ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 09:49:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ cá khoai nấu mẳn

Báo Cà Mau Hổng biết ai bày ra món cá khoai nấu mẳn để rồi dù đã xa quê hơn 40 năm mà tôi vẫn nhớ món canh đó do má làm.

Hổng biết ai bày ra món cá khoai nấu mẳn để rồi dù đã xa quê hơn 40 năm mà tôi vẫn nhớ món canh đó do má làm.

Mỗi lần về lại quê xưa, dãy hàng đáy gợi trong tôi tuổi thơ vất vả nhưng rất hồn nhiên với rất nhiều kỷ niệm. Xứ tôi hầu như làng xóm đều tập trung ở ven sông, không ai có đất đai rộng lớn mà mỗi nhà đều cố gắng cắm một miệng đáy để làm kế sinh nhai.

Cá khoai được bán tại các chợ.                              Ảnh: VŨ TRÂN

Xóm hàng đáy được đặt tên theo những gì đặc trưng nơi đây, xóm tôi được đặt là hàng đáy 12 vì có 12 chủ đóng cùng hàng đáy luân phiên nhau. Dù không có văn bảng phân chia nhưng 12 gia đình sống rất hoà thuận, lợi nhuận chia đều, lao động ngang nhau. Xóm hàng đáy đã hình thành hơn 50 năm, những người đầu tiên gầy dựng giờ kẻ còn người mất nhưng cái thâm tình vẫn nguyên vẹn đến bây giờ. Một số hộ đã chuyển nghề, con cháu “lên bờ” lập nghiệp nhưng mỗi khi nhà ai có giỗ quảy, đám tiệc thì tề tụ đông đủ. Người già ôn chuyện xưa, thanh niên bàn chuyện làm ăn, nói chuyện học hành của con cái.

Bất kể đám tiệc gì, bữa tiên thường hay nhóm họ, má tôi thường nấu nồi canh cá khoai thật nhiều. Mặc dù thức ăn ê hề nhưng món cá khoai nấu mẳn luôn được mọi người ưa thích. Má tôi kể: Hồi xưa ít có đồ ăn để sẵn như bây giờ, mấy người đàn ông đi đóng đáy nước khuya đói bụng chỉ ăn cơm, món cá khoai nấu mẳn dễ ăn vì vị ngọt và thơm của cá, không cần thêm món khác, chỉ cần chén nước mắm ngon dầm ớt với nồi canh cá khoai nóng hổi là ai nấy ăn “đổ mồ hôi hột”.

Tôi lớn lên đã rời quê ra thành thị nhưng hương vị cá khoai nấu mẳn cứ làm tôi thèm thuồng mỗi lần nhớ lại. Tôi liền ra chợ mua vài con cá khoai về nấu nhưng khi ăn không giống cá khoai má nấu ở nhà. Cá qua ướp nước đá mất vị ngọt, thịt không còn độ dính như cá tươi, nước sôi lên là rã ra, không còn thấy khúc cá trong ngần nhìn thấu xương trắng mềm của cá.

Lúc về quê, tôi hay chuẩn bị mấy thứ như rau cần tàu, cà chua, hành lá, tiêu, tỏi, ớt. Gần đến giờ đổ đụt (kéo đáy lên thu hoạch cá tôm), má tôi bắc xoong nước lên sẵn, khi cá được đem lên từ liếp lượm vô còn tươi rói là mổ bụng làm sạch ruột, cắt làm 2-3 khúc để đó. Nước sôi nêm nếm vừa ăn rồi bỏ cà chua, rau cần, hành lá và cá vô một lượt vì cá rất mau chín. Nếm lại nếu lạt thì thêm nước mắm ngon, cá khoai thịt nó mặn nên khoan hãy nêm trước. Nếu làm siêng thì phi một chút mỡ tỏi bỏ vô cho thơm, còn ai sợ béo thì chỉ bấy nhiêu thứ đó thôi đã cho ta hương vị tuyệt vời của nồi canh mẳn đặc sản cá khoai.

Một lần tôi dẫn khách thành phố về nhà, má tôi nấu canh mẳn cá khoai, bạn tôi từ tốn giẽ từng miếng nhỏ, cả mâm cơm nhìn anh cười tủm tỉm. Tôi bảo, “Ăn như thế không phải dân xứ biển rồi! Cá khoai nấu mẳn phải gắp nguyên khúc bỏ vô chen rồi dùng đũa tuốt cái xương ra, chứ ai giẽ manh mún làm sao gắp được”. Bạn tôi làm theo và cứ gật gù: “Quá ngon!”.

Nếu 4 người ăn phải nấu cỡ 3 ký cá trở lên vì chủ yếu là ăn cá, còn rau chỉ tăng thêm mùi vị và màu sắc cho bắt mắt mà thôi.

Mỗi bận về quê, đám con nít trại đáy ngày xưa giờ đã trung niên nhưng đứa nào cũng mê món canh thời thơ ấu. Dù có bia rượu, món ăn linh đình đến đâu cũng không thiếu món cá khoai nấu mẳn. Chuyện cơm áo, mưu sinh làm cho người ta mệt nhoài, căng thẳng nhưng khi được sống với thiên nhiên, với tình làng nghĩa xóm, được ăn món ngon gắn với ký ức tuổi thơ thì thật là an lành, hạnh phúc./.

Lê Ngọc

Làm mới dân ca, đồng dao bằng lời rap

Mùa hè năm nay, phim hoạt hình “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” ra rạp không chỉ mang đến bất ngờ về nội dung mà còn ấn tượng với phần nhạc. Bài hát chủ đề trong phim là bản mash-up đầy cảm xúc. Ca khúc sử dụng ba làn điệu dân gian quen thuộc: Lý cây đa, Ði cấy và đồng dao Dung dăng dung dẻ.

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.