Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đã chỉ đạo thực hiện chương trình CCHC đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, trong đó có nhiều giải pháp để người dân thuận lợi khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực người có công.
Năm 2024, Sở LÐ-TB&XH đề xuất UBND tỉnh phương án đơn giản hoá đối với 11 TTHC thuộc các lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, người có công, bảo trợ xã hội. Ðến nay, tổng số danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý của sở là 127 thủ tục, 100% TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, Trang thông tin điện tử của sở và Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tổ chức, công dân có thể dễ dàng tìm hiểu, tra cứu.
Trong CCHC, ngành quyết tâm đổi mới lề lối làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, không gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Theo đó, chuẩn hoá, điện tử hoá quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, thực hiện quy trình liên thông tiếp nhận, giải quyết TTHC 3 cấp (xã, huyện và tỉnh), hồ sơ được liên thông tiếp nhận từ UBND xã, huyện, đến sở. Nhờ đó, người dân không mất nhiều thời gian, công sức khi nộp hồ sơ.
Ngành triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với 3 TTHC lĩnh vực người có công. (Ảnh: Công chức Bộ phận Một cửa huyện Ðầm Dơi nỗ lực giải quyết nhanh chóng hồ sơ người có công).
Từ đầu năm đến nay có 4.577/4.577 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến; 3.708/3.708 hồ sơ thực hiện số hoá và 25/35 hồ sơ có phát sinh phí, lệ phí thanh toán trực tuyến, đạt 71%. Ðặc biệt, ngành triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với 3 TTHC lĩnh vực người có công. Trong năm 2023, đã có 470 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa các huyện.
Ðối với các thủ tục về sửa đổi, bổ sung thông tin trong hồ sơ người có công; di chuyển hồ sơ hưởng trợ cấp khi thay đổi nơi ở; cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công, thay vì trước đây người dân phải đến Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh thực hiện thì nay chỉ cần đến một cửa cấp huyện.
Anh Trần Trung Kết, công chức Phòng LÐ-TB&XH huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Ða số đối tượng người có công là người lớn tuổi, phần đông ở vùng nông thôn, chưa tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, hạn chế sử dụng điện thoại thông minh, nên chúng tôi vừa làm nhiệm vụ cũng vừa hỗ trợ bà con thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân".
Ðến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã công nhận 110.900 người có công với cách mạng, trong đó 15.166 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với kinh phí chi trả trợ cấp hằng tháng khoảng 32 tỷ đồng.
Sở LÐ-TB&XH đã thực hiện tốt việc đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng phí... đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng qua dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh sử dụng các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông các cấp, phù hợp với Chính quyền điện tử tỉnh. Nổi bật là phần mềm quản lý hồ sơ người có công với cách mạng.
Ngành LĐ-TB XH đẩy mạnh sử dụng các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông các cấp, phù hợp với Chính quyền điện tử tỉnh. Ảnh: Chuyên viên Phòng LĐ-TB XH TP Cà Mau ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý hồ sơ người có công.
Ông Lê Thành Nơi, Trưởng phòng LÐ-TB&XH TP Cà Mau, cho biết, hiện thành phố chi trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho 2.536 người, tổng số tiền 1,8 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ người có công với cách mạng đã khắc phục tình trạng hư hỏng, thất lạc hồ sơ, giúp việc lưu trữ, tra cứu, đối soát hồ sơ được thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, khi duyệt đề xuất về giải quyết các chế độ, chính sách, tôi có thể kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn; cập nhật biến động hồ sơ, tăng, giảm cũng rất thuận lợi, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách đối với người có công”.
Ngành LÐ-TB&XH được giao quản lý lĩnh vực có tác động xã hội rộng lớn. Ðể kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ TTHC không cần thiết, không phù hợp, Cà Mau tiếp tục rà soát các quy định, TTHC đặc biệt trong lĩnh vực người có công. Việc cải cách TTHC, ứng dụng phần mềm số hoá quản lý hồ sơ người có công không chỉ tạo bước đột phá trong quản lý, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công mà còn thể hiện đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay./.
Mộng Thường