(CMO) Dù rất nỗ lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo cũng như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh khác nhau, thế nhưng tai nạn điện vẫn còn diễn ra, vào mùa mưa bão nguy cơ này càng tăng.
Dù ngành điện nỗ lực huy động từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển lưới điện, tuy nhiên, do địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, thưa thớt, nhiều hộ nằm sâu trong các vùng nông thôn nên tình trạng người dân sử dụng điện theo hình thức câu đuôi, chia hơi vẫn còn khá nhiều. Hiện nay tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt hơn 94% dân số, từ đó có thể thấy vẫn còn một số lượng người dân phải sử dụng điện câu đuôi, chia hơi.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm an toàn điện mùa mưa bão diễn ra ngày 24/8 vừa qua, Phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau Thiều Văn Minh nhận định, điện câu đuôi, chia hơi trong dân thường được kéo rất xa, lại sử dụng cột giăng điện là cây tạp không an toàn và người dân thường chỉ kéo một dây, thường loại dây kém chất lượng… Đó là nguyên nhân khiến tai nạn điện hiện nay thường tập trung ở các vùng nông thôn.
Điện là nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là đối với sản xuất. Tuy nhiên, điện cũng là mối hiểm nguy vô cùng lớn nếu người sử dụng thiếu kiến thức về điện, chủ quan. Để giảm thiểu và tiến tới không còn tai nạn điện, ông Thiều Văn Minh cho biết, thời gian qua ngành điện đã kết hợp với Sở Công thương, các cơ quan quản lý Nhà nước, UBND các xã… thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân trong sử dụng điện an toàn. Ngoài ra, kết hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền trực quan bằng pa-nô, phát sổ tay an toàn điện… Mục tiêu của ngành điện là đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mọi người dân đều hiểu, nắm và tự giác áp dụng các biện pháp an toàn trong sử dụng điện.
Bảo trì lưới điện. |
Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn điện từ việc sử dụng điện câu đuôi, chia hơi, thời gian qua, Công ty Điện lực Cà Mau đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa lưới điện. Cụ thể, như nguồn vốn xoá chia hơi, vốn từ Chương trình 2081 của Chính phủ về cấp điện cho vùng cao, hải đảo, vốn vay thương mại… Năm 2019, Công ty Điện lực Cà Mau đã đầu tư kéo mới 6,38 km đường dây trung thế, 17,43 km đường dây hạ thế, lắp mới 17 trạm biến áp, từ đó xoá 2.423 đồng hồ câu đuôi với số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Trong năm 2020, Công ty Điện lực Cà Mau sẽ thực hiện đầu tư thêm 12 tỷ đồng để xoá 3.728 đồng hồ câu phụ.
Đối với điện phục vụ sản xuất, lĩnh vực thời gian qua có số vụ tai nạn cao nhất, ông Minh cho biết, ngành điện sẽ kết hợp với các hội, hiệp hội như hội nông dân, hội nuôi trồng thuỷ sản… tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn điện. Ngoài ra, trong sản xuất, nhất là đối với nuôi tôm công nghiệp cần có quy hoạch cụ thể vùng nuôi để ngành điện có thể đầu tư, đáp ứng nhu cầu và an toàn cho người dân.
Về giải pháp căn cơ, ông Minh cho rằng, đẩy mạnh tuyên truyền song song với đầu tư phát triển lưới điện để mọi người dân ai có nhu cầu đều có thể sử dụng lưới điện quốc gia, tiết kiệm và an toàn. Trong mùa mưa bão hiện nay, để giảm những sự cố điện, người dân không nên trồng cây trong hành lang an toàn lưới điện. Ngành điện sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành cắt tỉa cây xanh, kể cả những cây nằm ngoài hành lang lưới điện nhưng có nguy cơ đổ ngã ảnh hưởng đến lưới điện. “Khi có mưa, người dân không nên đứng gần cột điện, chạm vào những vật dụng có đấu nối với điện, sử dụng cầu dao chống giật), đặc biệt không buộc, che chắn vào cột điện”, ông Minh khuyến cáo.
Tuân thủ theo quy định của ngành chuyên môn trong sử dụng điện là việc làm cần thiết để giúp người dân an toàn hơn trong sinh hoạt và sản xuất, nhất là thời điểm bước vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra các tai nạn thương vong liên quan đến sử dụng điện tăng cao. Tổng công ty Điện lực Việt Nam cũng đã có công văn chỉ đạo quyết liệt các đơn vị điện lực thành viên tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống điện, giám sát tình hình sử dụng điện của khách hàng, nhất là ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khu vực còn sử dụng điện chia hơi./.
Phan Ngọc Ẩn