Những ngày này, các đơn vị, địa phương khắp nơi trên địa bàn tỉnh đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về người có công - những người, những gia đình đã không tiếc máu xương mình hy sinh cho đất nước để có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Ðó cũng là những hành động thiết thực thay cho lời tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
- Tạo đột phá trong lĩnh vực người có công
- Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công
- Ấm lòng người có công
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), bày tỏ: “Chăm lo người có công, gia đình chính sách đã trở thành hoạt động thường xuyên của tỉnh, là trách nhiệm không thể thiếu của mỗi người, là tình cảm, là đạo lý uống nước nhớ nguồn mà ông cha ta đã truyền qua bao thế hệ. Thấm nhuần tinh thần đó, dịp này tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thể hiện sự tri ân đối với người có công”.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 110.900 người có công, được giải quyết chính sách ưu đãi theo quy định. Ðã qua, số đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng (đến tháng 6/2024) là 15.166 người, với kinh phí chi trả trợ cấp hằng tháng khoảng 32 tỷ đồng. Ðồng thời, ra quyết định điều dưỡng tại gia đình năm 2024 cho các huyện, TP Cà Mau với tổng số 3.379 người, số tiền trên 6,2 tỷ đồng. Tiếp nhận 41 Bằng Tổ quốc ghi công, được Thủ tướng Chính phủ cấp lần đầu, theo Quyết định số 86/QÐ-TTg ngày 19/1/2024 và tổ chức Lễ Công bố quyết định, trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân 41 liệt sĩ.
Cùng với đó, công tác đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 19/7/2024, toàn tỉnh đã vận động gần 10,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Qua đó, đã thực hiện xây dựng, sửa chữa 162 căn nhà, với tổng số tiền gần 7,5 tỷ đồng. Trong đó: xây mới 80 căn, số tiền 5 tỷ đồng; sửa chữa 82 căn với số tiền gần 2,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời đến thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách nhân dịp 27/7/2024 tại xã Khánh Bình Ðông.
Là thương binh 3/4, ngụ tại Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, ngồi trong ngôi nhà mới, ông Mười Hội (Nguyễn Văn Hội) nở nụ cười tươi, khoe: “Nhà này mới cất cách nay được một tháng. Trước đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình nghĩa nhưng xuống cấp, thấy vậy, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 60 triệu đồng cùng với tích góp gia đình để xây dựng lại ngôi nhà mới. Mừng lắm. Thấy Ðảng và Nhà nước, địa phương rất quan tâm người có công với cách mạng”.
Theo lời ông Mười, trước đây ông từng tham gia kháng chiến, năm 1970 ông mới 16 tuổi, với tinh thần yêu nước, ý chí dũng cảm, gan dạ, ông được theo làm nhiệm vụ đào công sự cho bộ đội. Trong một trận chiến ông bị thương, ảnh hưởng lên phổi. Chỉ vết thương, vết tích chiến tranh còn để lại, ông Mười tự hào: “Mới đây đã gần 50 năm rồi, dù chiến tranh qua đã lâu nhưng ký ức vẫn còn nguyên ở đó. Vui mừng vì luôn được Ðảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ. Tôi giáo dục con cháu phát huy truyền thống dân tộc, làm người công dân tốt, góp sức xây dựng quê hương”.
Với đạo lý, truyền thống tốt đẹp đó, năm 2024, hưởng ứng ngày 27/7, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động chăm lo người có công. Trong đó, nổi bật một số hoạt động tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh; tôn tạo, chỉnh trang, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức đoàn đưa người có công tiêu biểu đi tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cà Mau trang trọng tổ chức Lễ viếng, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Tưởng niệm Bác; Ðền thờ 10 anh hùng liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai và các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, nghĩa trang liệt sĩ huyện và lễ thắp nến tri ân tất cả các nghĩa trang trên địa bàn toàn tỉnh.
"Ý nghĩa, nhân văn hơn nữa chính là dịp này tỉnh còn cho chủ trương giám định ADN liên quan các ngôi mộ liệt sĩ không có tên, để xác định tìm danh tính, thân nhân liệt sĩ. Ðây là điều mong muốn, trăn trở của tỉnh mà trước đây chưa làm được", bà Nguyễn Thu Tư xúc động chia sẻ.
Bà Phạm Thị Tuyết (bìa phải), thương binh 3/4, Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời kể về một số ký ức còn đọng lại sau chiến tranh.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn trên 900 người có công, thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở. Ðã qua, thực hiện Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cũng phần nào tháo gỡ khó khăn. Song, với điều kiện còn nhiều người có công còn khó khăn, Sở LÐ-TB&XH đã xin chủ trương Tỉnh uỷ thống nhất sẽ ban hành chính sách để tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người có công và chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng những bia mộ cần sửa chữa, nâng cấp những ngôi mộ liệt sĩ chôn cất tại gia đình.
Ðồng thời, Sở LÐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực, dành một phần ngân sách để thực hiện các công trình chăm lo người có công còn khó khăn. Ðẩy mạnh thực hiện hoàn thiện Kỷ yếu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ðây là những mốc quan trọng tập trung làm quyết liệt.
Chiến tranh qua đi, những mất mát đau thương, những vết thương trên thịt da vẫn còn để lại. Chính quyền, địa phương đã và đang nỗ lực tiếp tục làm lành những vết thương ấy bằng tất cả tình cảm, sự quan tâm, để ghi nhớ công lao to lớn cho những người đã hy sinh và phần nào bù đắp những mất mát cho người ở lại./.
Hồng Nhung