ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 23-4-25 16:49:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi lòng ngư dân xã bãi ngang

Báo Cà Mau (CMO) Xã bãi ngang Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân có tất cả 14 ấp, trong đó có đến 5 ấp đặc biệt khó khăn là Gò Công, Gò Công Đông, Xẻo Sâu, Cái Đôi Nhỏ và Cái Đôi Nhỏ A. Những ấp đặc biệt khó khăn chủ yếu là thiếu đất sản xuất hoặc có cũng chẳng được bao nhiêu. Trong những ấp đặc biệt khó khăn có 2 ấp khó khăn nhất là ấp Xẻo Sâu và Gò Công Đông.

Anh Lữ Hoàng Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: "Tuy chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nhưng theo thống kê, toàn xã chỉ có 50 tàu công suất từ 20-90 CV, 2 tàu dưới 20 CV, còn lại là những phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ chỉ hoạt động trong bờ. Phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ, không đất sản xuất nên đời sống bà con nơi đây còn rất bấp bênh”.

Bấp bênh nghề biển

“Nghề nào cũng có cái khổ của nghề đó. Riêng nghề biển, không chỉ có sự vất vả của người đi biển mà còn có cả sự lo lắng khôn nguôi của người ở nhà, nhất là lúc gió chướng về. Nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn, tàu bè thì ngày càng xuống cấp, nhưng người dân ở xóm Đáy vẫn nặng lòng với biển, bởi lẽ nếu không làm biển thì họ cũng không biết làm gì”, ông Hai Lạc (Lạc Văn Long, ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) mở đầu câu chuyện với giọng buồn buồn.

Gia đình ông Hai Lạc đã có 2 đời gắn bó với nghề biển.

Phần lớn bà con nơi đây sống bằng nghề biển, những năm gần đây, nguồn lợi thuỷ sản dần cạn, một số người phải tha hương cầu thực ở các tỉnh ngoài, trong khi đó số đông vẫn bám biển. Người có điều kiện thì đóng được chiếc tàu lớn ra khơi, những hộ không đủ vốn thì chỉ hành nghề trên chiếc xuồng nhỏ đánh bắt ven bờ, lúc nào cũng phập phồng, phần sợ dông gió bất ngờ, phần sợ kiểm ngư chặn bắt.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, hơn ai hết, ông Hai Lạc là người hiểu được những thăng trầm của bà con nơi xứ biển. Lúc biển còn trù phú, cá tôm còn đầy, mỗi chuyến biển ngư dân nơi đây mang theo bao hy vọng và trở về với niềm vui. Ông Hai Lạc nhớ lại thời huy hoàng: “Trước ở xứ này chủ yếu là làm đáy nên mới có tên gọi là xóm Đáy, rồi thời gian cá tôm ít dần, nghề đáy không còn phổ biến nữa, bà con mới chuyển sang đi đánh bắt. Nghề này phụ thuộc vào trời cho nên lúc thất lúc trúng, bây giờ thì bấp bênh hơn trước nhiều”.

Ông Hai Lạc tỉ mỉ luồn kim qua mấy mặt lưới còn dang dở rồi quay sang 2 thằng cháu nội nói: “Hai đứa ráng học để đổi đời, sau này không vất vả như ông nội với cha tụi mầy”. Rồi ông trầm ngâm: “Nghề biển cũng luẩn quẩn lắm, làm tích luỹ không bao lâu thì lo sửa lại tàu bè, ngư cụ. Mỗi lần sửa chữa chi phí đâu phải ít, chưa kể những tháng mưa bão, gió chướng ghe neo đậu thì coi như đói”.

Hơn 10 năm trước, anh Trần Thanh Liệt (Tư Liệt) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Cương từ Rau Dừa (huyện Cái Nước) bồng bế nhau xuống tận cửa biển Gò Công (ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái) lập nghiệp với hy vọng sẽ đổi đời. Vậy mà có ai ngờ, sau 10 năm sống với con nước lớn ròng, vợ chồng anh Tư nghèo lại hoàn nghèo.

Mấy tháng này anh Tư chủ yếu đăng cá kèo. Hết mùa cá kèo, khoảng tháng 8, anh lặn hụp đặt lú, qua Tết anh Tư Liệt chuyển qua đi bạn cho ghe lưới cá đối. Mưu sinh vất vả trên biển làm màu da cháy sậm, đôi tay chai và mái tóc ngả màu nắng cháy, không khỏi làm người đối diện phải chạnh lòng. Điều kiện đi lại khó khăn, lại gần cửa biển nên chuyện học hành của mấy đứa nhỏ cũng vất vả không kém. Anh Tư Liệt ngán ngẩm: “Đứa con gái lớn học lớp 3 mỗi ngày mất 20.000 đồng tiền đò, đứa nhỏ mẫu giáo thì 10.000 đồng. Tốn kém thì cũng không sao, nhưng đò chở đông rồi không có áo phao nữa, mùa mưa gió thấy mấy đứa nhỏ xót lắm”.

Chú Tư Thuấn (Huỳnh Quốc Thuấn), Bí thư Chi bộ ấp Xẻo Sâu, bày tỏ: “Ấp này hoang sơ lắm, bà con đi lại chủ yếu bằng xuồng máy vì thiếu lộ, ở khúc này được có 8 hộ là có lộ nhựa đi qua. Người lớn thì lo ra biển mưu sinh, trẻ con tuy được đi học nhưng có bằng ai đâu. Cả ấp này có 2, 3 tàu là đủ điều kiện đi xa, còn lại đánh bắt trong vùng cấm. Người ta hay gọi là ăn cắp biển, khổ lắm, biết vậy mà cũng phải làm, vì không bám biển họ cũng đâu có nghề gì khác”.

Không đất nên phải bám biển

Không đất sản xuất, cuộc sống mưu sinh của hàng trăm hộ dân xã bãi ngang Nguyễn Việt Khái chỉ còn biết bám biển. Mỗi chuyến biển, dù là đánh bắt xa khơi hay ven bờ, họ chấp nhận đánh đổi cả sinh mạng của mình. Trước tình cảnh đó nên người mong được hỗ trợ để vươn khơi bám biển, sống với biển; người lại mong chuyển đổi để có cuộc sống ổn định hơn. Mỗi ngày nhìn theo con nước lớn ròng, vợ chồng anh Tư Liệt thầm tính toán: “Vợ chồng tôi ráng tích luỹ để sửa lại cái nhà, nếu có được hỗ trợ thì đầu tư thêm lú để làm. Chứ để ra được biển khơi chi phí đầu tư nhiều lắm. Bây giờ chỉ mong đảm bảo được cuộc sống, có căn nhà đúng nghĩa để che mưa nắng là mừng”.

Mỗi năm nguồn lợi từ biển ngày một cạn kiệt, sức người cũng hao mòn theo năm tháng, vậy mà với ngư dân vùng xã bãi ngang này, nghề biển vẫn là cái nghề cha truyền con nối. Giống như cha con ông Hai Lạc, nghề lại nối nghề qua 2 thế hệ: “Không làm biển cũng đâu biết làm gì khác, nhiều người đi lên mấy tỉnh ngoài lập nghiệp thấy còn bấp bênh hơn nên mình bám biển cho chắc. Mong sao mỗi chuyến biển sóng yên gió lặng là yên tâm”.

Dù không trúng lớn, tôm cá đầy khoang nhưng sau mỗi chuyến biển trở về, họ cảm nhận được cái tình, cái vị của đất, của người. Cái gánh nặng cơm áo, gạo, tiền vẫn là cái vòng luẩn quẩn của bà con nơi đây, nhưng mỗi lần ra biển dù lo lắng hồi hộp nhưng họ vẫn luôn hy vọng vào một điều gì đó tốt đẹp hơn vào tương lai./.

Kim Chi

Nhiệm vụ mới của ngành công an dần đi vào nền nếp

Nếu như thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trong khâu vận hành khi mới tiếp nhận công việc từ Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng), thì đến thời điểm này, các đầu công việc trong thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Ðội Sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh) dần đi vào nền nếp, bước đầu mang lại hiệu quả.

Hỗ trợ đăng ký thành lập, hoạt động doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương, kế hoạch và chỉ đạo của tỉnh về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Kế hoạch và Ðầu tư (nay là Sở Tài chính) đã chỉ đạo, phân công bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện TTHC về đăng ký thành lập và hoạt động của DN. Tuy nhiên, do thủ tục phát sinh khá nhiều và quy trình thực hiện thủ tục đăng ký DN trên môi trường mạng còn phức tạp, cần sự hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của DN, cải thiện Chỉ số PCI tỉnh.

Ðổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả kiểm tra

Kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành CCHC, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Vì thế, công tác kiểm tra không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh.

Hoạt động ổn định, thông suốt sau sáp nhập

Ðầu năm 2025, toàn tỉnh có 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 206 tổ chức bên trong. Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sau khi sắp xếp, toàn tỉnh hiện còn 13 cơ quan với 159 tổ chức bên trong, bao gồm 68 phòng, 12 chi cục và tương đương, 79 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 5 cơ quan chuyên môn và 47 tổ chức bên trong).

Ðơn giản thủ tục hành chính theo hướng thực chất

Cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho tổ chức, cá nhân là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Ðiều đó khẳng định quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

Tích hợp sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VneID

Ðể đẩy nhanh việc tích hợp sổ sức khoẻ điện tử (SSKÐT) trên ứng dụng VNeID, góp phần để người dân được hưởng lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số mang lại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến dịch Tích hợp SSKÐT trên ứng dụng VNeID.

Cà Mau quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bám sát chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Cà Mau khẩn trương, quyết liệt trong triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, gắn với mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cà Mau tăng hạng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố "Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023". Theo đó, tỉnh Cà Mau là địa phương được đánh giá là tỉnh tăng hạng nhiều nhất về DTI trong năm 2023 với vị trí 35/63 tỉnh, thành cả nước.

Vì một nền hành chính linh hoạt và toàn diện

Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cà Mau luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số. Vì thế, công tác CCHC luôn được thực hiện xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, hướng đến nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 4/2/2025 ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.