Từ dư luận của Nhân dân, phản ánh của báo chí, trong tháng 7/2016, Ban Chỉ đạo Xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh Cà Mau (BCĐ) đã vào cuộc quyết liệt, qua đó đã phát hiện nhiều điểm nóng về môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ dư luận của Nhân dân, phản ánh của báo chí, trong tháng 7/2016, Ban Chỉ đạo Xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh Cà Mau (BCĐ) đã vào cuộc quyết liệt, qua đó đã phát hiện nhiều điểm nóng về môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng những phản ánh của Báo Cà Mau xung quanh vấn đề ô nhiễm của Khu công nghiệp Hoà Trung ảnh hưởng đến sức khoẻ, sản xuất của người dân đã được Tổ kiểm tra liên ngành của BCĐ tiến hành kiểm tra đột xuất và đã có báo cáo về những sai phạm của các công ty, xí nghiệp tại đây.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường và là Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ, cho biết: “Tình hình ô nhiễm môi trường diễn ra ở hầu hết các khu vực như sản xuất, chế biến công nghiệp; công ích; đô thị và nông thôn”. Trong đó, Khu công nghiệp Hoà Trung được xác định là một trong những nơi “đang có vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Thông tin từ BCĐ, Khu công nghiệp Hoà Trung được đánh giá là ô nhiễm lớn về mùi hôi, khí thải, nước thải và “đặc biệt là mùi hôi từ sản xuất chitin (nguyên liệu là vỏ và đầu tôm) và nước mắm”.
Ông Trịnh Văn Lên thông tin: “Tình hình ô nhiễm mùi hôi, khí thải, nước thải ở Khu công nghiệp Hoà Trung và cụm công nghiệp Sông Đốc đang gây bức xúc trong Nhân dân. Các loại hình sản xuất gây ô nhiễm mùi khó khống chế việc phát tán do chưa thành lập khu công nghiệp riêng biệt, gần khu dân cư”.
Tại Khu công nghiệp Hoà Trung, như thông tin đã đưa Tổ kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở: Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại, Xuất khẩu Đại Phát; Công ty TNHH Kỹ nghệ Sinh hoá Thịnh Long, Công ty TNHH MTV Việt Nam Food và Công ty Cổ phần Quốc tế Jbichem Cà Mau.
Ông Đỗ Quang Hưng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường, Tổ trưởng Tổ kiểm tra, cho biết: “Có 3/4 cơ sở xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường (sông Gành Hào, kênh xáng Lương Thế Trân). Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014”.
Tổ kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở chấm dứt ngay hành vi xả nước thải chưa qua xử lý. Ông Đỗ Quang Hưng cũng đề xuất: “Ngoài hình thức phạt hành chính kiến nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền áp dụng các hình thức phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn, tăng mức độ xử phạt”.
Ông Trịnh Văn Lên cũng khẳng định: “Sở sẽ cập nhật thông tin tình hình ô nhiễm môi trường, tăng cường hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành. Xây dựng cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân. Kiểm tra đột xuất không báo trước và đề nghị xử lý nghiêm khắc các sai phạm. Đối với các cơ sở cố tình vi phạm, không thực hiện các biện pháp khắc phục, gây ô nhiễm kéo dài phải thi hành biện pháp cưỡng chế. Công khai các cơ sở vi phạm về môi trường trên các phương tiện truyền thông”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, Trưởng BCĐ, cho rằng: “Thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường ai cũng biết nhưng làm chưa quyết liệt. Vấn đề liên quan tới môi trường phải được làm liên tục, kiên quyết. Không để sau khi kiểm tra, đánh giá là những hành vi sai phạm. Các đơn vị chức năng về môi trường xử lý còn bị tác động từ nhiều phía, phải chấm dứt sự can thiệp của lãnh đạo liên quan đến sai phạm về môi trường”. Những sai phạm về môi trường không giấu giếm thông tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi chỉ đạo báo chí: “không chỉ quay phim, chụp ảnh những chỗ đẹp mà còn phản ánh đầy đủ, trung thực những vấn đề ô nhiễm môi tường sống hàng ngày của người dân”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi nhấn mạnh: “Phải kiên quyết cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lĩnh vực”. |
Với những việc sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi nhận định: “Giải quyết vấn đề môi trường không thể làm tràn lan mà phải xác định công việc cụ thể, giải quyết một cách triệt để. Những vấn đề môi trường cần được các ngành, địa phương thẳng thắn nhìn nhận và có báo cáo đầy đủ, toàn diện với BCĐ”.
Đối với lực lượng cảnh sát môi trường, Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thời gian qua, lực lượng kiểm tra 20 cơ sở, cả 20 cơ sở đều vi phạm, trong đó có các công ty, xí nghiệp thuộc Khu công nghiệp Hoà Trung. Các cơ sở này đều không đáp ứng hết các tiêu chí kiểm tra, cá biệt có tiêu chí vi phạm gấp hơn 20 lần so với quy định hiện hành”.
Đánh giá về tình hình ô nhiễm của tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi lo lắng: “Kinh phí dành để giải quyết các vấn đề môi trường không hề nhỏ, tuy nhiên ngành chức năng làm chưa tốt, chưa triệt để nên chuyển biến chậm”.
Hoạt động của BCĐ Xử lý ô nhiễm môi trường tỉnh Cà Mau cũng chỉ dừng lại ở bước phát hiện mà chưa thể xử lý triệt để. Vì thế một số doanh nghiệp có động thái không tích cực, cố tình tái phạm gây ô nhiễm môi trường. Trên tất cả các lĩnh vực môi trường, người dân Cà Mau đều đối diện với tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, đời sống sản xuất. Còn một lưu ý hết sức đáng quan tâm của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi là “Rác thải ở các khu dân cư, rác thải đô thị và ý thức kém của chính người dân cũng là nguy cơ vô cùng lớn đối với môi trường. Bắt đầu từ thời điểm này, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc, không thể coi nhẹ, lơ là lĩnh vực môi trường”.
Ngày 27/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi chủ trì cuộc họp BCĐ Xử lý ô nhiễm môi trường. Cuộc họp cho thấy vấn đề ô nhiễm tại Cà Mau đã đến mức báo động trên tất cả các lĩnh vực. Riêng những vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi chỉ đạo: “Phải buộc các doanh nghiệp làm cam kết, thời hạn thực hiện cam kết với những vi phạm trước 5/8. Nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm, tái phạm thì sẽ áp dụng các hình thức xử lý đích đáng. Chọn một số cơ sở, doanh nghiệp để thanh tra, kiểm tra đột xuất về môi trường và báo cáo trước 15/8”. Riêng kết quả các mẫu kiểm tra đột xuất của Tổ kiểm tra liên ngành vào ngày 14/7 tại Khu công nghiệp Hoà Trung vẫn chưa công bố và địa phương có liên quan là huyện Cái Nước cũng không tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ghi nhận của phóng viên Báo Cà Mau, ngày 26/7 (tức trước buổi làm việc của BCĐ 1 ngày), mùi hôi thối vẫn bốc lên tại đoạn đường đi ngang qua khu công nghiệp này. |
Bài và ảnh: Phạm Nguyên