ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 16:33:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nước trời cứu hạn mặn

Báo Cà Mau (CMO) Năm 2016, tỉnh Cà Mau oằn mình trong cơn đại hạn. Cũng chính thời điểm này, người ta nhận ra tác hại khôn lường của việc khai thác nước ngầm vô tội vạ.

Nhiều giếng khoan mà dân gian gọi là “cây nước” không thể sử dụng vì cạn mạch nước ngầm, một số mạch ngầm bị ô nhiễm không thể sử dụng, đường sá sụt lún, xâm nhập mặn tiến sâu vào nội địa bán đảo… Những mùa hạn nối tiếp diễn biến khắc nghiệt, nước ngọt cho sinh hoạt, nước ngọt cho sản xuất trở thành vấn đề cấp thiết đối với người dân khắp nơi ở khu vực nông thôn Cà Mau. Trong khi tìm nhiều giải pháp ứng phó, thích nghi và cả tận dụng biến đổi khí hậu, có một gợi ý làm tất cả mọi người ngỡ ngàng vì nó quá “bình dân”, nhưng tiềm năng và tính khả thi thì vô cùng to lớn: Tận dụng, khai thác nguồn tài nguyên nước mưa.

Bỏ lỡ tiềm năng

Đánh giá về nguồn tài nguyên nước mưa, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Cà Mau Dương Thị Ngọc Tuyền cho rằng: “Với lượng mưa từ 1.700-2.400 mm/năm, trữ lượng nước mưa của Cà Mau thuộc tốp đầu của khu vực ĐBSCL, đây là nguồn tài nguyên hết sức quý giá mà từ trước đến nay chúng ta chưa thật sự quan tâm”. Theo bà Tuyền, người dân có thói quen tích trữ nước mưa để sử dụng nhưng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, không đáng kể. Trong khi phần lớn nước mưa bị lãng phí thì đến mùa hạn khô, người dân lại lao đao vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Địa chất của Cà Mau quy định một số khu vực hầu như không có khả năng khai thác nước ngầm. Vậy nên cứ đến mùa hạn thì điệp khúc khát nước lại lặp lại mà địa phương chưa có cách khắc phục triệt để.

Trao đổi với Tiến sĩ Trương Văn Hiếu, Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh, ông lo lắng rằng: “Với tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, mất kiểm soát, sẽ không bao lâu nguồn tài nguyên này bị ô nhiễm, cạn kiệt, thậm chí gây sụt lún cho nền địa chất mới của bán đảo Cà Mau. Chỉ nhẩm tính, tiềm năng nước mưa có thể đáp ứng gấp 8 lần nhu cầu nước ngọt sử dụng hàng năm của người dân Cà Mau”. Tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh, nước mưa ở khu vực Cà Mau chất lượng tốt, việc áp dụng các kinh nghiệm dân gian vào tích trữ, sử dụng nước mưa đều tích cực, song chỉ một lưu ý rất cần mọi người biết đến: Mái hứng nước mưa không nên là mái tôn típ lô xi măng, bởi nó chứa hợp chất a-mi-ăng, có thể gây ra các căn bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.

Ngay khi có cán bộ dự án đến khảo sát, gia đình ông Lê Văn Dân tình nguyện hiến đất để dự án khai thác, sử dụng nước mưa được triển khai.

Nhận định về khả năng hiện thực của dự án khai thác, sử dụng nước mưa tại địa bàn Cà Mau, Giám đốc Sở TN-MT Trịnh Văn Lên nhấn mạnh: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, nguồn tài nguyên nước ngầm trở nên cạn kiệt, trong khi hệ thống cấp nước rất khó phủ hết các vùng nông thôn xa, thì nước mưa chính là đáp án thoả đáng nhất, phù hợp nhất cho người dân”. Viện Địa lý tài nguyên TP Hồ Chí Minh và Sở TN-MT cũng đã tiến hành khảo sát bước đầu một số địa điểm để tổ chức thực hiện dự án. Chỉ mới khởi động nhưng nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của địa phương và người dân. 

Mở ra hy vọng mới cho người dân

Tìm về khu vực ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tận mắt thấy người dân chống chọi với hạn hán mới thấy hết giá trị quý báu của nước ngọt. Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng Hồ Thiên Chúa thông tin: “Hiện địa phương có khoảng 90% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, toàn bộ là giếng khoan ngầm. Tuy nhiên, có gần 20 hộ dân ở khu vực Rạch Lùm A bị thiếu nước trầm trọng vào mùa hạn”. Nói về nguyên nhân của việc thiếu nước của bà con, ông Hồ Thiên Chúa cho biết, do khu vực này không khoan được giếng ngầm, các hộ gia đình ngoài việc trữ nước mưa để dành cho ăn uống, còn sinh hoạt đều từ nguồn nước sông, ao hồ.

Trưởng ấp Rạch Lùm A Nguyễn Bảo Vinh chia sẻ: “Nhiều năm nay, cứ đến mùa hạn là 19 hộ dân của ấp rất vất vả, bất tiện trong cuộc sống, sản xuất vì thiếu nước ngọt”. Qua lời ông Vinh, những gia đình có điều kiện đã thử khoan giếng ngầm trên dưới 20 lần, nhưng đều thất bại. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 1 trong 19 hộ đang vất vả vì thiếu nước, ngán ngẩm: “Mấy chú coi, nhà tôi khoan cũng cỡ chục lần rồi. Có đội khoan nói trang bị mũi khoan đá ngầm ngon lành, ăn giá cao, vô đây khoan rồi gãy mũi khoan, chủ giàn khoan chịu thua, khiêng đồ tháo chạy. Nói thiệt, ở đây cho dù có tiền, có vàng mà cũng bó tay chuyện kiếm nước xài”. Chị Hạnh kể, có khách ở xa lại, thấy rửa chén, rau bằng nước ao, người ta lẳng lặng từ chối ăn uống vì thấy… dơ dơ. Như năm 2016, nước sông, nước ao cũng cạn, chị Hạnh phải đi đổi nước về xài.

Ông Lê Văn Dân cũng như 18 hộ khác trong khu vực không khoan được giếng ngầm của ấp Rạch Lùm A phải kéo nước sông lên để sinh hoạt trong mùa hạn.

Theo chân chị Hạnh, nhìn thấy hệ thống lu, khạp, mái mà gia đình dùng để tích trữ nước mưa quả thật rất hoành tráng. Nhẩm đếm cũng phải trên dưới 50 cái lớn nhỏ. Chị Hạnh nói vui: “19 hộ ở đây, của hồi môn tiền vàng chưa chắc quý bằng cái “dàn” khạp này à nghen”. Chị Hạnh dẫn chúng tôi ra cái ao là nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt, váng phèn, đây đó vài hộp thuốc bảo vệ thực vật lăn lóc. Chị Hạnh than thở: “Biết là dơ nhưng cũng phải xài chớ làm sao bây giờ mấy chú. Nước này tôi biết nhiễm thuốc sâu nhiều lắm, có bữa rửa tay về ngứa, gãi riết lở luôn chớ vừa đâu”.

Ông Lê Văn Dân vừa tiếp khách, vừa mở mô tưa kéo nước sông lên để gia đình sử dụng. Ông ao ước: “Bữa mấy anh cán bộ dự án về, nói làm mô hình trữ nước mưa cho 19 hộ sử dụng, dân đây mừng hết lớn. Riêng tôi, xin xung phong hiến đất để dự án triển khai sớm cho bà con nhờ”. Lão nông nhìn dòng nước phèn mà rầu rầu: “Hổng có cảnh gì khổ bằng cảnh thiếu nước mấy chú ơi. Hồi đó giờ dân khúc này thiệt thòi vậy đó. Bây giờ chỉ còn trông chờ Nhà nước, vào dự án để cứu giúp người dân mà thôi”. Ông Dân thú thiệt, tới mùa hạn là nhà nhà lo chuyện thiếu nước nên không còn tâm trí đâu để tính toán làm ăn, tăng gia sản xuất. Người khát nước, đồng đất bỏ hoang, bao năm nay Rạch Lùm A cứ tới mùa hạn là đầy ám ảnh.

Nguồn nước ao gia đình chị Hạnh kéo lên sinh hoạt nhiễm phèn, không đảm bảo, dễ dàng bắt gặp các vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi trên ao.

Mang chuyện dự án trữ nước mưa chia sẻ với bà con, anh Hồ Đại Lực nghi ngờ: “Hổng biết quy mô như thế nào chớ làm sao đủ hết cho 19 nhà. Sao không khoan đại cây nước lớn rồi kéo ống cho dân xài, hổng mau hơn sao? Chắc đầu tư dự án nước mưa gì đó tốn bộn tiền à”. Anh Lực đã quen cảnh thiếu nước mùa hạn, muốn giải cơn hạn nước bằng cách như người ta vẫn hay làm, đó là điều bình thường. Nhưng rồi anh Lực và bà con sẽ có lúc hiểu ra rằng, nước ngầm đến một lúc nào đó (không còn lâu nữa) sẽ cạn kiệt và nước mưa mới chính là tài nguyên bền vững, dồi dào, sẵn có và giá rẻ nhất để bà con trông đợi.

Dự án khai thác và sử dụng tài nguyên nước mưa thật sự là một đáp án có giá trị lâu dài đối với kinh tế, dân sinh của khu vực nông thôn Cà Mau. Trong bối cảnh hạn mặn, biến đổi khí hậu thì tài nguyên nước mưa sẽ giải đáp hàng loạt thách thức về nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân. Không đâu xa, hãy bắt đầu từ truyền thống bao đời và sự trân quý giá trị nước mưa của người dân. Nước trời sẽ là cứu cánh của Cà Mau trong những mùa hạn mặn phía trước./.

Phạm Quốc Rin

Liên kết hữu ích

Trên 800 thủ tục hành chính được phân cấp, phân định thẩm quyền giải quyết

Chủ tịch UBND tỉnh vừa công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cà Mau và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.

Thước đo hiệu quả của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và dịch vụ công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Năm 2024, Chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau xếp hạng 17 trên toàn quốc. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp.

Khẩn trương nâng cấp hạ tầng viễn thông cấp xã

Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông, đường truyền trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp chính quyền cơ sở. Dù đã có sự quan tâm đầu tư, song hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối trực tuyến, chất lượng trang thiết bị ở các xã hiện nay tại Cà Mau chưa đồng bộ, dễ bị gián đoạn, tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ðể mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành vào ngày 1/7 tới, việc tháo gỡ vướng mắc này đang là ưu tiên lớn của tỉnh.

Tổ chức bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã mới

Ðể đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2025/NÐ-CP ngày 9/6/2025 (Nghị định 118) về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ðây được xem là một bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc bộ máy hành chính, góp phần tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Khi lòng dân là “thước đo” công quyền

Giữa nhịp sống hiện đại, khi mọi thiết bị hầu như đều có thước đo chính xác đến từng con số, thì trong guồng máy hành chính Nhà nước có một thứ thước đo “vô hình” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là lòng dân. Sự hài lòng của người dân không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn là “tấm gương” soi chiếu hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Xác định điều này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, cải thiện Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tinh gọn để phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Năm Căn đang triển khai đề án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo đó, từ 7 xã và 1 thị trấn hiện tại, huyện sẽ tổ chức lại thành 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn

Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Huyện U Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuẩn bị. Hiện các xã trung tâm đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Trong nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng phục vụ và tăng cường niềm tin của người dân, Cà Mau quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tiên phong của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, Cà Mau đang dần định hình hình ảnh một chính quyền năng động, chuyên nghiệp và gần dân.

Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

“Cú bứt phá” ngoạn mục

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.