ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 12-5-25 02:08:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

NSƯT Vũ Linh qua lời kể người thầy

Báo Cà Mau (CMO) NSƯT Vũ Linh đã ra đi nhưng tên tuổi và lời ca tiếng hát của ông vẫn mãi sống trong lòng người hâm mộ. Hình ảnh của một “ông hoàng cải lương Hồ Quảng” qua lời kể người thầy mà ông yêu kính nhất, càng thân thương và sinh động hơn bao giờ hết.

Chân dung “ông hoàng cải lương Hồ Quảng” Vũ Linh. Ảnh: VTV.vn

Tính khí dọc ngang

Phóng viên tìm đến Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, để trò chuyện cùng NSƯT Diệu Hiền. Bà vừa quay về từ đám tang cố NSƯT Vũ Linh với nét mặt u sầu, những giọt ngắn giọt dài vẫn rơi trong câu nói uất nghẹn: “Tôi muốn đánh đòn Vũ Linh lắm. Tôi lớn tuổi cỡ này còn chưa đi mà nó dám đi trước bỏ tôi”.

Cô đào võ cứng rắn trên sân khấu, nay dịu dàng đến lạ khi kể về người học trò mà bà cưng quý. NSƯT Diệu Hiền bảo: “Nó tên Võ Văn Ngoan nhưng không ngoan gì cả. Tôi có nhiều học trò nhưng chỉ có nó là học trò nam. Nó theo tôi từ thời còn ở gánh hát Kim Chưởng. Gánh hát dọn đến đâu là tôi đều bị mắng vốn về nó do tật lí lắc, phá phách”.

Bà thương Vũ Linh hơn cả em ruột của bà. Bởi tình thương đó quá lớn nên bà sẵn sàng bao dung cho sự ương ngạnh và dọc ngang không sợ trời, không sợ đất của cậu học trò. NSƯT Diệu Hiền nhớ lại, một lần Vũ Linh đánh con của một quan lớn vì bị người này mắng: “Lũ tụi bây là phường xướng ca vô loại”. Sau khi xin lỗi người ta thay cho Vũ Linh bởi tính ngang ngạnh đâu thèm cúi đầu trước ai, bà bắt Vũ Linh quỳ gối trên vỏ sầu riêng và răn dạy cách cư xử ở đời đến tàn cây nhang mới cho đứng lên. Không phải sợ quyền thế, mà bà muốn Linh phải biết hai chữ “nhẫn nhịn” để còn làm người, làm nghề. Bà bảo: “Quạu ai thì quạu chứ nó không dám quạu với tôi. Cự nự chút đỉnh rồi lại nằm cho chị Hai đánh đòn. Cái mặt thấy thương mà cũng thấy giận lắm”.

Chính cái tình quá lớn dành cho người em trai nhỏ, NSƯT Diệu Hiền đã nhìn ra tiềm năng hát cải lương Hồ Quảng của Vũ Linh mà bắt phải đi học các loại vũ đạo đẹp nhưng khó. Vũ Linh khi đó giẫy nẩy la hét: “Người ta đang hát cải lương thì để người ta hát đi, bắt người ta học Hồ Quảng là sao?”. Diệu Hiền cười rồi nói với cậu em rằng: “Chị muốn em sau này cái gì cũng giỏi. Phải giỏi hơn chị nữa nghen em. Quăng em ở chỗ nào em cũng sống, cũng nổi tiếng với cái nghề này”. Làm mình làm mẩy với người chị nhưng Vũ Linh vẫn nghe, miệt mài đi học Hồ Quảng. Sau này, công định hướng dạy dỗ của NSƯT Diệu Hiền đã không phí phạm khi có một “ông hoàng cải lương Hồ Quảng” như hôm nay.

Tình thương dành cho người học trò của Diệu Hiền không dừng lại ở việc ép đi học mà còn nâng đỡ Vũ Linh lên hàng kép giữa vô số nghệ sĩ trẻ trong đoàn mãi lẹt đẹt với vai lính tráng. Bà kể: “Lúc lên sân khấu đóng vai kép lần đầu tiên, thằng Linh sáng lắm. Ðáng lý tuồng đó, nó phải gọi tôi là sư muội. Lúc tập tuồng, hễ nó định cất tiếng kêu thì lại cười hì hì. Nó nói cho nó gọi sư tỷ đi vì gọi sư muội nó ngượng. Tôi nói mày tập cho đàng hoàng nghe, nói giỡn hồi tao đá mày bây giờ. Nó lại cười chọc ghẹo tôi: “Má đặt sai tên cho chị rồi. Bà là Diệu Dữ chứ Diệu Hiền nỗi gì”.

Hai chị em Diệu Hiền - Vũ Linh cứ thế lăn lộn với nghề, và trời không phụ tài năng, Nghệ sĩ Minh Tơ - thân phụ của NSND Thanh Tòng đã nhận Vũ Linh vào đoàn với vị trí kép chính, Diệu Hiền khóc như mưa vì người em, người học trò bà cưng như vàng như ngọc đã vụt sáng.

Ðâu chỉ bên Vũ Linh trong nghiệp cầm ca, Diệu Hiền còn là người hết lòng vực em dậy mỗi khi phạm lỗi lầm, sa cơ. Vũ Linh bắt đầu dấn thân vào nhậu nhẹt và cờ bạc vì nhiều nỗi buồn trong cuộc sống, tình cảm đến mức em gái ông phải gọi điện cho NSƯT Diệu Hiền năn nỉ bà lôi “ông hoàng” quay về nẻo chánh. Sức khoẻ bà yếu lắm nhưng vẫn lật đật bắt xe ôm lên tận nơi ông đánh bạc.

Bà kể: “Tôi tìm đến tận nơi nó đang sát phạt. Vừa nhìn thấy tôi, nó run quá, co chân chạy trốn. Tôi hét: “Mày có tin tao sẽ lao đầu xuống chung cư này nếu mày không đứng lại”. Nó đứng lại, tôi nhìn nó mà lòng tôi đau, tôi ôm nó vào lòng rồi khóc: “Công chúng cho mình ánh hào quang đâu phải để em sống như vầy? Chị lớn tuổi rồi, sống nay chết mai, chị đâu còn sức mà lo cho mày như ngày nào. Mày phải sống tốt mới mang cái nghề này truyền cho đời con, đời cháu thay chị chứ”. Nó cũng khóc, tôi biết nó vẫn là Vũ Linh mà tôi hết mực thương yêu ngày nào”.

Giữa Vũ Linh và Diệu Hiền không chỉ là tình thầy trò, nghĩa chị em mà còn là sự gắn kết của những con người hào sảng. Khi Vũ Linh gặp nạn được thầy tận tình giúp đỡ, hỗ trợ vượt khó; đến khi thầy gặp khó, học trò lại ra tay tương trợ. NSƯT Diệu Hiền kể, Vũ Linh đã âm thầm mua trả góp đất Nhà nước phân phối theo tiêu chuẩn cho những nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến đối với sân khấu cải lương để tặng bà. Bà tâm sự: “Ngày nhận món quà từ tay thằng Linh mà tôi sung sướng. Vì đứa học trò “ngỗ nghịch” ngày nào nay đã trưởng thành và biết nghĩ cho người mà nó yêu thương”. Kể đến đây, bà lại khóc nhưng cái tình thầy nghĩa trò vẫn thấm đượm và sự tự hào vẫn sáng bừng trong đôi mắt bà.

Mê cái tình với khán giả, với anh em

Bình tâm lại vài giây, NSƯT Diệu Hiền tiếp tục câu chuyện về Vũ Linh trong những ngày cuối đời. Cô đào võ dù bệnh tật vẫn tìm đến thăm người em, người học trò và lắng nghe tâm nguyện cuối cùng của “ông hoàng cải lương Hồ Quảng”. Ðó là được đứng trên sân khấu, được hát cho khán giả mộ điệu thêm lần nữa. Bà kể trong nước mắt: "Linh nói với tôi là em đi hát không phải vì tiền. Nó ở nhà xem ti vi nhớ khán giả vô cùng, nhưng lực bất tòng tâm, mệt quá, nhắm sức làm không nổi nên buồn".

NSƯT Diệu Hiền lại nhớ những ngày dọc ngang sông nước đi diễn cùng Vũ Linh ở khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc. Ðặc biệt, “ông hoàng” ấy rất đậm tình với miền Tây sông nước: “Bốn bàn chân của tôi và Linh đã đi khắp miền Tây. Chúng tôi đi hết các đoàn lớn, nhỏ, vào tận vùng sâu, vùng xa diễn cho bà con. Có đợt về Cà Mau, chị em tôi đi hoài không thấy người dân đâu hết mà toàn thấy nhà tắt đèn im re. Tôi bảo Linh là: “Mình vào trễ quá không chừng người ta ngủ hết rồi đó em”. Ðến chỗ diễn, hai chị em tôi mới biết là bà con đã kéo hết ra sân khấu ngồi trật tự nghiêm túc chờ Vũ Linh cất lên tiếng hát, cảm thấy rất ấm lòng. Ðoàn diễn miền Tây xa xôi nhưng tiền không nhiều, Linh bảo tôi cứ đi đoàn khác hát, nó trụ lại đoàn cũ lo cho mọi người khi nào nó ưng đoàn nào thì xin về đoàn đó. Thế là nó lại rong ruổi cùng anh em đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa miền sông nước”.

NSƯT Diệu Hiền bảo, bà chưa gặp ai có tính khí như cậu Võ Văn Ngoan này. Cậu không mê tiền mà mê cái tình với khán giả, với anh em bạn bè. Cứ thấy ai có năng lực, có giọng hát, có tâm với nghề là học trò bà thương ngay: “Nó mát tay, lăng xê cô đào nào là cô đó nổi. Sân khấu cải lương sau này không còn nhiều đất diễn như trước. Nhiều nghệ sĩ vì mưu sinh và đánh bóng tên tuổi phải chuyển sang hát nhạc trẻ rồi tham gia các chương trình truyền hình. Thằng Linh không chịu vậy. Người ta mời nó làm giám khảo các chương trình lớn hoài mà nó từ chối. Nó bảo tôi, nó sống chết với nghề, nó muốn được tập trung viết nhiều vở diễn hơn. Tôi nhớ đợt ai nấy xôn xao chuyện xét tuyển Nghệ sĩ Nhân dân, tôi nói nó là: “Em là nghệ sĩ ưu tú rồi, xin xét lên Nghệ sĩ Nhân dân đi em”. Nó bảo cái đó không quan trọng, miễn khán giả thương, miễn nó lên sân khấu vẫn được hô tên Vũ Linh là nó đủ thấy sướng rồi”.

Chính vì tình yêu nghề tha thiết và sự trân trọng khán giả dù thành phố hay nông thôn, Vũ Linh cực kỳ ghét chuyện hát nhép hay hát chồng nhạc. NSƯT Diệu Hiền kể trong tự hào: “Nó không hát thì thôi, nhưng nó hát là giọng thật, vũ đạo thật. Nó mà biết đứa học trò hay đứa cháu nào hát nhép là nó chửi tan nát. Với nó, nghệ sĩ có giọng hát phục vụ khán giả thì hãy để khán giả thương cho trọn vẹn… Vậy mà những ngày cuối đời, nó không còn đủ sức hát nữa”.

Câu chuyện về Vũ Linh được người thầy mà ông kính trọng nhất kể lại trong tiếng nấc nghẹn ngào và đầy yêu thương. Nhưng giờ đây chỉ còn là ký ức và kỷ niệm, bởi “ông hoàng” ấy đã vĩnh viễn ngồi trên ngai vàng của mình, nhưng ở một nơi xa xôi lắm./.

 

Lam Khánh

 

Ấn tượng không gian trưng bày sách, ảnh tư liệu chào mừng 50 năm ngày thống nhất

Diễn ra từ ngày 26/4-4/5, tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, không gian trưng bày giới thiệu sách, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ; Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử; hành trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ... thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan.

Một lần gặp Bác Ba Phi

Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ ngày ông Trịnh Thành Thân đóng quân ở vùng Lung Tràm, được gặp bác Ba Phi. Thế nhưng, khi nhắc lại kỷ niệm này, trong ánh mắt và giọng nói của người cựu chiến binh tuổi ngấp nghé 80 này vẫn bộc lộ niềm vui xen lẫn tự hào. Có lẽ, bởi những câu chuyện “nói dóc tỉnh bơ” của bác Ba Phi không chỉ mang lại tiếng cười, mà còn là ký ức đẹp về vùng đất Cà Mau một thời trù phú...

Dấu ấn Việt Nam tại triển lãm “Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á 2025”

Cuộc triển lãm “Asian Art Century - Thế kỷ Nghệ thuật Châu Á” lần thứ I năm 2025, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, là một sân chơi nghệ thuật tầm cỡ, nơi hội tụ những sáng tạo đương đại đặc sắc của các hoạ sĩ đến từ khắp nơi trong khu vực. Với tinh thần giao lưu, hội nhập, các hoạ sĩ Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ mỹ thuật quốc tế.

Văn hoá, văn học - nghệ thuật phải mang hơi thở đương đại

“Văn hoá, văn học - nghệ thuật  là nền tảng, là động lực phát triển, tạo thành sức mạnh cộng hưởng để đóng góp và sự nghiệp phát triển của địa phương, mang hơi thở đương đại cuộc sống xã hội, trở thành nền công nghiệp văn hoá”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển nêu tại buổi Toạ đàm 50 năm nền văn học, nghệ thuật tỉnh Cà Mau sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), chiều 29/4.

CẢM XÚC THÁNG NĂM

Chào tháng Năm ! Chào quê hương tươi đẹp thanh bình Tháng Năm vẫn trời xanh mây trắng Cánh đồng vàng thêm màu nắng Rơm rạ còn lưu dấu một mùa vui

Văn nghệ sĩ tỉnh Cà Mau với tất cả tấm lòng vì một cơ đồ Việt Nam

Chiều nay (28/4), tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Chung một cơ đồ Việt Nam”.

Bản hùng ca thống nhất

Hoà chung không khí cả nước mừng dấu mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá tỉnh phối hợp Phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin các huyện, TP Cà Mau và xã, thị trấn tổ chức biểu diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bản hùng ca thống nhất”.

Chương trình nghệ thuật "Vang mãi bản hùng ca thống nhất"

Với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca thống nhất”, tối 25/4, tại Khu dân cư Minh Thắng (Phường 9, TP Cà Mau), tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Khởi sắc vùng căn cứ

Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể (ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) là niềm tự hào của Nhân dân 2 tỉnh: Cà Mau và Bạc Liêu. Với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực vươn lên kiến thiết quê hương của người dân, vùng quê cách mạng đã và đang chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Giao thoa văn hoá 3 dân tộc

Trong quá trình gần 300 năm, đồng bào 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer đã cùng nhau cộng cư trên mảnh đất Cà Mau với tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau phát triển. Mặc dù mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, nhưng trải qua cuộc sống xen cư với nhau từ bao đời nay đã tạo nên sự giao thoa, gắn kết hài hoà, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đa sắc của xứ sở Cà Mau.