Công chứng hợp đồng tàu cá là dạng hợp đồng có điều kiện, được quy định tại Nghị định số 26/2019/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản. Trong đó, việc chuyển nhượng, cải hoán tàu cá phải có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, một số văn phòng công chứng, UBND xã, phòng tư pháp các huyện trong tỉnh thời gian qua đã ký một số hợp đồng công chứng việc chuyển nhượng tàu cá khi chưa có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ðây là những hợp đồng công chứng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: "Qua kiểm tra thực tế của UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Cà Mau, phát hiện nhiều trường hợp hợp đồng công chứng đã được ký, dẫn đến hệ quả là các đương sự cầm hợp đồng này để đi hoạt động, trốn tránh sự kiểm soát của Nhà nước, vi phạm vùng biển nước ngoài, tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá... Các hành vi vi phạm này sẽ được làm rõ trong một số vụ án hình sự thời gian tới".
Tàu cá bị xoá số hiệu sau khi vào cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau ban hành Công văn số 3946/SNN-TS ngày 3/10/2023 gởi Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố về việc phối hợp cung cấp thông tin về công chứng, chứng thực hợp đồng mua, bán tàu cá.
Theo Công văn, việc đăng ký tàu cá đối với tàu được mua bán, tặng cho được quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT; trong đó, tại Ðiều 21 quy định thành phần hồ sơ phải có “Bản chính Giấy tờ chuyển nhượng quyền sở hữu tàu theo quy định”, đối với trường hợp mua tàu cá thì phải có Hợp đồng công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Trong thực tế, việc mua bán, chuyển nhượng tàu cá giữa các chủ tàu được các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền công chứng, chứng thực Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng và vì lý do khách quan, chủ quan nên chủ tàu không hoặc chưa liên hệ với Sở NN&PTNT (Chi cục Thuỷ sản là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT có thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đối với các trường hợp) để yêu cầu thực hiện thủ tục sang tên theo quy định.
Nhiều tàu cá được người dân sang bán không đúng quy định
Mặt khác, Sở NN&PTNT cũng chưa nắm hết các trường hợp tàu cá mua bán, chuyển nhượng có công chứng, chứng thực như trên để tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý, yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện các thủ tục liên quan, từ đó gây khó khăn trong công tác quản lý tàu cá trên địa bàn, cũng như công tác chống khai thác IUU, công tác điều tra, xác minh chủ thể, chủ sở hữu khi tàu cá đó vi phạm pháp luật...
Theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý chuyên ngành, công tác phối hợp quản lý Nhà nước, Sở NN&PTNT đề nghị Sở Tư pháp xem xét có ý kiến chỉ đạo đến các tổ chức, cá nhân hành nghề công chứng; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã thuộc địa bàn quản lý rà soát, thống kê số liệu, số lượng đã thực hiện việc chứng thực, công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho tàu cá đối với các tổ chức, cá nhân mua bán (bên bán, bên mua) có địa chỉ thường trú trong tỉnh Cà Mau, gửi về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Thuỷ sản) trước ngày 31/10. Ðồng thời, thời gian tới, sẽ thực hiện rà soát, thống kê số liệu, số lượng định kỳ gửi hằng quý (trước ngày 25 của tháng cuối quý) để nắm số liệu, làm cơ sở thực hiện các công việc có liên quan đến quản lý tàu cá, chống khai IUU...
"Thời gian qua, mặc dù Sở Tư pháp có nhiều văn bản chỉ đạo đề nghị các đơn vị không ký hợp đồng công chứng, chứng thực tàu cá khi chưa có chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Sở Tư pháp cảnh báo để người dân biết và thực hiện đúng quy định. Sở Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát hiện trạng này, đơn vị nào ký sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Phạm Quốc Sử cho biết thêm./.
Phúc Duy