ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-10-24 12:35:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Niềm vui nhỏ của nghề bảo mẫu

Báo Cà Mau Tại các cơ sở giáo dục dành cho trẻ mầm non, mẫu giáo, ngoài các cô giáo làm nhiệm vụ chính còn có các cô bảo mẫu cũng tham gia việc chăm sóc trẻ.

Dù không trực tiếp đứng lớp, nhưng đều đặn các ngày trong tuần, các cô bảo mẫu có mặt tại trường lúc 5 giờ sáng và kết thúc công việc khi chiều muộn. Các cô không chỉ là người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ, biết tính tình, thói quen của từng em, mà còn đảm nhiệm rất nhiều công việc không tên khác...

Và dẫu có những khó khăn, vất vả khó diễn tả bằng lời, nhưng lòng yêu nghề, mến trẻ chính là động lực để các cô gắn bó; còn có những cái ôm ấm áp, những nụ cười, ánh mắt trẻ thơ, những câu nói yêu thương và sự hỏi han, quan tâm của những thiên thần nhỏ... đã giúp các cô quên đi những phút giây mệt mỏi của công việc được ví von là “bà mẹ đông con”.

Ít ai biết rằng, thu nhập của một bảo mẫu khá thấp, phần lớn họ gắn bó với công việc này chỉ vì yêu trẻ. Trong khi, trẻ ở lớp bán trú thực sự rất cần cô bảo mẫu, vì cô là người hỗ trợ các giáo viên trong việc nuôi trẻ.

8 năm công tác tại Trường Mầm non Búp Sen Hồng (Phường 8, TP Cà Mau), cô bảo mẫu Hồ Kiều Huệ vẫn trọn tình yêu với nghề. Cô vui khi các bé thủ thỉ: “Cô ơi! Con thích những món ăn ở trường”, hay “Cô nấu món trứng chiên thịt bằm ngon quá, con thích lắm”...

Trường Mầm non Búp Sen Hồng (Phường 8, TP Cà Mau) có 340 trẻ, độ tuổi từ 1-6. Trường có 5 bảo mẫu hỗ trợ các cô giáo trong mọi hoạt động, ân cần chăm sóc trẻ bằng một trái tim yêu thương, sự bao dung và nhẫn nại.

Cô Nguyễn Ngọc Ảnh (Nhóm trẻ Ánh Minh, Phường 6, TP Cà Mau) chia sẻ: “Niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề bảo mẫu đơn giản lắm, đó là các con khoẻ mạnh, chăm ngoan và thích đi học... Có lúc cha mẹ đến đón về, các con cứ ôm lấy cô không muốn rời”.

Không quá tất bật như các cô bảo mẫu ở trường mầm non, nhưng công việc của các cô bảo mẫu ở các nhóm trẻ cũng chẳng nhàn hạ vì phải chăm lo từng li, từng tí cho các bé từ 13 tháng đến 4 tuổi. (Trong ảnh: Cô Trần Thị Ngoan (Nhóm trẻ Ánh Minh, Phường 6, TP Cà Mau) ân cần chải tóc và kể chuyện cho bé nghe).

 

Băng Thanh thực hiện

 

Dấu ấn thanh niên Cà Mau

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Cà Mau đã thực hiện đạt và vượt 11/11 chỉ tiêu Nghị quyết đại hội. Trong đó, có những kết quả nổi bật, tiêu biểu như: 300 công trình, phần việc thanh niên; vận động các nguồn lực hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 với tổng trị giá 9 tỷ đồng; trao tặng 27.860 bồn chứa nước sạch hợp vệ sinh, 500 thùng nước lọc, 33.192 khối nước, tiền mặt cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong đợt hạn hán; trồng hơn 1 tỷ cây xanh bảo vệ rừng phòng hộ, phòng chống sạt lở; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho 91.017 thanh niên; giới thiệu việc làm cho 28.500 thanh niên và đào tạo nghề cho hơn 8 ngàn thanh niên; vận động thanh niên tình nguyện hiến trên 26 ngàn đơn vị máu, thu hút hơn 50 ngàn đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia.

Góc xanh trường học

Mang cây xanh vào trường học để tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện... là phong trào đang được nhân rộng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cách làm này vừa tạo mỹ quan, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhịp sống trên đồng

Những ngày này, khi mực nước trên đồng dâng cao là lúc người dân được “lộc trời ban” để cải thiện thu nhập lúc nhàn rỗi, với các nghề như: đẩy côn, nhổ bông súng, nhổ năn, nhổ hẹ nước, giăng lưới... Cá đồng, rau đồng cho bà con thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày.

Vật nuôi giảm nghèo

Hộ nghèo đa phần không có hoặc ít đất sản xuất, hạn chế nguồn vốn tích luỹ, thế nên những loài vật nuôi như: ếch, lươn, rắn ri tượng, gà nòi lai, bò... được xem là lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, góp phần giúp hộ nghèo cải thiện đời sống.

Nhộn nhịp Cảng cá Sông Ðốc

Cảng cá Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) đi vào hoạt động năm 2010, cầu cảng dài 200 m, năng lực tiếp nhận bốc dỡ thuỷ sản cùng lúc khoảng 8 tàu, sản lượng thuỷ sản 45 ngàn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu bốc xếp, lên xuống hàng hoá, thuỷ sản.

Những đôi tay tài hoa

Trách nhiệm, cộng với sự khéo léo, từ đôi bàn tay người lao động chân chính làm những ngành nghề thủ công, đến người thực hiện công việc chuyên môn cao... tất cả đã tạo nên những gam màu tương sáng trong cuộc sống.

Thư giãn giữa lòng thành phố

Công viên Văn hoá Hùng Vương và Hồng Bàng toạ lạc ngay trung tâm TP Cà Mau, từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự bình yên và nhịp sống nhẹ nhàng của người dân nơi đây.

Nhộn nhịp mùa cấy

Hiện nay, trên cánh đồng một số xã thuộc các huyện: U Minh, Thới Bình, Cái Nước nhộn nhịp vào mùa cấy lúa trên đất nuôi tôm. Từ hiệu quả mang lại sau nhiều năm thực hiện mô hình, cùng với giá lúa, giá tôm tăng trở lại, giúp bà con có thêm động lực khi bắt tay thực hiện vụ mùa mới.

Lò bánh tất bật mùa Trung thu

Còn khoảng một tuần là đến tết Trung thu, thời điểm này các lò bánh trong tỉnh, nhiều nhất là ở Phường 4, TP Cà Mau, đang tất bật sản xuất bánh phục vụ cao điểm thị trường tiêu dùng tết Trung thu năm nay.

Chợ trên sông

Đó là các ghe, xuồng, vỏ lãi chở các mặt hàng nhu yếu phẩm, gia dụng, thực phẩm, rau củ quả, cũng có khi là hàng thủ công, hoa kiểng, dao rèn... cứ xuôi theo con nước lớn, ròng qua từng kênh, rạch.