(CMO) Mỗi lần đi ngang qua cánh đồng trời chiều mưa giăng mù mịt là những câu ca cổ “Cho đến khi cúm núm kêu chiều, lũ chim muông vội vàng về tổ ấm. Những đứa con nhao nháo chờ mong, mẹ vẫn chưa về khi màn đêm giăng đầy bóng tối…” hay “Những đêm tháng Mười nước lụt, gió mang mưa vào nhà cho cơn lạnh thấm xương…” trong bài "Ơn Ðảng" của Soạn giả Trọng Nguyễn lại văng vẳng bên tai. Chất giọng trầm ấm, truyền cảm của Nghệ sĩ Hoài Thanh càng làm cho từng lời ca thêm nao lòng, da diết…
Minh họa: Minh Tấn |
Rồi một lần, trong câu chuyện tình cờ với bà Nguyễn Thị Niêm (Năm Niêm, nguyên Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Minh Hải), tôi lại có thêm nhiều thông tin về soạn giả cải lương mình từng mến mộ và hiểu thêm tiếng lòng của ông trong bài ca cổ ấy.
Bà kể: “Tôi với anh Tám Nguyễn (Soạn giả Trọng Nguyễn) bà con chú bác. Ảnh con người thứ Bảy, ba tôi thứ Út. Nhà anh Tám Nguyễn ở sát vách nhà tôi. Gốc dòng họ chúng tôi ở Bà Hính A, cặp sông Bảy Háp. Nguyên gánh tham gia cách mạng hết nên năm 1960 Ðồng khởi, bị giặc bố ráp dữ dội. Khoảng năm 1961, không ở được nữa, cả dòng họ dời vô đồng Bìm Bịp và Khai Hoang, thuộc Bà Hính B (lúc đó là xã Quách Phẩm A, giờ là Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi).
Hồi thời còn hoạt động bí mật những năm 1957-1958, anh chị lớn trong gia đình tôi, trong dòng họ hầu như đều tham gia cách mạng hết. Lúc đó tôi còn nhỏ, học trường bên kia sông Bảy Háp (thuộc xã Thịnh Hưng, quận Cái Nước của nguỵ) là đã biết đem cơm vô rừng chồi cho mấy anh chị. Hồi đó còn nhỏ nhưng mình giác ngộ cách mạng đến nỗi không chịu học bài chào cờ của nguỵ.
Anh em nhà anh Tám Nguyễn cũng tham gia cách mạng sớm lắm, từ sau những năm 1950 là mấy ảnh hoạt động bí mật ở trong rừng hết rồi. Ông già ảnh cũng vào Ðảng từ năm 1945”.
Rồi giọng bà chợt chùng xuống, bùi ngùi: “Cái giá cho hoà bình lớn lắm, sau giải phóng, kiểm đếm lại, trong dòng họ có tới 19 người hy sinh...”.
Và rồi, đề tài về Soạn giả Trọng Nguyễn trở thành trọng tâm câu chuyện: “Cuộc đời anh Tám Nguyễn hồi nhỏ khổ lắm. Ảnh mồ côi mẹ từ lúc mới có mấy tháng tuổi. Má tôi kể, sau khi sinh ảnh ra, bác Bảy gái bệnh nặng, ảnh thiếu sự chăm sóc, ốm đau quặt quại, người đen thui, khóc còn không ra tiếng. Mẹ mất, đàn con gần chục đứa trong cảnh côi cút bơ vơ, người chị thứ Hai chưa kịp trưởng thành đã phải thay mẹ nuôi các em. Thời đó nghèo đói, phải quậy nước cơm với đường chảy cho ảnh uống… Chị Hai phải vất vả nhọc nhằn dữ lắm mới nuôi được ảnh…”.
Rồi bà bảo: “Ảnh viết bài ca cổ "Ơn Ðảng" là kể về chính cuộc đời và hoàn cảnh của mình. Hoàn toàn đúng sự thật như vậy. Mười mấy tuổi là ảnh thoát ly đi hoạt động cách mạng rồi. Những câu như Mẹ ơi năm tháng cô đơn, phận cút côi tưởng đời quên lãng. Nhưng nhờ ơn Ðảng đã cứu sống đời con trong đêm tối kinh hoàng... Con sợ bóng đêm của đói lạnh cơ hàn. Cha thì còng lưng ở mướn, mẹ ngập mình mưa phủ dưới đồng sâu... là đúng y tình cảnh ảnh lúc đó”.
Giọng bà lặng chìm trong cảm xúc: “Cái cảnh mà ảnh nói trong bài ca: Cho đến khi cúm núm kêu chiều, lũ chim muông vội vàng về tổ ấm. Những đứa con nhao nháo chờ mong, mẹ vẫn chưa về khi màn đêm giăng đầy bóng tối, mỗi lần nghe lại, lòng buồn tê tái. Nhớ hồi mới dời vô đồng Bìm Bịp, nước ở đó sâu lắm, không trồng được lúa, toàn bồn bồn với bông súng mọc. Ði cấy mướn cho người ta tới trời tối còn chưa về. Hồi đó trong nông thôn, trời mưa, đèn dầu leo lét, nhà thì không kín, chạng vạng mà gia đình người còn ở một nơi, đi làm đồng chưa về… thấy lòng buồn dữ lắm! Lúc đó ai cũng trong cảnh nghèo khổ, có khi không đủ gạo ăn phải nấu cơm nhão, ráng gói ghém sống qua ngày. Khi đó, từ Bờ Ðập dài tới Cái Keo, giặc đóng dầy đồn bót, đi làm ăn gì cũng khó khăn… Vì vậy mà mình thấu cảm được nỗi lòng của ảnh. Mẹ ảnh thời trước đó, trong cảnh nô lệ, còn khổ hơn…”.
Cũng theo bà, những câu như “Ngày toàn thắng có dịp về quê cũ. Thăm mộ mẹ hiền con đứng lặng giây lâu. Chuyện ngày xưa còn nằng nặng cơn sầu. Dòng quay ngược, nợ hiếu lòng con thành nước mắt”, là tình cảm, tâm trạng của chính Soạn giả Trọng Nguyễn. Lúc đó sau giải phóng, ông về thăm quê, thăm mộ mẹ. “Nói chung, toàn bộ bài ca cổ "Ơn Ðảng" là nói hoàn toàn sự thật về cuộc đời anh Tám Nguyễn và hoàn cảnh gia đình ảnh. Mỗi lần nghe lại bài ca này là muốn khóc luôn. Thấy thương cuộc đời ảnh lắm”, giọng bà lặng trong xúc động.
Còn nhớ những năm 1980, đất nước còn nhiều khó khăn, phương tiện giải trí chính của nhà nhà ở thôn quê chủ yếu là chiếc radio. Lúc ấy cải lương rất thịnh hành. Cứ trưa là có chương trình ca cổ, hết đài này đến đài nọ. Chiều cũng ca cổ. Tối thứ Bảy, sáng Chủ nhật thì sân khấu cải lương (dĩ nhiên còn nhiều chương trình giải trí khác, trong đó có ca nhạc, văn nghệ thiếu nhi, đọc truyện đêm khuya, tiếng thơ… nhưng dường như cải lương chiếm ưu thế và mang tính đại chúng hơn). Vì vậy mà đám trẻ như chúng tôi nghe riết rồi cải lương cũng ăn sâu vào máu thịt. Trong số những bài ca cổ, tuồng cải lương tôi yêu thích lúc ấy, có rất nhiều bài, tuồng của Soạn giả Trọng Nguyễn.
Hồi đó, mỗi lần nghe đài giới thiệu những sáng tác của Trọng Nguyễn là bỏ dở công việc, cứ mê mẩn ngồi nghe. Nếu hỏi hay như thế nào thì không cắt nghĩa được. Chỉ thấy nó gần gũi, cảm động, từng câu, từng chữ cứ như thấm vào lòng… Sau này lớn lên, có hiểu biết hơn chút, mới cảm phục được cái tài và cái tình của ông qua từng tác phẩm.
Trở lại bài ca cổ "Ơn Ðảng", một đề tài nghe nặng tính chính trị, nhưng có lẽ xuất phát từ câu chuyện thật cuộc đời, cùng với cái tài của ông mà từng câu chữ cứ nhẹ nhàng len vào lòng người, làm thổn thức con tim, trào dâng bao cảm xúc.
Những câu như “Chiếu rách lá chằm mẹ che cho đàn con trẻ, mà mưa vẫn dai, mưa trắng cả đêm dài… Ôi, những sợi mưa đêm xoáy đau lòng mẹ và đè nặng vai gầy. Mẹ thổn thức hay gió mưa nức nở, mà tiếng thở dài như nghẹn từng cơn. Ðói rách đau buồn đã mòn sức mẹ, sống kiếp tá điền tắt lịm ước mơ. Mẹ đã lìa đời sau cơn bạo bệnh, những đứa con khờ thành những trẻ mồ côi…” nghe cứ rưng rưng, se thắt.
Hầu hết những sáng tác của ông cũng thế, thường gắn câu chuyện riêng và cái chung. Mà cái chung đó là lòng yêu nước, sự hy sinh vì nghĩa lớn. Nên dù có yếu tố chính trị, nhưng có lẽ thường xuất phát từ cái nền hiện thực cuộc đời, được thẩm thấu qua tâm hồn, tình cảm của ông rồi tuôn chảy thành lời mà trở nên mềm mại dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người như thế.
Sinh thời, nhớ có lần ông chia sẻ, bài "Ơn Ðảng" ông đã thai nghén từ hồi được đứng vào hàng ngũ Ðảng, những năm 1960. Nhưng mãi đến sau ngày nước nhà thống nhất, có dịp về thăm quê, thăm mộ mẹ, thì cảm xúc mới trào dâng, kết tụ thành lời giúp bài ca hoàn chỉnh, tròn trịa.
Trong câu chuyện về Soạn giả Trọng Nguyễn, bà Năm Niêm cũng không quên nhắc về bài ca cổ "Chợ Mới". Và chúng tôi đều có chung nhận định rằng, mặc dù cải lương không còn là thời hoàng kim, nhưng trong lòng các thế hệ trước, cải lương vẫn hay, vẫn đẹp. Giờ đây có phương tiện phổ biến là karaoke, những người lớn tuổi, mê cải lương, hát được ca cổ cũng có thể cầm micro hát hò cho thoả niềm yêu thích. Nhiều người trẻ yêu ca cổ thì cũng có chỗ để thể hiện đam mê. Và trong số những bài ca cổ được chọn hát ở đám tiệc, karaoke, dường như lúc nào cũng có mặt bài ca cổ "Chợ Mới" của Trọng Nguyễn. Kể cả ngoài miền Bắc tới trong miền Nam, dường như chỗ nào có ca cổ là bài "Chợ Mới" được chọn hát. Tần số bài ca xuất hiện dầy đặc, thậm chí có “bữa tiệc karaoke”, bài "Chợ Mới" cặp đôi này hát xong, cặp đôi sau hát nữa.
Nhân nhắc đến sáng tác để đời này, tôi lại nghe thêm nhiều thông tin thú vị từ bà Năm Niêm: “Hồi ảnh còn sống, Tết năm nào lãnh đạo huyện Chợ Mới cũng đổ đường từ An Giang qua Bạc Liêu thăm ảnh. Họ nói, nhờ ảnh viết bài hát đó mà nhiều người biết đến địa danh Chợ Mới, An Giang. Rồi khi ảnh từ trần, lãnh đạo tỉnh An Giang và lãnh đạo huyện Chợ Mới đều thành lập đoàn đến viếng đám tang hết sức trang trọng, thành kính".
Không chỉ vậy, bà còn cho biết, từ đó đến nay, năm nào đám giỗ ông, huyện Chợ Mới cũng cử đoàn qua thắp nhang. “Họ đối xử hết sức nghĩa tình. Cuộc đời này, còn nhiều cái thật đáng sống lắm chứ!", bà buông giọng hào hứng khi kết thúc buổi chuyện trò mà với tôi thật nhiều thông tin hay và thú vị./.
Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938. Từng công tác tại Ðoàn Văn công tỉnh Cà Mau, Ðoàn Văn công Khu Tây Nam Bộ; Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu; Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Việt Nam. Ông từ trần ngày 25/1/2018. Ông để lại cho đời 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài vọng cổ. Nổi bật như các vở: Giọt máu oan cừu, Rừng thần, Bóng biển; các bài ca cổ: Ơn Ðảng, Ðôi mắt, Quê anh quê em, Giọt sữa cuối cùng, Chợ Mới... |
Trang Thăm