ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 23-9-24 13:30:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phái đẹp góp sức xây dựng làng quê

Báo Cà Mau (CMO) Biển Bạch (huyện Thới Bình) là xã giáp ranh phía Tây Bắc của Cà Mau. Sự chuyển mình mạnh mẽ của địa phương này gắn với chương trình xây dựng NTM trong hơn 10 năm qua. Ðến thời điểm hiện tại, Biển Bạch đạt 17/19 tiêu chí NTM, tiệm cận mục tiêu về đích trong năm 2021.

Một câu chuyện thú vị tại Biển Bạch, đó là những đóng góp thiết thực, quan trọng của phái đẹp trong các công việc xây dựng NTM của địa phương. Nói như lời Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðoàn Xuân Nguyện thì: “Phụ nữ của Biển Bạch vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, góp thêm những sắc màu hết sức sinh động, tươi đẹp trong xây dựng NTM”.

Tháo nút thắt tiêu chí “mềm”

Trong câu chuyện, bà Nguyện rất tâm đắc về vai trò phụ nữ trong những thành quả phát triển chung của xã nhà. Bà Nguyện trải lòng: “Ông bà xưa nói, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Vai trò của phụ nữ ngày nay, ngoài gia đình, còn là trách nhiệm chung với quê hương, xứ sở”.NTM không chỉ là đích đến, NTM là một hành trình không ngừng nghỉ để dựng xây cuộc sống mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Và trong đó, phụ nữ Biển Bạch không chỉ đóng góp vào việc hoàn thiện các tiêu chí NTM mà còn là nhân tố kiến tạo nên hồn cốt của nếp sống mới.

Ðối với Biển Bạch, ngoài các nguồn lực để đầu tư cho các tiêu chí “cứng” trong xây dựng NTM, thì nút thắt lớn nhất là các tiêu chí “mềm”. Bà Nguyện dẫn giải: “Hơn 10 năm xây dựng NTM, việc khó nhất vẫn là hình thành nên con người mới, nếp sống mới”. Ðịa phương đã rất trăn trở với tiêu chí môi trường, một tiêu chí phụ thuộc phần nhiều vào thái độ, ý thức và thói quen làm ăn, sinh hoạt của người dân. Không chỉ riêng Biển Bạch, nhiều địa phương của Cà Mau vẫn loay hoay để tìm cách tháo gỡ khó khăn này.

Bà Nguyện bộc bạch: “Chỉ nói về chuyện nhà vệ sinh thôi, thấy nhỏ mà không nhỏ. Hầu hết bà con đều có nhà vệ sinh hợp chuẩn rồi, nhưng theo thói quen, họ vẫn giữ lại những nhà tiêu trong ao, hồ của gia đình. Ðịa phương vận động thì họ chống chế, rồi đâu vẫn vào đấy”.

Sau khi áp dụng nhiều phương cách mà kết quả không mấy khả quan, Biển Bạch rốt cuộc cũng tìm ra chìa khoá để giải quyết dứt điểm nút thắt này, đó là phụ nữ. “Nếp nhà, thói quen sinh hoạt của từng gia đình có vai trò quan trọng của người phụ nữ, phải đi vào vấn đề cốt lõi này”, bà Nguyện tâm sự.

Với các phong trào “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ xây dựng tuyến đường hoa”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”..., phái đẹp của Biển Bạch đã lan toả một nguồn năng lượng tích cực, tươi mới trong xây dựng NTM. Hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 11, bà Bùi Kiều Trang trải lòng: “Nhìn vô người phụ nữ, người ta đánh giá được một gia đình, rộng ra là diện mạo của cả xóm làng, địa phương. Phụ nữ cũng phải mới để xây dựng NTM”.

Tuyến đường hoa nông thôn mới của Chi hội Phụ nữ Ấp 11, xã Biển Bạch.

Và rồi, Biển Bạch đã hoàn thành được các tiêu chí mềm trong xây dựng NTM theo một cách vô cùng ấn tượng. Từ nếp ăn ở đến diện mạo của làng quê, đâu đâu người phụ nữ cũng có dấu ấn đậm nét. Sự chuyển biến đến từ gốc rễ, thế nên chất lượng các tiêu chí NTM cũng bền chắc. Phái đẹp Biển Bạch có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong thành tựu chung ấy.

Người phụ nữ mới

Cùng bà Bùi Kiều Trang ghé thăm Ấp 11, xã Biển Bạch, đúng là nơi đây có nhiều câu chuyện thú vị để kể. Bà Trang tâm huyết: “Trước đây, vai trò phụ nữ chỉ gói gọn trong quán xuyến, chăm lo việc nội trợ, con cái, gia đình thôi. Còn vai trò kinh tế thì chỉ có đàn ông gồng gánh. Cũng vì thụ động, lệ thuộc kinh tế mà chị em ít tiếng nói, thậm chí là thiệt thòi, ấm ức”. Vậy là Chi hội Phụ nữ ấp phát động phong trào chị em tự chủ, tự lực trong xây dựng các mô hình kinh tế, tạo thu nhập. Chỉ trong 5 năm, tổ hùn vốn của ấp đã huy động khoảng 600 triệu đồng để giúp chị em làm ăn, cho mượn luân phiên với mức 5 triệu đồng/hội viên.

Không chỉ vậy, chi hội đứng ra thành lập quỹ để chị em tham gia BHYT (đạt 100% với gần 200 hội viên). Bên cạnh đó, chị em còn mua được 42 sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bà Trang phấn khởi: “Hội viên phụ nữ chỉ còn 4 trường hợp nghèo, 2 cận nghèo. Quyết tâm của Ấp 11 là phải cùng nhau giúp các chị em này vươn lên càng sớm, càng tốt”. Cách giúp đỡ của Chi hội Phụ nữ Ấp 11 cũng bài bản, phù hợp. Vốn là một chuyện, còn phải có mô hình, có thu nhập, không nói suông, làm suông.

Chị Nguyễn Thị Mãi vừa vun gốc các chậu sen đá, xương rồng vừa kể: “Làm cho vui mà thu nhập cũng rất khá. Cái này chị Trang mần trước rồi chỉ lại cho tôi”. Chị Mãi cùng chồng có 18 công đất làm lúa tôm, trước đây kinh tế chỉ đủ ăn. Rồi khi tham gia sinh hoạt chi hội, chị Mãi mạnh dạn bàn với chồng để mình chăn nuôi heo, gà vịt, ếch, may đồ, trồng kiểng... Với sự đồng hành của chi hội, công việc nào chị Mãi làm cũng chú tâm, kết quả. Giờ đây, khi cuộc sống đã thảnh thơi, chị Mãi ngẫm nghĩ: “Phụ nữ nông thôn giờ cũng phải làm kinh tế thôi. Chớ cứ bếp núc, nuôi con, giao phó kinh tế cho đàn ông thì cuộc sống khó tiến bộ lắm, nhiều khi còn hục hặc, bế tắc nữa”.

Còn chị Lê Thị Khuyên khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, thán phục vì đam mê trồng kiểng. Chồng chị Khuyên hớn hở: “Tôi hụ hợ thôi, vợ tôi trồng hết vườn kiểng này đó. Không chỉ trồng mà còn cắt tỉa đủ kiểu hết”. Chị Khuyên cười: “Người ta mới trả hơn 100 triệu đồng cho vườn kiểng mà tôi chưa ưng bán”. Nhìn những gốc kiểng được cắt tỉa, tạo hình chuyên nghiệp, chăm sóc chu đáo, chúng tôi mắt tròn mắt dẹt. Chị Khuyên kể: “Tôi tay ngang thôi mà mê. Học trên mạng một mớ, còn một mớ tự mình mày mò suy nghĩ thêm. Tôi cũng đăng ký đi học lớp trồng, chăm sóc và tạo dáng cây kiểng do xã tổ chức rồi. Mình phải học để làm cho đẹp hơn”.

Nghe chồng chị Khuyên kể: “Vợ tôi mê tới mức ban đêm cũng mày mò cắt uốn khung tạo hình cho cây kiểng bằng dây chì, sắt thép. Cũng có hoa tay nên uốn ra hình đủ thứ con hết. Cây nào không ưng, vợ tôi cưa gốc, tạo dáng lại, lụi hụi suốt ngày với cây cối có khi quên ăn, quên ngủ”. Mục tiêu của chị Khuyên chỉ đơn giản là: “Cho vườn cây ở nhà đẹp hơn, có giá trị hơn để tạo nguồn thu nhập thêm. Cái này tôi thấy đàn ông làm được, mình cũng làm được. Quan trọng là tôi đam mê với cây kiểng dữ lắm!”.

Diện mạo của Biển Bạch đã duyên dáng hơn, tươi thắm hơn, căng tràn nhựa sống hơn khi có bàn tay đóng góp của người phụ nữ. Không chỉ ở Biển Bạch, hành trình xây dựng NTM ở Cà Mau trân trọng ghi nhận những đóng góp lớn lao, giá trị của phái đẹp cho chính gia đình mình và cho quê hương xứ sở./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Liên kết hữu ích

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.