ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 19:13:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những ngọn đuốc bừng sáng giữa bóng đêm

Báo Cà Mau Ngày 20/1/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) cho các Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau các thời kỳ: Tiền khởi nghĩa trong kháng chiến chống Pháp và trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài phát xít Mỹ - Diệm: Đó là: Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) 1939-1941; Châu Văn Đặng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) 1953-1955; Trần Văn Bỉnh - Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) 1957-1959.

Ngày 20/1/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) cho các Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau các thời kỳ: Tiền khởi nghĩa trong kháng chiến chống Pháp và trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài phát xít Mỹ - Diệm: Đó là: Trần Văn Thời, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) 1939-1941; Châu Văn Đặng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) 1953-1955; Trần Văn Bỉnh - Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) 1957-1959.

Trên những chặng đường chiến đấu gian khổ, ác liệt tại miền đất tận cùng cực Nam Tổ quốc, trong dòng chảy cách mạng đã xuất hiện một đội ngũ cán bộ ưu tú, kiên trung, bất khuất, sáng tạo. Từ năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời tại thị trấn Cà Mau đến nay đã có hàng vạn đảng viên cộng sản chiến đấu quên mình vì lý tưởng của Đảng, cống hiến lớn lao cho Đảng, cho dân tộc mà qua chặng đường đầu, chặng đường gian khổ, thử thách thì những tấm gương của các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau: Trần Văn Thời, Châu Văn Đặng, Trần Văn Bỉnh như những ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng giữa bóng đêm cho Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau.

Công binh xưởng chiến khu U Minh.                                Ảnh tư liệu

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Thời - người sáng lập lực lượng vũ trang Cà Mau - người khởi xướng phương châm đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị từ năm 1939-1940.

Đi vào chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, dưới sự chủ trì và đề xướng của Bí thư Trần Văn Thời, Tỉnh uỷ Cà Mau chủ trương thành lập khu căn cứ rừng U Minh, thành lập công binh xưởng chế tạo các loại vũ khí thô sơ, phục hồi sửa chữa các loại vũ khí và thành lập Đội Du kích Tân Hưng Tây, 21 cán bộ, chiến sĩ, do Quách Văn Phẩm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo. Đội Du kích Tân Hưng Tây thành lập tháng 11/1940. Vừa thành lập, Đội Du kích Tân Hưng Tây liền đi vào tập luyện võ nghệ và học hỏi cách sử dụng vũ khí, tạo ra không khí khẩn trương, sôi nổi.

Khi tiếp nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ uỷ về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, với vai trò là Bí thư Tỉnh uỷ, một mặt Trần Văn Thời chấp hành nghiêm, mặt khác, Trần Văn Thời chủ trì triển khai kế hoạch và phân chia làm ba địa bàn khởi nghĩa một cách khẩn trương và chặt chẽ. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ chia làm ba khu vực khởi nghĩa: Khu vực I: Hòn Khoai, thị trấn Năm Căn và các làng chung quanh (lấy Hòn Khoai làm điểm khởi đầu). Khu vực II: Quận Cà Mau và các làng chung quanh. Khu vực III: thị xã Bạc Liêu, các quận và các thị tứ chung quanh. Tuy nhiên, sau đó các khu vực trong đất liền nhận lệnh đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, do cách trở ngoài biển khơi không nhận lệnh đình hoãn nên điểm “khởi đầu khởi nghĩa Hòn Khoai” nổ ra vào lúc 23 giờ ngày 13/12/1940 giành thắng lợi trọn vẹn.

Đứng trước sự kiện trọng đại “cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” với vai trò là một Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Văn Thời tỏ rõ thái độ tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chấp hành nghị quyết của Đảng, bình tĩnh, sáng suốt và quyết đoán mọi công việc hệ trọng. Sau khi có lệnh đình hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Thời chủ động đề ra chủ trương điều lắng đội ngũ cán bộ để bảo toàn lực lượng và tăng cường hơn nữa công tác xây dựng cơ sở cách mạng quần chúng.

Sau cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai -  khởi nghĩa Nam Kỳ, bọn đầu sỏ Sài Gòn bố trí một lực lượng dày đặc: bọn tề từ tỉnh, quận, làng, mật thám… truy bắt Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Thời. Trong hoạt động, đồng chí Trần Văn Thời vừa mưu trí và có hành động kiên cường. Có một lần trên đường đi hoạt động ban đêm “tao ngộ” với toán lính hơn chục tên trang bị đầy đủ súng ống, Bí thư Trần Văn Thời tay không mà đã gây cho một số tên lính mang thương tích rồi thoát thân.

Tháng 1/1941, đồng chí Trần Văn Thời nhận nghị quyết rời Cà Mau về trên công tác và tháng 5/1941, đồng chí sa vào tay giặc rồi bị lưu đày ra Nhà tù Côn Đảo. Trong sự hà khắc qua các nhà tù, đồng chí Trần Văn Thời luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Mộ của đồng chí Trần Văn Thời nằm tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo…

Bí thư Tỉnh uỷ Châu Văn Đặng - người có nhiều tâm huyết với phương thức kết hợp đấu tranh vũ trang - chính trị - binh vận.

Đồng chí Châu Văn Đặng sinh năm 1917, tham gia cách mạng năm 1937 và năm 20 tuổi bị giặc bắt giam vào nhà tù ba năm. Quá trình công tác, đồng chí Châu Văn Đặng nhận rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt, từ năm 1948 đến những năm 50 (thế kỷ XX), đồng chí Châu Văn Đặng giữ những chức danh chủ chốt của Đảng: Bí thư Huyện uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ, Uỷ viên Khu uỷ khu Tây Nam Bộ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Châu Văn Đặng luôn gắn bó với phong trào đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và là người có nhiều tâm huyết với phương thức kết hợp đấu tranh vũ trang - chính trị - binh vận từ kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ.

Ra khỏi nhà tù năm 23 tuổi, đồng chí được phân công phụ trách công tác vận động quần chúng trên nhiều địa bàn rộng lớn được chỉ định như: Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, Cái Nước…

Khi giặc Pháp đánh chiếm quận lỵ Giá Rai (tháng 2/1946), Huyện uỷ Giá Rai chủ trương rút về nông thôn xây dựng lực lượng, chờ thời cơ… Lúc bấy giờ, đồng chí Châu Văn Đặng là Huyện uỷ viên, kiêm Bí thư Chi bộ xã Phong Thạnh lãnh đạo đảng viên bí mật bám trụ, xây dựng quần chúng thành những tổ chức lực lượng mật, phối hợp với lực lượng trong căn cứ chống giặc càn quét, tổ chức những hoạt động tiếp tế lương thực thực phẩm và chở che bảo vệ cán bộ vùng căn cứ.

Đồng chí Châu Văn Đặng tổ chức một bộ phận đơn vị vũ trang tỉnh, phối hợp với lực lượng du kích xã Hưng Mỹ bao vây, pháo kích, bắn tỉa đồn Rau Dừa do một trung đội lính Pháp đóng giữ (tháng 2/1947). Sau nhiều ngày đêm bao vây, ta tiêu diệt tám tên, số còn lại hoang mang bỏ đồn trốn về Cà Mau. Cũng khoảng thời gian trên, đồng chí Châu Văn Đặng tổ chức lực lượng tự vệ làng Vĩnh Lợi kết hợp lực lượng quần chúng trên địa bàn phục kích bọn lính đồn Cây Bàng, bọn lính hoang mang quăng súng bỏ chạy, ta bắt sống một tên và thu bốn khẩu súng. Và cũng trên địa bàn này, đồng chí Châu Văn Đặng xây dựng cơ sở làm công tác nội tuyến (má Sáu Cầu dân tộc Khmer) móc nối hai lính (người Khmer) dẫn dụ số lính ra khỏi đồn, ta đưa lực lượng vào đồn thu 11 khẩu súng.

Đồng chí Châu Văn Đặng đưa một trung đội vũ trang của huyện phối hợp với du kích tại địa bàn chặn đánh một đoàn xe trên tuyến lộ Rạch Rắn - Cây Giang, tiêu diệt hai chiếc xe chở đầy lính và thu 12 khẩu súng. Cũng vào khoảng thời gian này (giữa đầu năm 1947), đồng chí Châu Văn Đặng chỉ đạo Huyện đội Giá Rai phối hợp với Vệ quốc Đoàn phục kích trên kinh xáng Hộ Phòng - Gành Hào tiêu diệt một trung đội lính Pháp, thu một súng trung liên, chín súng trường, bắt một tù binh Pháp.

Giữa năm 1947, đồng chí Châu Văn Đặng chủ trương mở cuộc phát động lớn trong các đơn vị vũ trang và trong lực lượng quần chúng tham gia phong trào thi đua đánh giặc. Hưởng ứng phong trào này, đêm 10/6/1947, Đại đội 101 tự vệ chiến đấu phối hợp với du kích địa phương chống càn ở Gò Muồng (Định Thành) đánh chìm ba chiếc xuồng, tiêu diệt 40 tên, thu nhiều vũ khí. Tiếp theo đó, lực lượng tự vệ chiến đấu phối hợp với Quốc vệ đội phục kích đánh năm quả mìn và một số quả địa lôi trên lộ Cầu Trâu (Quốc lộ 1), toàn bộ quân lính địch trên các chiếc xe đi đầu đều bị tiêu diệt. Mấy phút sau, tên sĩ quan Pháp ra lệnh cho bọn lính trên những chiếc xe sau tràn lên chỗ những chiếc xe vừa bị ta đánh cháy. Bất ngờ bị lực lượng ta cho điểm hoả quả địa lôi 60 kg làm hàng chục tên giặc tan xác. Trận đánh này quân ta tiêu diệt nhiều tên giặc, phá huỷ hai chiếc xe thiết giáp, hai khẩu trọng pháo 40 ly, hai khẩu đại liên và hàng chục súng trường.

Cuối năm 1947, đồng chí Châu Văn Đặng được bầu vào chức vụ Phó Bí thư Huyện uỷ. Tháng 4/1948, đồng chí Châu Văn Đặng được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, phụ trách Ban Tuyên huấn tỉnh và là người thành lập Trường Đảng tỉnh. Từ năm 1948 đến 1955, đồng chí Châu Văn Đặng được Đảng phân công giữ các chức vụ chủ chốt: Bí thư Huyện uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ, Uỷ viên Khu uỷ khu Tây Nam Bộ. Đứng vào các vị trí quan trọng này, đồng chí Châu Văn Đặng càng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở cách mạng quần chúng, xây dựng phong trào du kích và xây dựng phát triển lực lượng vũ trang.

Sau ký kết Hiệp định Geneva, Bí thư Tỉnh uỷ Châu Văn Đặng tiến hành khẩn trương mấy việc: Chủ trương đưa cán bộ vào bí mật, vào rừng chôn cất vũ khí chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với kẻ thù. Đồng thời lãnh đạo triển khai thực hiện kế hoạch với quy mô lớn: đưa lực lượng nội tuyến vào các thứ quân, vào cơ quan chính quyền các cấp của Ngô Đình Diệm trên địa bàn. Có những đồn bót, đại đội, trung đội, dinh quận nào ta cũng cài nội tuyến vào, rất nhiều hội đồng hương chính xã gần hầu hết người là nội tuyến của ta. Mặc dù nội tuyến nhiều nơi bị lộ, giặc ra tay đàn áp, nhưng vì nhiệm vụ chiến lược của Đảng, nên Tỉnh uỷ Cà Mau, đứng đầu là đồng chí Châu Văn Đặng, lãnh đạo khắc phục khó khăn, duy trì nội tuyến trong lòng địch. Mặt khác, Tỉnh uỷ chủ trương phát động phong trào đấu tranh trực diện, biểu tình đòi quyền lợi dân sinh dân chủ, đòi địch thi hành Hiệp định Geneva tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc. Phong trào này huy động tất cả lực lượng từ già đến trẻ, từ trai đến gái đều xung trận giáp mặt với kẻ thù.

Năm 1955, Ngô Đình Diệm thực hiện âm mưu cực kỳ thâm độc và nguy hiểm. Chúng đưa hàng ngàn tín đồ Thiên Chúa giáo đến huyện Thới Bình lập khu dinh điền trùm lên 4 xã: Thới Bình, Trí Phải, Biển Bạch, Tân Phú. Chúng cưỡng bức đồng bào tại chỗ phải đi nơi khác để chúng vừa xây khu dinh điền cho giáo dân Thiên Chúa đến ở. Song song đó, chúng sẽ xây 17 nhà thờ và các cứ điểm quân sự chiếm lĩnh các tuyến đường giao thông huyết mạch “xẻ ruột rừng U Minh”, lấy khu dinh điền công giáo làm hậu thuẫn chính trị cho bộ máy chính quyền của chúng và đẩy lực lượng quần chúng cách mạng ra khỏi vùng căn cứ để chúng tiêu diệt cách mạng. Nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh uỷ, đã đưa phong trào đấu tranh của quần chúng bẻ gãy âm mưu đen tối của chúng. Trong một văn kiện của Tỉnh uỷ có đoạn: “Ban Chấp hành Đảng bộ, mà đứng đầu là đồng chí Châu Văn Đặng, đã sáng suốt chủ trương, kịp thời lãnh đạo Nhân dân tại chỗ chiến đấu quyết liệt giữ ruộng vườn, nhà cửa. Đồng thời vận động cha cố thuyết phục giáo dân tản ra sống hoà lẫn với dân địa phương. Số hộ giáo dân còn lại bỏ điểm chạy sang Tân Hiệp (Rạch Giá), làm thất bại âm mưu “xẻ ruột U Minh” của Ngô Đình Diệm…”.

Bí thư Tỉnh uỷ Châu Văn Đặng là người lãnh đạo của Đảng bộ Cà Mau đầy tâm huyết, bản lĩnh và tài năng, trong lãnh đạo luôn luôn thực hiện phương thức kết hợp đấu tranh vũ trang - chính trị - binh vận đầy sức sáng tạo và mang lại hiệu quả to lớn.

*

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Bỉnh - người lãnh đạo Nhân dân nổi dậy đập tan chế độ độc tài phát xít Mỹ Diệm ở nông thôn Cà Mau (1960).

Đồng chí Trần Văn Bỉnh (Bảy Thạng) sinh ra từ gia đình nông dân ở miền quê Tân Hưng Tây giàu truyền thống đấu tranh cách mạng; có mặt trong khởi nghĩa Nam Kỳ, là đội viên Đội Du kích Tân Hưng Tây, là tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Cà Mau. Trần Văn Bỉnh miệt mài, tận tuỵ hoạt động cách mạng. Với công trạng lớn, với phẩm chất cộng sản cao và với tài năng xuất sắc trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Trần Văn Bỉnh được Đảng trao cho giữ những chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay Cà Mau - Bạc Liêu), Phó Bí thư liên Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ, Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau - Bạc Liêu (sau 30/4/1975).

Sau Hiệp định Geneva 1954, Xứ uỷ Nam Bộ chỉ định đồng chí Trần Văn Bỉnh làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, phụ trách công tác Đảng. Nhận thức tầm quan trọng công tác Đảng trong giai đoạn mới, đồng chí Trần Văn Bỉnh khẩn trương và nỗ lực triển khai kế hoạch sắp xếp tổ chức, phân loại đảng viên củng cố duy trì và phát triển cơ sở cách mạng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng biểu tình đấu tranh trực diện đòi quyền lợi dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Năm 1957, đồng chí Trần Văn Bỉnh được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ, trong điều kiện giặc đánh phá ác liệt bằng bộ máy độc tài phát xít, bằng quân đội trang bị súng lưỡi lê gây bao cảnh tang tóc, thê lương, đầu rơi máu chảy. Là Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Văn Bỉnh vẫn tỉnh táo cùng với Tỉnh uỷ kiên trì chủ trương bảo toàn lực lượng, bảo toàn cơ sở cách mạng, quyết tâm phát triển cán bộ, điều động cán bộ, đảng viên, quần chúng cốt cán, thanh niên lao động bám địa bàn, bám vị trí công tác…

Năm 1958-1959, kẻ thù đẩy tình thế cách mạng trong tỉnh đến khó khăn cực độ, Bí thư Tỉnh uỷ luôn luôn thể hiện sự tự tin cao độ và ý chí quyết chiến quyết thắng mà lạc quan và sáng suốt lãnh đạo cách mạng, quyết đập tan chính sách chống cộng - diệt cộng, Luật 10/59 loại những người cộng sản ngoài vòng pháp luật. Trong bối cảnh tưởng chừng ngàn cân treo sợi tóc ấy, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Bỉnh là vị tướng tài ba, bản lĩnh, xứng tầm. Niềm tin, khí phách và lý tưởng cộng sản Trần Văn Bỉnh luôn toả sáng khơi dậy niềm tin cho mọi người hướng đến ngày chiến thắng. Tư tưởng cách mạng của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Bỉnh như ngọn đuốc soi tỏ giữa đêm đen cho mọi người tiến bước.

Trong những năm tình hình cách mạng lâm vào cảnh đen tối nhất, đồng chí Trần Văn Bỉnh nói chuyện với cán bộ thường xuyên “đả phá” tư tưởng cầu an, co thủ, sợ chết không dám hoạt động. Trong lãnh đạo cách mạng, đồng chí Trần Văn Bỉnh nói gợi mở cho cán bộ, đảng viên: “Phải tạo luồng gió Đông để thổi bạt gió Tây, phải xây dựng cho mọi người niềm tin tất thắng - tin Bác Hồ, tin Đảng, tin dân và phải tin chính bản thân mình”. Và đồng chí nói: “Chúng ta là con cháu của dân tộc anh hùng, vừa chiến thắng thực dân Pháp - đồng minh của Mỹ. Mỹ viện trợ tận lực. Chúng ta vĩ đại như thế mà sao lại sợ Mỹ?...”.

Ở đồng chí Trần Văn Bỉnh, tư tưởng vũ trang đánh giặc hình thành rất sớm. Từ những năm 1957-1959, thời kỳ cách mạng đen tối nhất, đồng chí Trần Văn Bỉnh “phá rào” không bị ảnh hưởng bởi Hiệp định hoà bình, tiến hành xây dựng phát triển lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, diệt ác phá tề, phá thế kềm kẹp của địch. Từ các tổ chống cướp do quần chúng tự phát tổ chức, đồng chí Trần Văn Bỉnh lãnh đạo tổ chức thành phong trào chống cướp trong phạm vi toàn tỉnh. Nhiệm vụ của các đội chống cướp là canh chừng giặc càn, biệt kích đánh vào xóm ấp báo tin cho cán bộ để tránh và khi cán bộ bị giặc bắt thì tổ chức giải thoát.

Tháng 8/1955, đồng chí Trần Văn Bỉnh được phân công làm thành viên Ban Lãnh đạo lớp tập huấn cán bộ quân sự theo sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ ở lại miền Nam hoạt động sau khi ta chuyển quân tập kết ra miền Bắc. Lực lượng của lớp tập huấn này thành lập đơn vị vũ trang “bảo vệ hoà bình”, đó là đơn vị tiền thân của các tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng - Ngô Văn Sở thành lập năm 1958, 1959 của tỉnh. Các đơn vị vũ trang của tỉnh ra đời là kết quả thực hiện tinh thần chỉ đạo của Xứ uỷ Nam Bộ tại cuộc hội nghị tháng 12/1956 “đấu tranh chính trị đơn thuần thì không được, đấu tranh vũ trang thì thời cơ chưa cho phép. Đấu tranh chính trị phải có vũ trang tự vệ, phải vũ trang tuyên truyền, phải diệt ác phá kềm, xây dựng lực lượng cách mạng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị có bạo lực nhằm lật đổ Mỹ Diệm, thống nhất nước nhà”.

Khi các đơn vị vũ trang hình thành, hoạt động với nhiều hình thức biến hoá khiến kẻ địch khó lường. Quân ta khi trang phục, trang bị thành lính bảo an, khi trang phục trang bị thành lính chủ lực, khi trang bị, trang phục thành lính thuỷ quân lục chiến… nên khi ta đột kích vào đồn bót, ấp chiến lược, khiến bọn giặc trở tay không kịp, với hàng trăm trận đánh như thế khiến quân thù hoang mang, khiếp sợ. Điển hình quân ta đột nhập vào tận sào huyệt đồn Vàm Đình hạ sát tên cảnh sát Tham gian ác, vào đồn Khánh Bình Tây tiêu diệt tên Sét trưởng đồn gây nhiều nợ máu với Nhân dân. Đặc biệt, có lần quân ta hoá trang thành sắc lính chủ lực và trói một đồng chí của ta để nằm trong chiếc xuồng chèo ra Vàm Cái Tàu kêu tên cảnh sát Danh ra nhận tù binh. Tên Danh dẫn 10 tên lính vừa ra đến bến, ta nổ súng tiêu diệt gọn. Quân ta xông lên chiếm đồn Cái Tàu, ta giải thoát một trại giam và quần chúng nổi dậy san bằng đồn bót, ấp chiến lược.

Lực lượng vũ trang diệt ác ôn, hạ uy thế địch, phá thế kềm kẹp quần chúng của bọn tề, của đồn bót, của ấp chiến lược và làm chỗ dựa đáng tin cậy của phong trào đấu tranh chính trị. Vào năm 1958, 1959, chính sách chống cộng, diệt cộng của Mỹ Diệm phản động đến đỉnh điểm bằng Luật 10/59 loại cộng sản ngoài vòng pháp luật. Trong tình thế khó khăn này, Tỉnh uỷ chủ trương xây dựng làng rừng, xây dựng nhiều làng rừng. Làng rừng là căn cứ cuối cùng của Đảng bộ và Nhân dân Cà Mau chiến đấu chống chế độ độc tài phát xít Mỹ Diệm. Việc xây dựng lực lượng vũ trang đánh địch và chủ trương xây dựng làng rừng là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Tỉnh uỷ Cà Mau, mà người đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Bỉnh.

Với tư cách Phó Bí thư liên Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Văn Bỉnh được Xứ uỷ Nam Bộ phân công truyền đạt Nghị quyết Trung ương 15 cho tỉnh Cà Mau và nhiều tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ thông suốt tinh thần: “Cho nổi dậy tấn công, dùng bạo lực cách mạng lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm…” và đồng chí chỉ đạo cuộc Đồng Khởi 1960 ở Cà Mau và ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, đập tan chế độ độc tài phát xít Mỹ Diệm ở nông thôn./.

Phạm Văn Tri

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.