(CMO) Chùa Quang Hoà trước đây nằm ở ven sông Gành Hào, thuộc ấp Hoà Trung, xã Hoà Thành, TP Cà Mau. Từ khi được dời lên phía trên con lộ vào năm 1993, chùa vẫn được dựng lại bằng cây gỗ tạp, nhờ người dân nơi đây mà được xây cất khang trang hơn. Mang ân tình của bà con địa phương, nên nhiều phật tử cùng nhau góp sức xây dựng nên phòng thuốc nam từ thiện để giúp mọi người chữa bệnh.
Phòng thuốc nhỏ, người làm ít nên chùa vận động thêm nhiều hộ sinh sống quanh vùng kiếm từng vị thuốc để chữa bệnh cho người dân. Thầy Thích Thông Minh, trụ trì chùa Quang Hoà, vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gắn bó với ngôi chùa, mà theo thầy gọi là ngôi chùa “nghèo nhất xứ Cà Mau”.
Các cô trong nhóm chặt thuốc luôn tìm thấy niềm vui khi góp một phần công sức cho phòng thuốc nam. |
Thầy Thích Thông Minh trần tình: “Quê tôi ở Bạc Liêu nhưng có lẽ vì nghiệp duyên mà tôi gắn bó với ngôi chùa này trên 20 năm qua. Lúc mới về đây tiếp quản, chùa chỉ là một căn nhà nhỏ được dựng bằng cây gỗ, đường sá, điện thắp sáng không có. Đi đâu cũng phải lội bộ, cực nhất vẫn là lúc đi chặt thuốc vào mùa mưa. Khó khăn trăm bề nhưng chúng tôi cùng nhiều phật tử thấy vui vì được góp phần chăm sóc sức khoẻ người dân nơi đây - những người đã giúp đỡ để ngôi chùa có được như ngày hôm nay”.
Sau nhiều năm gầy dựng, tôn tạo, đến năm 2003 ngôi chùa mới được xây cất thêm nhiều hạng mục công trình kiên cố. Từ đó, phòng thuốc nam từ thiện cũng mở rộng và có điều kiện phục vụ nhiều người hơn. Cũng từ cái duyên lành mà bà Trương Thị Út (Diệu Bình), người hiến đất xây cất chùa, quyết định xuất gia và gắn bó với ngôi chùa để góp sức cho phòng thuốc giúp đỡ bà con nghèo chữa bệnh.
Bà Út tâm sự: “Hiện tại, tôi sống với người em sinh đôi tại chùa. Trước đây hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên 2 chị em tôi muốn giúp đỡ mọi người. Từ khi góp sức với phòng thuốc nam từ thiện, tôi thấy tâm mình an yên hơn, sống vui vẻ hơn. Hiện tại phòng thuốc nam tại chùa đã có trên 60 vị thuốc nam thông dụng. Nhờ quý phật tử, bà con quanh đây mà lượng thuốc nam tại chùa đủ để phục vụ chữa bệnh cho bà con”.
Gắn bó với phòng thuốc nam từ khi mới thành lập, 72 tuổi, bà Ngô Thị Hường, ở ấp Hoà Nam, xã Hoà Trung vẫn hết lòng góp sức, thiện tâm giúp đời, giúp người. Bà Hường bộc bạch: “Tuổi già nên tôi mong muốn tìm kiếm một nơi thanh tịnh để giúp đỡ mọi người. Kiếm thuốc, chặt thuốc là việc bình thường nhưng thấy người bệnh được khoẻ mạnh là bản thân mình an vui. Nhóm chặt thuốc của chúng tôi có 4 người nên phải đi nhiều mới đủ thuốc, có lúc đi tới huyện Đầm Dơi, nơi nào có thuốc là chúng tôi tìm đến”.
Mỗi vị thuốc là mỗi tấm lòng giúp đỡ người bệnh. |
Không quản đường xa, phải lặn lội từng vùng quê mới có thể tìm được những vị thuốc nam, không chỉ vậy, các thành viên của phòng thuốc còn đóng góp tiền, gạo cho những hoàn cảnh khó khăn đến đây khám bệnh.
Bà Hường chia sẻ: “Tôi nghĩ không phải cứ làm chuyện gì to lớn mới nhận được hạnh phúc. Mỗi hành động đẹp dù nhỏ nhưng xuất phát từ tấm lòng thì tự khắc sẽ thấy hạnh phúc. Mặc dù tôi đã hơn 70 tuổi nhưng sức khoẻ vẫn ổn, có thể kiếm thuốc, chặt thuốc. Mỗi ngày còn cùng con cháu làm những điều thiện là tôi thấy an vui rồi”.
Nào là cỏ xước, mần trầu, nhãn lồng, ngũ trảo, cam thảo đất…, mỗi vị thuốc luôn đậm tình của người thiện nguyện. Những thang thuốc nam tại chùa không chỉ có công dụng chữa bệnh mà còn đong đầy tình yêu thương giữa người nhận và người cho./.
My Hằng