Ban An toàn giao thông xã chưa có người chuyên trách, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách của UBND xã. 30% số tiền được trích giữ lại từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT là quá ít ỏi, tuần tra kiểm soát giao thông còn giới hạn... là những khó khăn đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT ở xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi.
Ban An toàn giao thông (ATGT) xã chưa có người chuyên trách, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách của UBND xã. 30% số tiền được trích giữ lại từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT là quá ít ỏi, tuần tra kiểm soát (TTKS) giao thông còn giới hạn... là những khó khăn đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT ở xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi.
Tuy vậy, từ nỗ lực của các lực lượng phối hợp công tác TTKS và sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, thời gian qua trên địa bàn xã chưa có tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra.
"Những tháng đầu năm nay, Công an xã tăng cường TTKS đã phát hiện trên 50 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự ATGT, đồng thời vận động Nhân dân phát quang bụi rậm trên đường bộ và tự tháo dỡ chướng ngại vật trên sông… nên TNGT và va chạm giao thông tiếp tục được kiềm chế, không xảy ra vụ nào”, ông Thiều Minh Xuyên, Phó Ban Thường trực Ban ATGT xã Ngọc Chánh, thông tin.
Thường xuyên kiểm tra, vận động người dân giữ gìn trật tự hành lang lộ giới. |
Theo ông Xuyên, xã Ngọc Chánh hiện có 2 tuyến đường ô-tô đấu nối về trung tâm xã. Tuyến Thanh Tùng đi qua địa bàn xã dài trên 8 km, thuộc 4 ấp: Nam Chánh, Hiệp Hoà, Hiệp Hoà Tây và Tân Hùng. Tuyến đường này đấu nối với tuyến lộ bê-tông chiều dài khoảng 3,7 km vào trung tâm xã nhưng lộ bê-tông có đoạn bị sụp lún do sạt lở đất. Tuyến đường ô-tô về xã Tân Duyệt (đấu nối khoảng 300 m về trung tâm xã Ngọc Chánh) là tuyến đường về trung tâm xã.
Dọc trên các tuyến đường ô-tô về trung tâm xã có trên 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu là nuôi thuỷ sản nhưng cũng tranh thủ kinh doanh quán xá, chợ búa dọc theo mặt đường, nên từng lúc hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm.
Bên cạnh đó, các tuyến này đường do huyện quản lý mà trước giờ huyện chưa cặm mốc quy định giới hạn hành lang an toàn… nên xã phải thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con bày bán hàng hoá nền nếp để đảm bảo trật tự ATGT.
Mới đây (đầu tháng 7/2016), Ban ATGT huyện kết hợp với xã làm việc với các hộ dân cất nhà, quán… trên hành lang an toàn tuyến đường ô-tô về trung tâm xã Thanh Tùng (trong đó có đoạn qua địa bàn xã Ngọc Chánh) để tuyên truyền vận động, chỉ định hành lang an toàn đường bộ và tiến hành cắm mốc lộ giới.
Khi đã có mốc lộ giới sẽ thuận lợi hơn cho địa phương vì có cơ sở để căn cứ xử phạt vi phạm hành chính, trước tiên là buộc các hộ kinh doanh phải cam kết đảm bảo trật tự ATGT, ông Xuyên thông tin.
Sau 10 năm thành lập (tách ra từ xã Thanh Tùng vào năm 2006), Ngọc Chánh đã từng bước xây dựng và hoàn thiện bê-tông hoá trên 40 km lộ giao thông nông thôn (GTNT), cơ bản kết nối những trục lộ chính đi qua 7 ấp với trung tâm xã.
Tuy nhiên, nhu cầu phát triển GTNT mở rộng các nhánh trên địa bàn xã là trên 110 km. Và, thực hiện theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã, mỗi năm Ngọc Chánh sẽ nỗ lực xây dựng từ 5-10 km lộ GTNT, phấn đấu đến năm 2018 Ngọc Chánh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, xã đã vận động Nhân dân san lấp đất đen để khi có vốn hỗ trợ của Nhà nước là bắt tay vào nâng cấp bê-tông hoá ngay. Phát triển GTNT ở Ngọc Chánh vẫn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, và do nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn giới hạn, nên xã cơ bản là phủ lộ bê-tông theo tỷ lệ phần trăm, còn theo chuẩn quy cách lộ 2,5 m thì chưa đảm bảo, ông Xuyên tâm tình.
Xây dựng song hành với giữ gìn, thời gian qua, Ban ATGT xã đã vận động Nhân dân đắp bờ ven lộ, trồng cây tạo mỹ quan cũng vừa là hạn chế sạt lở đất ven lộ, thường xuyên sửa chữa những đoạn lộ hư hỏng, xuống cấp… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, lồng ghép với hội nghị các ban, ngành, sinh hoạt của tổ chức đoàn thể, trường học… Từ đó, nhận thức trong Nhân dân về đảm bảo trật tự ATGT từng bước được nâng lên.
Theo ông Võ Dũng Sĩ, Phó Trưởng Công an xã Ngọc Chánh, đảm bảo ATGT phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tăng cường TTKS cũng là một giải pháp quan trọng, nhưng khó khăn là kinh phí hỗ trợ lực lượng TTKS quá thấp. Tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT chẳng đáng là bao nhưng xã phải nộp về trên 70%. Mặt khác, quyền hạn của công an xã chỉ xử phạt được những vấn đề cụ thể như: không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định. Còn trường hợp chạy quá tốc độ, không mang theo giấy tờ xe… xã không có quyền dừng xe kiểm tra (chỉ có thể kiểm tra kép khi phát hiện người điều khiển không đội nón bảo hiểm, chở quá số người quy định).
"Ngoài nỗ lực của địa phương, Ngọc Chánh cần có sự hỗ trợ của Cảnh sát giao thông huyện trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới", ông Xuyên kiến nghị./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha