr.88
[4] Ðảng Cộng sản Việt Nam (H.2016), Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Ðảng, tr.7-8.
Trương Mỹ Ngưng