(CMO) Cũng như bao người mẹ, chị Lư luôn đặt hết hy vọng về tương lai tươi sáng vào 2 đứa con trai. Nào ngờ căn bệnh thần kinh phân liệt đã dập tắt hy vọng ấy. “Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi muốn dùng một liều thuốc để kết thúc cuộc đời của tôi và 2 đứa con. Nhưng nghĩ lại, thương các con nên tôi không đành lòng”, đó là lời tâm sự đầy đau khổ, bất lực của người mẹ mỗi khi nhìn đứa con trai lúc tỉnh lúc mê vì căn bệnh hành hạ.
Đã hơn 5 năm nay, gia đình chị Trần Hồng Lư (43 tuổi, ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) đã xem Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau là ngôi nhà thứ 2 của mình. Bởi, có khi mẹ con chị phải ròng rã hàng mấy tháng trời tạm trú ở đây chữa bệnh. Con tái phát bệnh là chị lại khăn gói lên đường, thời gian ở nhà còn ít hơn ở bệnh viện. Hoàn cảnh của chị phải kể đến từ khi đứa con trai đầu tiên của chị tròn 18 tuổi.
Gia đình chị Lư có 2 con trai, con lớn năm nay 24 tuổi, nhỏ cũng đã 22 tuổi. Kinh tế gia đình không khá giả nhưng đủ để chị và chồng mình mơ ước những ngày hạnh phúc bên các con. Vậy mà, khi con trai đầu của chị bước sang tuổi 18, căn bệnh thần kinh phân liệt đã lấy đi niềm mơ ước ấy. Sau đó, đứa con trai út cũng bộc phát căn bệnh này khi tròn 18 tuổi.
Bữa cơm ấm áp của những người nuôi bệnh. |
Khẽ lau vội dòng nước mắt, chị Lư tâm sự: “Trước khi tụi nó phát bệnh, gia đình tôi hạnh phúc ấm êm. Vợ chồng chăm chỉ làm ăn, con cái ngoan hiền, học hành đàng hoàng. Vậy mà không hiểu sao tôi lại rơi vào hoàn cảnh này. Người khác một đứa mắc bệnh này là đủ bất hạnh, còn tôi tới 2 đứa. Mỗi lần thấy con lên cơn là phải xích lại, không đành lòng nhưng chẳng còn cách nào khác. Đứa lớn thì tình trạng nhẹ hơn nên tôi để ở nhà cho chồng trông coi, còn tôi lên đây chăm sóc đứa nhỏ vì bệnh của nó nặng”.
Nỗi đau tự tay mình xiềng xích 2 đứa con mỗi khi lên cơn không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Nhưng nếu không làm vậy thì các con chị đập phá hết mọi thứ trong những lần lên cơn. Chị Lư kể: “Cửa nhà tôi lúc nào cũng đóng kín hết. Không dám cho người ta lại gần nhà sợ tụi nó lên cơn làm hại người ta. Có lần căn bệnh bộc phát mà thằng nhỏ đánh tôi gãy chiếc răng. Đau nhưng dù sao đó cũng là núm ruột mình đẻ ra nên đành chịu đựng”.
Thấy chị khổ quá nên nhiều người khuyên gửi con vào trại tâm thần. Nói đến đây, chị Lư bật khóc: “Cỡ nào tôi cũng không thể bỏ con tôi được. Nghĩ đến cảnh đưa con vào trong đó tôi không muốn chút nào. Con mình mang nặng đẻ đau nên dù cực mấy tôi vẫn muốn tự tay mình chăm sóc. Nếu số phận mình và các con đã như thế thì không cách nào khác là đành chấp nhận”.
Nhìn thấy người ta con cái lớn khôn rồi dựng vợ gả chồng, bản thân chị cũng ước ao được như thế. Nhưng căn bệnh quái ác đã không cho gia đình chị có được cơ hội này. Nghĩ đến tương lai về sau, nước mắt chị tuôn trào: “Nghĩ đến lúc về già vợ chồng tôi cũng không biết ra sao nữa. Người ta, con cháu, dâu rể đề huề, còn mình tương lai mịt mờ quá. Sợ đến lúc qua đời rồi thì ai sẽ thay mình chăm sóc con đây. Căn bệnh này không biết khi nào mới chữa khỏi nữa”.
Không riêng gì hoàn cảnh của chị Lư, tại Khoa Tâm thần có rất nhiều người mẹ phải trông nôm con mình và xem bệnh viện là ngôi nhà thứ 2. Nhiều hoàn cảnh trái ngang, mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy lại họ đều có chung số phận. Khi đến đây ai cũng xem bệnh viện là nhà, những người cùng cảnh ngộ là người thân thuộc. Cùng nghịch cảnh nên ai cũng đồng cảm, chia sẻ khó khăn để cùng vượt qua nỗi đau.
Dù đã ở tuổi 75 nhưng bà Nguyễn Thị Hồng, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu vẫn bám trụ tại khoa này để nuôi con. Bà Hồng bộc bạch: “Gia đình tôi có 10 người con, chỉ có đứa con trai út bị mắc căn bệnh này. Các con tôi đều có gia đình riêng, không ai chăm nom nó nên tôi phải lên đây lo cho nó. Lúc về nhà thì gửi lại mấy người nuôi coi dùm ít bữa. Cảnh ngộ giống nhau nên dùm bọc nhau lắm”.
Hàng ngày, những người nuôi bệnh thường xin cơm từ thiện, rồi ai có đồ ăn gì thì chia sẻ cùng nhau. Tình thương của người mẹ bao la nên điểm chung của họ là nhất quyết không bỏ con mình. Đồng hành cùng con chiến đấu với căn bệnh quái ác này, nhìn nụ cười ngây dại của con mà lòng các bà, các cô, các chị lại quặn đau.
“Thương con mình, nên dù già cả tôi vẫn muốn ở đây lo cho con tôi. Đời mình đã như thế thì tôi đành chấp nhận, còn nước thì còn tát, chứ cỡ nào tôi cũng không bỏ nó. Ở đây người nuôi bệnh ai cũng thương nhau hết, bất đắc dĩ mới vô đây chớ đâu ai muốn, mỗi người đều bảo nhau cố gắng vượt qua”, bà Hồng bộc bạch.
Số phận đã buộc họ vào những điều ngang trái. Một điều có thể cảm nhận rõ là dù trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào, tình mẫu tử vẫn luôn thiêng liêng, cao quý nhất. Những nụ cười ngây dại trên gương mặt của người bệnh dù vô thức nhưng đủ làm lòng của người mẹ đang chăm con tâm thần ấm áp, đủ nghị lực vượt nỗi đau bất hạnh này./.
Hằng My