Cha bỏ đi từ lúc em lên 5 tuổi, 2 mẹ con lây lất sống trong căn chòi lá tạm bợ trên bờ vuông của hàng xóm. Thiệt thòi hơn những đứa bé khác, tuổi thơ em không được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cha mẹ, cuộc sống thiếu trước hụt sau, thế nhưng Dương Tường Duy, lớp 12C1, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, huyện Trần Văn Thời, luôn đạt thành tích học sinh khá, giỏi trong những năm học qua.
Cha bỏ đi từ lúc em lên 5 tuổi, 2 mẹ con lây lất sống trong căn chòi lá tạm bợ trên bờ vuông của hàng xóm. Thiệt thòi hơn những đứa bé khác, tuổi thơ em không được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cha mẹ, cuộc sống thiếu trước hụt sau, thế nhưng Dương Tường Duy, lớp 12C1, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, huyện Trần Văn Thời, luôn đạt thành tích học sinh khá, giỏi trong những năm học qua.
Hằng ngày, Duy thức dậy từ lúc 5 giờ sáng chuẩn bị tập vở, rồi đạp xe hơn 11 cây số đến trường. Ðường xa, nhà thưa thớt, ít người qua lại, nhất là vào buổi sáng sớm nên Duy và các bạn trong xóm phải đợi nhau đi học. “Có những hôm mưa, dông, trời tối như mực, em không đón được bạn đi cùng, một mình đạp xe đến trường rất sợ, còn bị trễ giờ học.
Em Dương Tường Duy |
Ðứng trước cổng trường vừa đói, vừa lạnh em thấy tủi thân lắm”, Duy nghẹn ngào nhớ lại. Sự vất vả, thiếu thốn không làm em gục ngã, ngược lại đó còn là động lực để em phấn đấu nhiều hơn nữa. Duy đặc biệt nổi trội ở các môn khoa học xã hội. Trong học kỳ 1 năm học 2014-2015, em đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi vòng tỉnh môn Ðịa lý. Mỗi ngày, Duy dành 3 tiếng đồng hồ để học bài và làm bài tập ở nhà. Ở trường, ngoài việc cố gắng ghi nhớ những gì được thầy cô truyền đạt, Duy luôn tranh thủ hỏi thầy cô, bạn bè những điều mình chưa rõ.
Học lực khá, luôn hoà đồng với bạn bè, lễ phép với thầy, cô nên Duy được mọi người yêu mến, giúp đỡ. Hơn thế, em còn là nguồn cảm hứng để các bạn cùng lớp có thêm nghị lực phấn đấu. “Bạn Duy rất siêng học và tận tình giúp đỡ các bạn trong lớp. Tuổi thơ của mình có cha, có mẹ, còn bạn ấy chỉ có mẹ nhưng bạn ấy đã cố gắng vươn lên. Vì vậy, em thấy mình cần phải học hỏi nhiều ở Duy”, em Ðỗ Hồng Thoảng, bạn cùng lớp với Duy, nhận xét. “Trong các hoạt động ở trường, khi thầy cô giao nhiệm vụ Duy đều hoàn thành tốt. Ở lớp, Duy rất hoà nhã với bạn bè. Duy luôn chủ động hỏi thầy cô về những điều mình chưa hiểu. Có những bài chưa học nhưng Duy đã tìm hiểu trước và hỏi giáo viên những kiến thức nâng cao”, cô Mai Hồng Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, nhìn nhận.
Không có đất sản xuất, cuộc sống của 2 mẹ con Tường Duy hiện nay chỉ nhờ vào 2 công vuông thuê với giá rẻ của người bà con nhưng thu nhập bấp bênh. Ngày cha Tường Duy bỏ đi, mẹ em (chị Chung Giao Linh) đau ốm triền miên cho đến nay. Mới 46 tuổi, căn bệnh viêm phế quản mãn tính và viêm khớp khiến chị Linh không thể lao động nặng được. Cái khổ nối tiếp cái khổ, hết mẹ bệnh lại con bệnh. “Lúc nhỏ Duy rất khó nuôi, bệnh quanh năm suốt tháng. May mắn là ở gần ông bà ngoại và mấy dì nên mọi người thay phiên nhau chăm sóc, con gái tôi mới được học hành cho đến ngày hôm nay”, chị Linh bùi ngùi nhớ lại.
Thấy hoàn cảnh đáng thương của gia đình Duy, năm 2014, một nhà thờ ở huyện Cái Nước vận động các nhà hảo tâm cất cho 2 mẹ con Duy căn nhà kiên cố. “Mừng lắm! Tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ. Căn nhà là tài sản lớn nhất của mẹ con tôi, sau này tôi có ra sao thì con Duy cũng còn có nhà để ở”, chị Linh xúc động nói.
Tự ý thức hoàn cảnh khó khăn và để bớt đi gánh nặng cho mẹ, hằng năm, vào dịp hè, Duy xin mẹ đi lột tôm mướn ở các xí nghiệp. Số tiền ít ỏi kiếm được trong 3 tháng hè Duy đều đưa hết cho mẹ. Còn riêng mình, Duy không hề mặc cảm với những thiếu thốn của bản thân so với các bạn cùng trang lứa, Duy chỉ mặc toàn đồ cũ của các chị em con của dì cho. Dù đường xa, đạp xe mệt nhọc nhưng cô bé Tường Duy không dám ăn sáng để tiết kiệm tiền mua đồ dùng học tập hoặc phòng khi xe hư dọc đường… Vì thiếu tình thương của cha, sống trong sự đùm bọc của bà con, hàng xóm, có ai hỏi đến hoàn cảnh gia đình, Duy hay giấu những giọt nước mắt của mình bằng câu nói đùa: “Em là con bá tánh”.
Khó khăn là thế nhưng không làm 2 mẹ con Duy nản lòng. Gởi gắm nguyện vọng của mình vào đứa con gái duy nhất và hiểu được ước mơ của con, mẹ Duy luôn tỏ ra lạc quan để tránh cho con bị phân tâm trước kỳ thi cuối cấp sắp tới. “Duy ham học, làm mẹ dù khổ mấy tôi cũng ủng hộ con mình học đến nơi đến chốn”, chị Linh quyết tâm.
Hiểu được sự kỳ vọng của mẹ và mẹ chính là động lực lớn nhất để em vượt qua những lúc khó khăn, Duy nói sẽ đăng ký thi vào những ngành được miễn, giảm học phí để mẹ em đỡ gánh nặng. Tường Duy chia sẻ: “Em cố gắng thi được điểm cao, đậu đại học, có được nghề ổn định nuôi bản thân và sau này lo cho mẹ”./.
Bài và ảnh: Kiều Oanh