ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 23:29:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗ lực tìm hạnh phúc

Báo Cà Mau (CMO) “Bản lĩnh quyết định thành công” - không phải là cụm từ hoa mỹ chỉ dành riêng cho nữ chính trị gia hay nữ doanh nhân thành đạt. Tôi đã gặp những người mà tôi nghĩ câu chuyện cuộc đời và bản lĩnh của họ đủ để truyền cảm hứng. Họ là những người phụ nữ tuy khiếm khuyết về thể chất nhưng đủ nghị lực để không sống như thân chùm gửi.

Lớp học đặc biệt

Đặc biệt vì đó là lớp học của cô giáo khuyết tật và những trẻ khiếm thính. Trong phòng lớp 3 có chừng 10 học sinh (độ tuổi không đều nhau), mỗi bạn nhỏ một nét tươi sáng hồn nhiên bên cô giáo. Nhìn Phan Thị Tú Trinh tận tuỵ bên các em nhỏ, thấy cô đầy bản lĩnh, bởi chỉ khi vượt lên được bản thân mới đủ tự tin đứng trên bục giảng.

Cô Phan Thị Tú Trinh và những học sinh khiếm thính.

Trinh sinh ra đã bị tật bẩm sinh, chân trái nhỏ, ngắn hơn chân phải, bàn chân bị lật ngược. Năm học lớp 11, chân của Trinh được phẫu thuật can thiệp: Bàn chân trái quay lại bình thường nhưng hai chân vẫn so le. Từ đó đến nay, Trinh luôn mang loại giầy có thiết kế đặc biệt: Chiếc cao chiếc thấp.

Dù thân thể khiếm khuyết nhưng Trinh luôn ý thức tìm nghề tự nuôi thân, để không trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Mơ ước được làm giáo viên, dù có người từng khuyên: “Nghề giáo viên giống như “người mẫu”, chân em như thế sợ không xin việc được”, nhưng không nản chí, Trinh luôn phấn đấu học tập, hoà nhập, cô tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tại Cà Mau.

Trinh được đào tạo thêm chuyên môn giáo dục đặc biệt để dạy học cho trẻ khiếm thính ở Trung tâm Nhân Ái. “Mình thấy may mắn vì được dạy cho những trẻ cũng khiếm khuyết như mình. Ở môi trường này, mình được yêu thương, tôn trọng và thấy cuộc sống có ý nghĩa”, Trinh chia sẻ. “Mình dạy cho các em những từ mới, dạy kỹ năng sống để hoà nhập, ngược lại bản thân mình cũng học hỏi ở các em nhiều ký hiệu tự nhiên của trẻ khiếm thính”, Trinh bày tỏ. Công việc từ bỡ ngỡ đến quen dần và giờ thì Trinh đã nhiều năm gắn bó với lớp học của những trẻ ở môi trường giáo dục đặc biệt này.

Trẻ học ở Trung tâm Nhân Ái hầu hết ở nội trú, cô giáo ngoài việc giảng dạy, còn giống như người mẹ thứ hai, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho các em. “Mỗi em mỗi cảnh nhưng đều chung niềm bất hạnh là khó khăn trong giao tiếp với mọi người. Lễ, tết các em ít khi được đi chơi vì ba mẹ sợ con bị thiệt thòi. Mình luôn nghĩ rằng, mình là người khuyết tật nhưng dù sao vẫn còn may mắn hơn các em nên sẽ cố gắng hết sức để các em có thể hoà nhập tốt. Càng gần gũi mình càng thêm gắn bó và đồng cảm với trẻ”, Trinh nói về học trò của mình. Trinh luôn nỗ lực tìm hạnh phúc cho bản thân và trở thành người hữu ích - với những học trò khiếm thính của mình. 

Nỗ lực tìm hạnh phúc

Chị Nguyễn Thị Yến Ly sinh ra và lớn lên ở TP Cà Mau. Chị kể rằng, cơn sốt bại liệt từ nhỏ đã cướp đi đôi chân lành lặn của chị. Từ một đứa trẻ ngỡ như bất hạnh, chị Ly cố gắng tìm hướng sáng cho cuộc đời mình. 

Những năm học cấp hai, gia đình đưa chị lên Sài Gòn vừa điều trị vật lý trị liệu, vừa đi học chữ. Ở đấy, nhiều bạn cũng có hoàn cảnh giống như chị, có bạn thậm chí còn không có xương sống. Có bạn bị gia đình mang lên gửi rồi không bao giờ quay lại tìm con. Nhiều bạn vẫn rất lạc quan. Nhìn các bạn, chị thấy mình vẫn còn may mắn hơn họ rất nhiều. Ngoài điều trị, trung tâm cũng tạo điều kiện để trẻ khuyết tật hoà nhập với cộng đồng. 

Được sống trong môi trường thân thiện, chị dần mở lòng “bước ra” với xã hội. Hàng ngày, ngoài thời gian tập vật lý trị liệu, chị lại chống nạng gỗ cùng các bạn đến trường. Khoảng 4 năm ở Sài Gòn, chị trở về quê, đôi chân đã có thể tự bước đi. 

Để không trở thành gánh nặng cho người thân, chị quyết định nghỉ học, tìm nghề để tự mưu sinh. Chị bắt đầu tiếp cận nghề may từ người chị ruột. Khi lành nghề, chị trở lên Sài Gòn mở tiệm may để thử sức mình. Lúc đó với cô gái tuổi 20, có lẽ đi cũng là để tìm miền đất hứa cho mình. Nhưng sau khi mẹ mất, chị quay về, càng gắn bó hơn với quê hương. 

Thời gian ở Sài Gòn chị học thêm lớp thiết kế thời trang, chị tự mở cơ sở may riêng, may gia công quần áo thể thao, đồng phục học sinh, đồng phục công sở... Từ lúc chật vật tìm những đơn hàng đầu tiên đến nay chị đã mở rộng kinh doanh, có nguồn hợp đồng ổn định. “Có nhiều người đi đứng bình thường nhưng không chịu làm việc, tôi rất tiếc cho họ. Khách hàng làm ăn, họ không nhìn vào khuyết tật của tôi, mà tin vào uy tín và chất lượng sản phẩm làm ra”, chị Ly chia sẻ.

Phó chủ tịch Hội LHPN TP Cà Mau Lê Trúc Hương cho biết: “Năm 2017, cơ sở của chị Nguyễn Thị Yến Ly cần vốn để mở rộng kinh doanh, Hội  LHPN thành phố đã kết nối với ngân hàng chính sách giúp chị vay vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc”.

Khi cơ hội nghề nghiệp mở ra, cơ hội tình duyên cũng tìm đến với chị. Cả một thời thanh xuân, chị chưa dám nghĩ đến chuyện tình duyên. “Những người thể chất vẹn nguyên, yêu thương, lấy nhau còn không bền vững, khiếm khuyết như mình làm sao có thể tìm được tình yêu thật sự?”, chị kể về tâm trạng cũ. Nhưng khi gặp anh Dũng (chồng chị bây giờ), sự chăm sóc quan tâm chân thành đã khiến chị rung động trở lại: “Tôi chọn anh vì anh là người có đạo đức”. Họ có thời gian 4 năm để tìm hiểu nhau, đến 39 tuổi chị mới kết hôn. Chị bày tỏ: “Không hề muộn vì mình cần đủ lắng đọng để yêu thương”. Gia đình nhỏ thêm ấm cúng khi anh chị có đứa con trai kháu khỉnh. Hạnh phúc với chị tưởng chừng không thể, giờ đã trọn vẹn vòng tay. Thỉnh thoảng khoe trên Zalo bữa cơm chồng nấu hay món quà kỷ niệm của chồng, nhận những lời chúc mừng từ bạn bè đủ khiến chị ấm áp.

Trong câu chuyện của chị Ly, của Trinh, bản lĩnh vượt lên số phận đã chiến thắng hạn chế về thể chất. Để gặt được trái ngọt như hôm nay, họ đã vượt qua một quãng đường đầy chông gai. Họ đã không ngừng nỗ lực để tìm tương lai và hạnh phúc cho mình./.

Trúc Thi

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.