Không giống như những lần gặp trước, lần này ông Nguyễn Văn Giỏi (Hai Giỏi), Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước TP Cà Mau, bắt đầu ký ức trong buồng giam Côn Ðảo bằng giọng không còn trong trẻo, nhưng khí tiết cách mạng của người cộng sản kiên trung vẫn còn cao ngất trong ông.
“Từ trong xà lim buồng giam bỗng có tiếng hét lớn:
- Ly khai không? Cai ngục hỏi.
- Tao là cộng sản! Một chiến sĩ cách mạng dốc sức trả lời.
Viên y tá ngay sau đó bơm mũi thuốc ra ngoài đất. Ðó lá mũi thuốc vực dậy sự sống nếu anh ấy đồng ý ly khai”.
Không giống như những lần gặp trước, lần này ông Nguyễn Văn Giỏi (Hai Giỏi), Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước TP Cà Mau, bắt đầu ký ức trong buồng giam Côn Ðảo bằng giọng không còn trong trẻo, nhưng khí tiết cách mạng của người cộng sản kiên trung vẫn còn cao ngất trong ông.
Cựu tù chính trị Côn Đảo Trương Văn Liền, Nguyễn Văn Giỏi (từ trái sang) đang ôn lại kỷ niệm của những tháng năm bị giam cầm nơi Côn Đảo. |
Ông Hai Giỏi xuất thân từ người lính biệt động, hoạt động cách mạng ở khu vực TP Sài Gòn. Bị địch bắt, sau nhiều lần tra khảo không thể khai thác được gì về cơ sở cách mạng, ông bị chúng chuyển ra Côn Ðảo, hòng đè bẹp ý chí cách mạng bằng các hình thức khổ sai. Nhưng chúng đã nhầm, chính những ngày tháng ở Côn Ðảo đã trui rèn thêm “chất thép” trong ông.
Ở đó, ông cùng những người đồng chí - bạn tù học được sự kiên nhẫn, gan dạ, luyện được ý chí thép của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Những trận roi đòn, bị bỏ đói hay tuyệt thực để phản đối cách hành xử, cai trị, đòi lại quyền con người… càng nung nấu thêm ý chí kiên định, tin tưởng cách mạng, tin tưởng ngày trở về phục vụ cách mạng từ “địa ngục trần gian”. Ðiều đó còn được thể hiện thông qua nhiều chuyến vượt ngục của anh em, đồng chí. “Trên biển, với những bè gỗ thô sơ sẵn sàng đương đầu với ải tử. Nhưng thà nuôi tia hy vọng được trở về đất liền, tiếp tục hoạt động cách mạng, nếu không may phải nằm lại giữa lòng biển bao la cũng còn hơn phải chịu cảnh nô dịch, tù đày. Chỉ còn một tia hy vọng là làm! Tất cả vì cách mạng”, ông nói như trút hết nỗi niềm tâm sự.
Nói đến những người tù Côn Ðảo, cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng từng viết: “Mỗi lần có người tù vượt ngục, được thả hoặc mãn hạn trở về, Nhà tù Côn Ðảo lại cống hiến cho đất nước những người chiến sĩ được thử thách và đào tạo, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên”. Ðọc lại những trang sách, hồi ký về Côn Ðảo, càng ngẫm, càng thấy xót xa, thán phục. Trong thời gian 100 năm khởi dựng nhà tù (từ thực dân Pháp đô hộ đến đế quốc Mỹ cai trị và giải phóng Côn Ðảo 1975), nơi đây đã có khoảng 20.000 người con đất Việt - những người yêu nước kiên trung, chống lại ách đô hộ, cai trị, xâm lược của thực dân, đế quốc thuộc nhiều thế hệ bị giam cầm, hy sinh. Sau ngày giải phóng đất nước 1975, sự thật phơi bày đã khiến cả thế giới bàng hoàng, sửng sốt.
40 năm đi qua, nhưng khi có ai hỏi lại về chuỗi ngày nơi địa ngục trần gian - Côn Ðảo của mình, ông Trần Ngọc Lành (Ba Lành) mắt như sáng lại. “Tôi nhớ trước ngày 30/4/1975, bọn cai quản trại giam đã có sẵn ý định thủ tiêu tù nhân. Do vậy, ngay sau khi khí thế cách mạng được bùng lên như ngọn lửa thì anh em chúng tôi ngoài ấy cũng bẻ khoá buồng giam vùng lên. Ðến khi cách mạng làm chủ hoàn toàn ở khu vực Côn Ðảo, anh em đã bố trí tìm đồng đội khắp các trại, buồng. Khi đó, phát hiện rất nhiều người đã bị vùi ngập thân mình trong cát hoặc chỉ còn đầu nhô lên. Chứng kiến cảnh tượng ấy mà không nén được xót xa! Tôi may mắn hơn nhiều anh em, đồng chí khác được tiếp tục sống và cống hiến cho cách mạng sau ngày giải phóng. Trên chuyến tàu rẽ sóng Côn Ðảo trở lại đất liền, chạm chân lên bến Ninh Kiều (Cần Thơ), tôi cũng như trong số nhiều đồng chí tù chính trị - Côn Ðảo khi ấy nghĩ mình như vừa được tái sinh”, ông Ba Lành hồi tưởng.
Cũng như những người cộng sản khác, thời thanh niên, ông Ba Lành (quê ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) xung phong lên đường làm nhiệm vụ cách mạng thiêng liêng. Câu nói bất hủ của Anh hùng Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể là con đường nào khác” một thời đã soi đường dẫn lối chàng thanh niên Ba Lành khi ấy và những người con ưu tú của quê hương Cà Mau cùng cả nước vùng lên. Ngày bị địch bắt, ông Ba Lành đang là thủ lĩnh thanh niên của xã Phong Lạc. Nhận mình là cộng sản, nhưng ông không hở môi khai báo dù bị treo đánh, đổ nước xà bông, trói dây thừng. Vì ông quá “cứng đầu”, bọn Mỹ - nguỵ giải người cộng sản trẻ tuổi về Côn Ðảo. Hơn 6 năm (1969-1975), nơi “địa ngục trần gian”, ông Ba Lành được tập thể chiến sĩ chung buồng giam tổ chức kết nạp vào Ðảng Lao động Việt Nam (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam). Từ đó, mọi hoạt động, nhiệm vụ được tổ chức tin tưởng phân công, ông đều hoàn thành.
Côn Ðảo giải phóng, ông cùng đồng chí, đồng đội của mình vượt trùng dương bước qua “ải tử” trở về tiếp tục là hạt nhân của các phong trào cách mạng trong kiến thiết và xây dựng Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Trầm Nghĩ