(CMO) Huyện Ngọc Hiển có 30 trường học, từ bậc học mầm non đến trung học cơ sở, do Phòng GD&ĐT huyện quản lý. Năm học 2017-2018, huyện có gần 11.000 học sinh theo học, trong số đó hiện có 10 trường học sinh đi học bằng đường sông. Trắc trở đường đến trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập cũng như định hướng tương lai của các em học sinh nơi đây.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển Nguyễn Văn Út, hiện có khoảng 4.000 học sinh phải đi học bằng đò dọc hay phụ huynh phải tự đưa rước. Các em phải dậy từ sớm để đón đò đến trường. Đến trường bằng đò, xuồng máy, trong khi áo phao em có em không, nếu xảy ra tai nạn thì khả năng đuối nước đối với các em rất cao.
Giờ tan trường của học sinh đi học bằng đò ở huyện Ngọc Hiển. |
Hiện nay, huyện Ngọc Hiển vẫn còn nhiều ấp chưa có lộ giao thông đấu nối nên việc học của phần lớn học sinh phải luỵ đò. Xã Tam Giang Tây, Viên An Ðông, Viên An, Ðất Mũi có học sinh đi học bằng đò nhiều nhất, ngoài phụ huynh đưa rước, học sinh phải đi học ngày 2 buổi bằng đò.
Tuy nhiên, những gia đình quyết tâm lo cho con ăn học như gia đình ông Nguyễn Văn Thành, ở ấp Kinh Ráng, xã Viên An Đông, không hiếm. Nhà ông Thành cách trường trên 10 cây số, năm nay con ông học lớp 5, Trường Tiểu học xã Viên An Đông, ông đều đặn dùng vỏ máy để đưa con đến trường hằng ngày.
Ông Thành chia sẻ: “Mỗi ngày tiền ăn cho cháu, cộng tiền xăng nữa là khoảng 80.000 đồng. Đưa các cháu đi học, nhà xa quá phải ở lại đợi tan trường rồi rước về luôn, công việc đều bỏ hết. Nhưng phải cố cho tụi nó học để có kiến thức”.
Việc đi học bằng phương tiện thuỷ không những lo về chi phí mà các em còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, tiềm ẩn những rủi ro trên sông nước.
Ông Thành Công, xã Tam Giang Tây, có con học tại Trường Tiểu học 1 xã Tam Giang Tây, chia sẻ: “Lúc nước cạn xa bãi tôi phải cõng con xuống xuồng để đưa đến trường. Đi đứng phải canh nước, ngày nào cũng thức thật sớm để đưa con đi học. Học sinh đi học bằng đường thuỷ cực khổ trăm lần so với đi xe máy”.
Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ đò, nhà ấp Xẻo Ngang, xã Viên An Ðông, chia sẻ: “Ðò tôi chở khoảng 20 em, chở từ ấp Xẻo Ngang qua trường bên Tân Ân Tây. 5 giờ sáng rước các em đi học, trưa rước về. Tôi làm nghề này 12 năm rồi, có nhiều em đã thành đạt. Ðó là niềm vui để mình tiếp tục với nghề”.
Trung tá Lê Hoàng Tám, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Ngọc Hiển, thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 11 bến phà, hàng chục đò đưa rước học sinh. Mặc dù phương tiện đăng ký, đăng kiểm chưa hết, nhưng nếu thực hiện theo quy định thì nhiều chủ phương tiện sẽ bị xử phạt, học sinh sẽ gián đoạn đường đến trường nên cảnh sát giao thông còn vi vu cho qua. Hiện nay, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Ngọc Hiển đang tập trung tuyên truyền để chủ phương tiện nâng cao ý thức. Sắp tới, nếu họ không chấp hành đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo an toàn giao thông sẽ bị xử lý theo quy định./.
Chí Hiểu