(CMO) “Ðây là hình thức kết nối mới, giúp doanh nghiệp (DN), người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách đơn giản, nhanh chóng. Ðồng thời, giúp cơ quan thuế quản lý thuế hiệu quả, đảm bảo minh bạch, khách quan, tránh khai gian, trốn thuế”, ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế Cà Mau, đánh giá về việc hoá đơn điện tử (HÐÐT) được khởi tạo từ máy tính tiền sẽ triển khai trên địa bàn.
Nghị định số 123/2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Trước khi Nghị định 123/2020 có hiệu lực, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 78/2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, hướng dẫn về HÐÐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế sẽ góp phần mang lại lợi ích kép cho DN, hộ kinh doanh lẫn cơ quan thuế.
Ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Ðối với HÐÐT, Cục Thuế tỉnh đã hoàn thành xong chuyển đổi cho DN, hộ kinh doanh theo kế hoạch, bước đầu tạo thuận lợi cho người nộp thuế sau khi đã chuyển đổi. Ðến nay, trên nền tảng đó, ngành thuế tiếp tục thực hiện HÐÐT kết nối máy tính tiền theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, đem lại sự tiện lợi, minh bạch hơn trong công tác quản lý thuế và thu thuế”.
Ðược biết, đối tượng áp dụng hình thức này là DN, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đang sử dụng HÐÐT có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế, có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh, như trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí… nơi có số lượng hoá đơn xuất ra nhiều và liên tục.
Theo đó, Cục Thuế tỉnh tiến hành rà soát danh sách DN có đăng ký ngành nghề kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng và danh sách hộ kinh doanh (bao gồm cả hộ khoán và hộ kê khai) do Tổng cục Thuế hỗ trợ kết xuất. Từ đó, xác định đối tượng triển khai và đề xuất lựa chọn đối tượng triển khai HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền trong giai đoạn 1.
Kết quả, trên địa bàn tỉnh có 128 DN và 47 hộ kinh doanh nộp thuế theo kê khai thuộc đối tượng áp dụng HÐÐT được kết nối từ máy tính tiền (hiện nay đang sử dụng HÐÐT nhưng chưa kết nối từ máy tính tiền). Trong đó, Nhóm 1 - Nhóm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn có 13 DN, 17 hộ; Nhóm 2 - Nhóm bán lẻ hàng hoá (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng) có 76 DN, 26 hộ; Nhóm 3 - Nhóm bán lẻ thuốc tân dược có 11 DN, 2 hộ; Nhóm 4 - Nhóm dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch…) có 28 DN, 2 hộ.
Với hình thức HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ giúp DN, người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách đơn giản, nhanh chóng.
Ông Bùi Quốc Khánh nêu rõ: “Với hình thức này, không bắt buộc có chữ ký số. Sau khi kết nối, mã của cơ quan thuế trên HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền được cấp tự động theo dãy ký tự cho từng cơ sở kinh doanh, không trùng lắp. Người nộp thuế có trách nhiệm sử dụng dãy ký tự mã của cơ quan thuế đảm bảo liên tục và duy nhất khi lập HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền. Khoản chi mua hàng hoá, dịch vụ sử dụng hoá đơn được khởi tạo từ máy tính tiền cũng được xác định là khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế”.
Ðể sử dụng HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền, người nộp thuế chỉ cần đăng ký sử dụng HÐÐT theo quy định tại Ðiều 15, Nghị định số 123/2020; lập hoá đơn giao cho khách hàng; sử dụng dãy ký tự mã của cơ quan thuế cấp khi lập HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo liên tục và duy nhất; chuyển dữ liệu HÐÐT từ máy tính tiền cho cơ quan thuế ngay trong ngày thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bé cho biết, sau khi rà soát, tuyên truyền đến DN, tổ chức kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh về hình thức này, qua tiếp nhận thông tin phản ánh tại địa bàn tỉnh Cà Mau thì phần đông DN, tổ chức kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lo ngại khi áp dụng HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền cần đáp ứng yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống máy móc, trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành và sử dụng hoá đơn này.
Theo đó, để đáp ứng vấn đề này, Tổng cục Thuế sắp tới sẽ xây dựng, công bố thành phần dữ liệu HÐÐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, phương thức truyền, nhận với cơ quan thuế; chỉ đạo các cục thuế xây dựng đề án triển khai kết nối thông tin từ máy tính tiền để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ, cá nhân kinh doanh…
Ngoài ra, để khuyến khích người mua lấy hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ, Tổng cục Thuế đã triển khai Chương trình “Hoá đơn may mắn” đến các cục thuế trên toàn quốc. Theo đó, lựa chọn ngẫu nhiên bằng phần mềm “Hoá đơn may mắn” trên Hệ thống cơ sở dữ liệu HÐÐT có mã của Tổng cục Thuế, có đầy đủ thông tin định danh người mua (MST/CMND/CCCD/Hộ chiếu) không bao gồm hoá đơn đã huỷ, hoá đơn điều chỉnh, hoá đơn thay thế, hoá đơn có thông tin mã số thuế người bán và người mua trùng nhau. Mỗi hoá đơn đưa vào được lựa chọn duy nhất 1 lần.
Ông Nguyễn Văn Bé cho biết, thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Thuế để triển khai Chương trình “Hoá đơn may mắn” tại địa bàn, Cục Thuế tỉnh đã tiến hành rà soát đối tượng để triển khai HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền, bám sát nội dung trọng tâm của kế hoạch, tham mưu thành lập ban chỉ đạo, tổ triển khai Chương trình “Hoá đơn may mắn” kết hợp với triển khai HÐÐT khởi tạo từ máy tính tiền, tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng giám sát để tổ chức Chương trình “ Hoá đơn may mắn”./.
Hồng Nhung