(CMO) Năm nay, tính đến ngày 16/8, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, con số này gióng lên hồi chuông đối với công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em. Sự vào cuộc của ngành chức năng sẽ không đủ nếu thiếu tính chủ động của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, trang bị kỹ năng bơi lội cho con em mình.
Những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em thời gian qua đã trở thành nỗi đau, nỗi ám ảnh không chỉ cho chính gia đình, người thân các em mà đây còn là nỗi đau chung của toàn xã hội. Mới đây nhất, vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời khiến người dân địa phương không khỏi bàng hoàng.
Lớp dạy bơi miễn phí giúp các em thiếu nhi ở huyện Trần Văn Thời có thêm kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước. Ảnh: Anh Quốc |
Vào khoảng 18 giờ ngày 10/8, em N.V.U, 13 tuổi, cùng các bạn gần nhà đến chơi tại nơi neo đậu ghe cát của người dân trong xóm. Đến tối không thấy con về, gia đình tổ chức đi tìm thì chỉ thấy đôi dép U rơi xuống sông cách nơi em chơi hơn 500 m, mãi sau 4 ngày gia đình mới tìm được thi thể của em.
Chỉ hơn 1 tháng (từ ngày 20/5-30/6), trên địa bàn huyện Ngọc Hiển liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm và gia đình vĩnh viễn mất con. Bé N. N. T, 5 tuổi (xã Đất Mới) và bé D. V. K, 3 tuổi (xã Viên An Đông), sau khi đi chơi các em đi mãi không về.
Có thể thấy, nguyên nhân chính của những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em đang ở lứa tuổi hiếu động, tò mò, trong khi đó không ít các bậc cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ lại chủ quan, lơ là, thiếu kiểm soát để các em tự do chơi, tắm sông mà không có sự giám sát. Bên cạnh đó, Cà Mau có đặc trưng là vùng sông nước với ao, hồ, kênh, rạch chằng chịt trong khi trẻ em lại thiếu kỹ năng an toàn dưới nước để có thể kịp thời xử lý tình huống khi xảy ra sự cố. Để bảo vệ con em mình khỏi những nguy cơ đuối nước, gia đình phải bảo vệ an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về bơi lội tại các sông, hồ; những kiến thức về nguy cơ có thể xảy ra khi trẻ đến vui chơi, bơi lội khi không có người lớn bên cạnh. Đồng thời, tạo điều kiện để trẻ học bơi nâng cao sức khoẻ và ứng phó tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…
Theo Trưởng phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Cà Mau Bùi Lệ Oanh, cùng với công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục về các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, hỗ trợ tập bơi dạy các em kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các trường học cần linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp. Đặc biệt là trang bị những kỹ năng phòng tránh đuối nước cho học sinh. Trên hết, mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần nêu cao tinh thần tự giác, quản lý, chăm sóc con em mình.
Nỗi đau sau những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em sẽ còn mãi dai dẳng không chỉ trong chính gia đình các em, mà đó còn là nỗi lo của toàn xã hội. Việc trang bị các kỹ năng về phòng, chống đuối nước và tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên tai nạn đuối nước./.
Thanh Phương