Tại phiên họp lần thứ 5 của Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục Quốc hội, các bộ, ngành đã thống nhất trình Chính phủ về việc tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Ðây là sự mong mỏi lớn của các thầy cô giáo cũng như là một tin vui cho ngành giáo dục nếu như đề xuất này được thông qua.
Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và tiểu học là 5%, đồng thời, xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại là 2 thông tin nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình của các thầy cô giáo, phụ huynh cũng như quản lý ngành giáo dục. Bởi lẽ, với sự cống hiến miệt mài cho sự nghiệp ươm mầm, "trồng người", thì đây là cách thức tiếp thêm động lực cho giáo viên của 2 bậc học này giữ lửa với nghề.
Tăng phụ cấp để cải thiện đời sống giáo viên
Cô Trần Út Ðẹp (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Duyệt, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi) cho biết, do là cấp học đầu tiên nên mọi hoạt động, kỹ năng sống của các em chưa có, giáo viên phải có trách nhiệm uốn nắn, quản lý, quan tâm chăm sóc các em nhiều hơn những cấp học khác. Mặc dù thời gian gần đây nghề giáo viên nhận được sự quan tâm nhiều hơn và mức lương được cải thiện, tuy nhiên, so với cường độ công việc và thời gian bỏ ra, giáo viên tiểu học vẫn chưa thực sự có nhiều ưu đãi. Mức thu nhập chưa cao, không đủ trang trải cuộc sống, nhất là những giáo viên mới ra trường, dẫn đến tình trạng bỏ việc.
“Trong năm vừa qua, đã có trường hợp cô giáo phải nghỉ việc vì lương không đủ sống. Chưa kể, những trường hợp thầy cô có gia đình, là trụ cột kinh tế, nuôi con ăn học thì gánh nặng ấy càng lớn hơn”, cô Ðẹp trần tình.
Trong 30 biên chế tại Trường Tiểu học Tân Duyệt, vị trí kế toán, quản lý thư viện... không có phụ cấp gì thêm, lương thì trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
Công tác tại trường trên 20 năm, mức lương hiện nay của thầy Diệp Minh Phốn được xem tạm đủ trang trải cuộc sống, tuy nhiên, đó là mức của một giáo viên có thâm niên.
“Ðối với người mới ra trường thu nhập vẫn còn rất thấp. Chương trình giáo dục mới bây giờ đòi hỏi giáo viên đầu tư rất nhiều, về chuyên môn, đồ dùng dạy học... Ðặc thù của giáo viên tiểu học là dạy nhiều môn nên thời gian dành cho gia đình hoặc làm thêm những công việc phụ rất ít. Vì thế, khi nghe thông tin về tăng phụ cấp, giáo viên đều rất trông chờ và vui mừng, mặc dù không nhiều, nhưng cũng góp phần giúp thầy cô cải thiện cuộc sống”, thầy Phốn bày tỏ.
Với chương trình giáo dục mới, yêu cầu giáo viên tiểu học phải đầu tư thời gian và không ngừng trau dồi chuyên môn. (Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi).
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với lòng yêu nghề, thầy cô tại trường luôn nỗ lực, đặt trọn tâm huyết thực hiện tốt chức trách của một nhà giáo. Với sự nhiệt huyết đó, thời gian qua học sinh của trường không có trường hợp bỏ học.
Nhọc nhằn những công việc không tên
Ðối với giáo viên mầm non, ngoài việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ thì còn nhiều công việc không tên khác mà ít ai biết đến. Theo quy định về trường mầm non, một ngày giáo viên sẽ làm việc 8 tiếng, nhưng trên thực tế với khối lượng công việc nhiều, kéo theo thời gian làm việc liên tục, có thể lên đến 10-11 tiếng/ngày.
Tại Trường Mầm non Tân Duyệt (xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi) một ngày của các cô giáo bắt đầu từ 6 giờ 30 phút, đồng nghĩa với việc các cô phải dậy từ sớm chu toàn công việc gia đình để đến trường đúng giờ. Có những trẻ phụ huynh phải đưa đón bằng xuồng, ghe hoặc những trường hợp phụ huynh đi làm xa về trễ các cô vẫn phải ngồi chờ lúc tan trường.
Các cô giáo tại Trường Mầm non Tân Duyệt ân cần chỉ dạy cho các cháu nhỏ những bài học đầu đời.
Cô Trà Kiều Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Duyệt, cho biết: “Ngoài việc chăm sóc trẻ, các cô còn phải quan sát những trường hợp các cháu biếng ăn, hiếu động, hoặc các cháu khuyết tật. Bên cạnh đó, những rủi ro trong nghề, như trẻ bị các bệnh đậu mùa, đau mắt đỏ, tay - chân - miệng... thì nguy cơ lây lan, thậm chí các cô lây bệnh trực tiếp cho người thân trong gia đình mình là rất cao”.
Theo cô Hoa, mặc dù luôn theo sát, không được lơ là, nhưng trong quá trình trẻ đùa nghịch với nhau không thể tránh khỏi vết trầy xước. Lúc đó, người đầu tiên chịu sự hoài nghi chính là cô giáo.
Cô Hoa chia sẻ: “Mặc dù mức lương cơ sở có tăng nhưng so với giá cả, mức sống hiện nay thì thu nhập vẫn chưa đảm bảo trang trải cuộc sống, nhất là các cô có gia đình, chưa kể những giáo viên ở điểm lẻ. Chính vì lý do về thu nhập, thời gian qua mặc dù ban giám hiệu hết sức động viên, đã có 3 cô giáo xin nghỉ việc”.
Hiện tại, giáo viên bậc học mầm non mới ra trường, với trình độ đại học, lương và phụ cấp dao động từ 4 triệu/tháng, còn giáo viên có thâm niên từ 6-8 triệu đồng, mức lương này được xem là thấp so với tính chất và cường độ làm việc.
Bên cạnh việc tăng 10% phụ cấp ưu đãi, khi được xem xét đưa vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu sẽ thấp hơn.
“Tôi mong muốn 2 đề xuất này sẽ sớm được thông qua trong năm 2024. Khi nghe được thông tin trong cuộc họp trực tuyến của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, giáo viên rất phấn khởi vì bản thân giáo viên cũng cảm nhận được công sức mình bỏ ra là xứng đáng và hạn chế được tình trạng giáo viên bỏ nghề. Riêng đối với nhà trường, hơn ai hết chúng tôi hiểu được các cô đều rất yêu nghề. Có những cô dù tuổi đã cao, sức khoẻ không tốt nhưng vẫn muốn gắn bó với nghề, đến khi không thể nào còn đi dạy được nữa”, Cô Hoa bộc bạch./.
Hữu Nghĩa