Chúng tôi trở lại trường sau Tết Nguyên đán 1975, buổi điểm danh đầu tiên vắng mặt 2 người, đó là anh lớp trưởng và chị Chi, cô nữ sinh giỏi Toán xinh nhất lớp. Sự vắng mặt của 2 người là đề tài bàn tán không chỉ lớp 12 mà của cả khối cuối cấp bởi còn nửa học kỳ là chúng tôi thi tốt nghiệp ra trường.
Chúng tôi trở lại trường sau Tết Nguyên đán 1975, buổi điểm danh đầu tiên vắng mặt 2 người, đó là anh lớp trưởng và chị Chi, cô nữ sinh giỏi Toán xinh nhất lớp. Sự vắng mặt của 2 người là đề tài bàn tán không chỉ lớp 12 mà của cả khối cuối cấp bởi còn nửa học kỳ là chúng tôi thi tốt nghiệp ra trường.
Những năm trước, gần tới nghỉ hè, ban văn nghệ rộn ràng chuẩn bị cho buổi lễ tổng kết, trao thưởng cuối niên khoá, anh lớp trưởng của tôi là tay ghi-ta cừ khôi, cũng là phó ban văn nghệ. Thiếu anh, cả trường như trống vắng vì không còn nghe tiếng ghi-ta thánh thoát, bỗng trầm. Còn chúng tôi, thiếu một người anh rất dễ thương, gần gũi. Không ai rõ anh và chị Chi vì sao bỏ trường không lời từ giã.
Sáng 1/5/1975, trường tôi xôn xao lạ thường, học sinh tề tựu rất đông, thầy hiệu trưởng xuất hiện cùng với người khách lạ (sau này tôi mới biết đó là người lãnh đạo ngành giáo dục cách mạng của tỉnh). Thầy hiệu trưởng có vài lời giới thiệu mở đầu, kế đến là người khách lạ phát biểu rất mạch lạc, chân tình. Những tràng pháo tay liên tiếp vang lên. Buổi chào cờ đầu tiên với bài Quốc ca mới mà chúng tôi chưa biết tựa, chưa thuộc lời, nhưng giai điệu của nó hùng hồn, mạnh mẽ, tha thiết làm sao. Lá cờ mới được kéo lên cao, hàng trăm cặp mắt hướng theo cho đến kết thúc bài Quốc ca, lá cờ đã lên tới đỉnh cột cờ. Hàng ghế đầu tiên hôm nay, ngoài các thầy cô trong ban giám hiệu còn có nhiều cán bộ ngành giáo dục giải phóng tiếp thu Ty Giáo dục của tỉnh, không khí thân mật, thoải mái như đã từng quen biết nhau.
Xong nghi thức chào cờ, thầy hiệu trưởng bước bên bục điều chỉnh chiếc micro, sửa lại cặp kính trắng, gương mặt thầy trầm xuống như đang xúc động. Chúng tôi im lặng theo dõi từng cử chỉ của thầy.
Với giọng trầm buồn, thầy thông báo: “Trường ta vừa có một học sinh đã trở thành liệt sĩ, anh đã hy sinh trong trận đánh bức rút một biệt khu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Sau khi thầy xướng tên người liệt sĩ ấy, nét đau thương hiện lên từng gương mặt, nhiều bạn bật khóc khi hay tin dữ này.
Thầy hiệu trưởng tiếp tục điều hành buổi tựu trường: “Sau đây kính mời Ban tổ chức lễ truy điệu tiến hành nghi thức!”. Chúng tôi vô cùng xúc động khi di ảnh, cờ, hoa đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ngỡ ngàng nhìn người phụ nữ trong bộ bà ba đen đeo băng tang trên cánh tay. Chị Chi! Bây giờ chúng tôi đã hiểu.
Bài “văn tế” lấy đi nước mắt hàng trăm con người đang có mặt, phút mặc niệm trang nghiêm đầy xúc động trôi qua. Chúng tôi đã vĩnh viễn xa người lớp trưởng nhưng không mất anh. Trường chúng tôi lấy tên anh đặt cho thư viện. Mở đầu các phong trào sinh hoạt chúng tôi thường tưởng nhớ anh bằng các ca khúc “Dậy mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe” mà ngày xưa anh đã đệm đàn.
40 năm, ngôi trường cũ giờ đồ sộ lắm, nhưng trong thư viện vẫn còn đó kỷ niệm của người lớp trưởng đáng yêu với bức chân dung và cây đàn ghi-ta ngày trước./.
Lê Ngọc