ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-10-24 12:34:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nơm nớp mùa sạt lở

Báo Cà Mau Khi những cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống thì các hộ dân sinh sống ven biển, cửa biển huyện Ngọc Hiển lại nơm nớp lo sợ tình trạng sạt lở đất xảy ra.

Tình trạng sạt lở đất trên địa bàn huyện Ngọc Hiển vào mùa mưa diễn biến phức tạp. (Ảnh chụp gần cửa Hóc Năng, xã Tân Ân).

Tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi hiện còn nhiều hộ dân sinh sống, chủ yếu bằng nghề biển. Hằng năm, cứ đến tháng 6 dương lịch, từ những cơn mưa nặng hạt kết hợp sóng biển mạnh lên dễ xảy ra tình trạng sạt lở đất, những hộ dân sinh sống nơi đây luôn phập phồng lo sợ và phải thường xuyên kiểm tra tình trạng của đất ở để cảnh báo mọi người.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Ấp Mũi, xã Ðất Mũi, cho biết: “Trong 10 năm trở lại đây, tôi đã 3 lần chịu cảnh sạt lở đất, sạt lở đến đâu thì di dời khỏi vị trí sạt lở rồi cất nhà ở. Do không có đất canh tác nên đành phải chịu cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở như thế này”.

Cùng ấp, anh Nguyễn Vũ Ca chia sẻ: “Phần lớn những hộ dân sinh sống ven biển, cửa biển chủ yếu làm nghề đánh bắt thuỷ sản nên nhiều người chấp nhận sống trong cảnh đối diện sạt lở, làm vài năm thì sửa nhà một lần. Do không có nghề khác nên họ không thể chuyển đổi, nhiều người gắn bó với nghề biển này đã hơn 3 đời”.

Tại cửa biển xã Tam Giang Tây, tình trạng sạt lở cũng xảy ra hết sức phức tạp. Vào đầu mùa mưa, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con sinh sống ở đây nâng cao ý thức phòng tránh sạt lở; không để người già, trẻ em ngủ qua đêm khu vực dễ xảy ra sạt lở.

Anh Nguyễn Văn Út, ấp Chợ Thủ A, xã Tam Giang Tây, chia sẻ: “Sinh sống gần cửa biển cũng lo lắm, nhưng vì cuộc sống mà cả gia đình phải chấp nhận để mưu sinh. Tại cửa biển này, tình trạng sạt lở ngày càng tăng, mỗi năm biển cứ ăn sâu vào đất liền. Trước đây nhà của tôi cách biển hơn 5 km, giờ thì chưa đến 2 km. Mùa mưa, gia đình tôi thường xuyên rọi đèn vào ban đêm kiểm tra các khu vực đất ven sông, khu vực nhà ở để khi có dấu hiệu rạn nứt thì kịp thời phòng tránh”.

Tình trạng sạt lở ở cửa biển Rạch Gốc (thuộc xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc) diễn ra nhanh.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển, các cửa biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mỗi năm địa phương có hơn 10 vụ sạt lở đất, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Tình trạng sóng biển kết hợp mưa lớn làm sạt lở đất xảy ra nhanh và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, để ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và khó lường trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã sớm xây dựng phương án ứng phó nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại ở mức thấp nhất.

Trước tiên, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra để cảnh báo kịp thời, nhất là khuyến cáo người dân di dời khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản... Từ nay đến cuối năm, địa phương vẫn còn chịu ảnh hưởng của dông, lốc, nên người dân thường xuyên kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa phòng khi có mưa dông xảy ra.

Ðể khắc phục tình trạng sóng biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ các công trình, người dân sinh sống trong vùng trọng yếu huyện Ngọc Hiển được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng hàng chục ki-lô-mét bờ kè ven biển trên địa bàn xã Tam Giang Tây, Tân Ân, Ðất Mũi và thị trấn Rạch Gốc. Tuy nhiên, địa phương hiện có 98 km đường bờ biển nên tình trạng sạt lở sẽ còn tác động, ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Việc xây dựng kè đã phát huy hiệu quả, nhưng kinh phí đầu tư rất lớn nên khó có thể triển khai toàn bộ các khu vực sạt lở của huyện Ngọc Hiển. Do vậy, trong việc phòng chống sạt lở đất xảy ra, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương thì ý thức của người dân là rất quan trọng./.

 

Chí Hiểu

 

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.

Sạt lở ven sông chưa có điểm dừng

Những ngày qua, tình trạng sạt lở đất ở khu vực ven sông trên địa bàn huyện Năm Căn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Ðã có nhiều công trình lộ giao thông và nhiều căn nhà bị sụp xuống lòng sông; hiện tại, nhiều hộ dân sống ven sông vẫn đang thấp thỏm lo âu.

Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ”

Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, những tháng đầu năm 2024, khô hạn đã làm cho 1.057 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, sụp lún 36 đoạn đê ven song với chiều dài trên 1 km, đã khắc phục 353 m, còn 711 m đang tiếp tục khắc phục; dông lốc làm sập và tốc mái 34 căn nhà, ước thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.

Chủ động hơn khi mưa bão kéo dài

Theo dự báo, từ nay đến tháng 11, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện từ 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Cùng với đó, dự báo đỉnh triều ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sự kết hợp của 2 hiện tượng thời tiết này sẽ tạo ra nguy cơ gây ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản của người dân và Nhà nước, nhất là ở các vùng trũng.

Cảnh giác, chủ động phòng chống thiên tai

Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là sạt lở, lốc xoáy, gây thiệt hại nặng nề. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương vào cuộc, chủ động trong phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm giảm thấp nhất thiệt hại.

Chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời

Phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai nên chuyện thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Do đó, bên cạnh những giải pháp nhằm giúp người dân chủ động thích ứng, giảm thiểu thiệt hại, thì công tác giúp dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.