Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả mà nó để lại, đặc biệt là hệ luỵ của chất độc da cam vẫn đang hiện hữu từng ngày. Hơn 10 năm thành lập, với tấm lòng và trách nhiệm, cán bộ các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh đi đến từng nhà nạn nhân trên địa bàn tìm hiểu đời sống, bệnh tật để có kế hoạch vận động tài trợ cho nạn nhân, qua đó động viên tinh thần, giúp họ vượt qua nỗi đau.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả mà nó để lại, đặc biệt là hệ luỵ của chất độc da cam vẫn đang hiện hữu từng ngày. Hơn 10 năm thành lập, với tấm lòng và trách nhiệm, cán bộ các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh đi đến từng nhà nạn nhân trên địa bàn tìm hiểu đời sống, bệnh tật để có kế hoạch vận động tài trợ cho nạn nhân, qua đó động viên tinh thần, giúp họ vượt qua nỗi đau.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Cà Mau Nguyễn Xuân Hùng cho biết: "Trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1961-1971, Mỹ - nguỵ đã rải chất độc hoá học hầu hết các vị trí trong tỉnh, làm cho chiến sĩ và đồng bào ta bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ và phát sinh nhiều bệnh tật dai dẳng đến nay".
Nhờ được hỗ trợ vốn, chị Nguyễn Thị Yến, ấp 5, xã Thới Bình, huyện Thới Bình là nạn nhân da cam, có thể tự mưu sinh bằng nghề mua bán nhỏ. |
Qua điều tra ban đầu, có khoảng 17.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực giải quyết chế độ chính sách cho 6.314 người có công, trong đó người hoạt động kháng chiến 3.799, con đẻ của người hoạt động kháng chiến 2.415; đối tượng bảo trợ xã hội là nhóm khuyết tật nặng 2.915 người (trong số 10.987 người khuyết tật). Hiện còn khoảng 8.000 đối tượng chưa được hưởng, mà đa số nạn nhân hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của xã hội như: y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, thông tin… cùng với đặc thù bệnh tật khó trị nên dễ rơi vào hộ nghèo.
Hiện tỉnh còn 301 đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, đang xem xét và tích cực giải quyết bảo trợ xã hội đối với những nạn nhân đủ điều kiện (khả năng suy giảm lao động 61%). Qua rà soát có 434 cháu, 36 chắt của người hoạt động kháng chiến đang gặp khó khăn trong cuộc sống và bệnh tật. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, những nạn nhân này chưa được hưởng chính sách, đa số khó khăn về cuộc sống, cư trú ở vùng sâu, việc tiếp cận các chính sách hạn chế và điều kiện, thủ tục hưởng chính sách cũng còn bất cập, khó khăn.
Hiện 9/9 huyện, thành phố và 101/101 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tổ chức hội, số hội viên phát triển ngày càng tăng (6.410 hội viên). Công tác vận động trợ giúp nạn nhân được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các ngành, các cấp nên từ khi thành lập đến nay, hội nạn nhân chất độc da cam các cấp đã vận động được trên 51 tỷ đồng, gồm vật chất và tiền mặt, qua đó đã xây dựng cho nạn nhân da cam được 336 căn nhà, sửa chữa 62 căn, hỗ trợ 2.161 xe lăn, xe lắc, 17 cây cầu, hỗ trợ sản xuất cho 250 nạn nhân và 86.000 suất quà các loại (quà, khám chữa bệnh miễn phí, mổ mắt, học bổng, khoan giếng nước…), góp phần giúp nạn nhân khắc phục khó khăn trong cuộc sống và vươn lên.
Mặc dù chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân da cam rất được quan tâm như người có công, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm… nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn hạn chế. Công tác vận động trợ giúp cũng khó khăn, thiếu chủ động vì mỗi lần vận động phải xin chủ trương (nên có khi không kịp thời và mất cơ hội). Ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm: "Chúng tôi nhiều lần kiến nghị việc vận động giúp đỡ nạn nhân phải có quy định như việc vận động Quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa hoặc tỉnh tiến hành vận động chung, sau đó phân bổ cho các quỹ"./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng