(CMO) Đưa ra lý do lúa không đủ chuẩn, một công ty vốn đảm nhận nhiệm vụ bao tiêu lúa ST24 và ST25 trên đất nuôi tôm tại 2 xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng, huyện Thới Bình từ chối mua. Dù vào thời gian này, người dân đang bước vào giai đoạn thu hoạch.
Trước tình hình này, ngày 28/11, Sở NN&PTNT phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, UBND 2 xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng, cùng đại diện 3 HTX Hòa Phát, Dân Phát và Ông Đuông có buổi làm việc với đại diện Công ty CP Lương thực A An (công ty con của Tập đoàn Tân Long). Theo hợp đồng ký kết, đây là công ty đảm nhận nhiệm vụ tiêu thụ lúa ST24 và ST25 trên đất nuôi tôm tại 2 xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng. Nội dung làm việc xoay quanh tiến độ thu mua lúa trên địa bàn 2 xã và có hay không việc vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu mua thời gian qua.
Hiện tại, nhiều diện tích lúa tại 2 xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng đã bước vào giai đoạn chín và thu hoạch. |
"Như ngồi trên đống lửa"
Tiếp chúng tôi, ông Trương Văn Thảo (ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông) chỉ tay về đống lúa đang trổ mọng, lộ rõ nỗi lo lắng. Theo lời ông Thảo, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, theo vận động, ông xuống giống hơn 2 ha lúa ST25. Đến nay, tất cả được thu hoạch, nhưng phía công ty không chịu thu mua. Giờ đây ông không biết phải làm sao.
"Tôi thu hoạch vào ngày 23/11, sáng hôm sau là tiến hành suốt lúa. Thời gian tôi cho nhân công gặt lúa cũng là thời gian ấn định của công ty, chứ chúng tôi hoàn toàn không được quyết định. Thế nhưng, hơn 3 ngày sau khi lúa được thu hoạch, phía công ty cùng đại diện HTX xuống kiểm tra lúa thì nói với tôi là lúa qua độ ẩm, không đủ chuẩn nên không mua. Lỗi này đâu phải của tôi mà bắt tôi phải chịu. Giờ đây hơn 6 tấn lúa của tôi phải biết làm sao", ông Thảo bộc bạch.
Hộ ông Trương Văn Thảo (ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông) đã phải sử dụng toàn bộ không gian nhà để chứa lúa sau thu hoạch vì không ai thu mua. |
Cùng nỗi khổ, ông Nguyễn Anh Khép (ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông) nói: “Tôi năm nay gần 70 tuổi nhưng chưa thấy trường hợp nào mua lúa kiểu như thế này, mua lúa lựa từng hột để kiểm định, mà đâu phải kiểm tại chỗ đâu. Đằng này họ đem lúa đi đâu ấy, sau đó mới thông báo là lúa không đủ chuẩn”.
"Trồng lúa năm nay chi phí bỏ ra nhiều hơn mọi năm, do vật giá tăng cao, đến giá nhân công cũng tăng. Tuy vụ lúa này mặt bằng chung là được mùa nhưng niềm vui chưa trọn vẹn, nay lại lâm vào cảnh đầu ra bế tắc, giờ đây chúng tôi như ngồi trên đống lửa", ông Khép chia sẻ.
Gặt lúa vào thời điểm mưa nhiều nên sản lượng lúa của người dân đã bị lên mọng. |
Câu trả lời không thấu tình đạt lý
Tại buổi làm việc với đại diện Công ty CP Lương thực A An, rất nhiều nông dân cũng như chính quyền địa phương đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong quá trình thẩm định cái gọi là "chuẩn" do công ty đưa ra. Điều đáng nói, vấn đề này không được trả lời thấu tình đạt lý.
Đơn cử như thời gian từ lúc nhận cuộc gọi đến lúc cho nhân viên xuống kiểm tra, thẩm định chất lượng, theo nhiều hộ dân thì khoảng thời gian khá dài, điều này cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng lúa. Kế đến thiết bị đo độ ẩm, theo lời người dân và cán bộ địa phương thì thiết bị này có vấn đề, nói khác đi là độ chính xác không có. Thực tế, cũng một loại lúa, cùng thời điểm đo nhưng sai số rất lớn. Việc dựa vào một thiết bị không chuẩn xác như vậy để làm thước độ độ "chuẩn", từ đó cho ra quyết định mua hay không mua là điều không thể chấp nhận được.
Ghi nhận của phóng viên, tại buổi làm việc này, dù không là khách mời, nhưng khi nhận được tin, rất đông người dân đã tìm đến, đứng bên ngoài để lắng nghe. Ngồi bên lề buổi làm việc, họ mang theo một tâm trạng vừa bức xúc vừa lo lắng. Lo lắng cho cuộc sống, lo lắng cho những khoản chi tiêu sau này, lo lắng cho những khoản nợ đã ký mượn, tạm ứng trong vụ lúa này, khi mà hàng loạt sản lượng lúa trên địa bàn bị đánh giá là không đủ chuẩn.
Tận dụng ngày nắng nóng, người dân phơi cho đủ độ ẩm. |
Từ hơn 10 ngày qua, diện tích lúa trên đất nuôi tôm ở địa bàn 2 xã Biển Bạch Đông và Tân Bằng đã bước vào giai đoạn thu hoạch, đến thời điểm này đã thu hoạch xong khoảng 400 ha.
Không có chuyện bắt giữ người
Tại một diễn biến khác, phía Công ty CP Lương thực A An đã có công văn gửi sở, ngành tỉnh và chính quyền sở tại (nơi công ty thu mua lúa) phản ánh về việc trong quá trình thực hiện đã bị hành hung, bắt giữ...
Cụ thể, công văn ghi: "Thực hiện Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ Lúa tôm ST24/ST25 số 01A-2022/HĐ/LKSX- CMAA với HTX Dân Phát; số 01B-2022/HĐ/LKSX-CMAA với HTX Hòa Phát và số 01C- 2022/HD/LKSX-CMAA với HTX Ông Đuông, dựa theo danh sách các hộ giao lúa mà 3 HTX này cung cấp từ ngày 19/11/2022, công ty chúng tôi đã tiến hành thực hiện thu mua lúa trực tiếp tại cánh đồng. Trong quá trình đánh giá chất lượng lúa, hiện trạng lúa để quyết định thu mua, một vài hộ dân của HTX Ông Đuông đã có những hành động quá khích: bắt giữ, khống chế người của công ty chúng tôi, cầm dao rượt đuổi và đến ngày hôm nay 25/11/2022 đã đánh người của công ty chúng tôi gây thương tích. Cụ thể: Ngày 24/11/2022, tại ấp Lê Hoàng Thá, trong khi đang tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng lúa, ông Phạm Văn Liệt, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hoài Nam, Tăng Tiến Hậu là cán bộ KCS của chúng tôi bị hộ dân Trần Vãn Năm rượt đuổi và bắt giữ. Đỉnh điểm ngày 25/11/2022, ông Nguyễn Văn Trường bị hộ dân Mai Hoàng An, ấp Lê Hoàng Thá xô sát, hành hung gây thương tích, trong khi có đại diện HTX Ông Đuông có mặt nhưng không có hành động ngăn cản, giải quyết. Tiếp đó, đến ngày 26/11/2022 hộ dân khu vực HTX Dân Phát, Hòa Phát lại có những phản ứng và đe dọa, họ đã kéo đến nhà ông Thời HTX Hòa Phát khiến ông phải tạm lánh mặt vào UBND xã Biển Bạch Đông để được an toàn. Nhân viên công ty chúng tôi đã rất hoang mang và lo sợ nên đã đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc vì lo ngại ảnh hưởng đến tính mạng”.
Đoạn cuối công văn này, phía công ty thể hiện: "Nhận thấy tình hình an ninh trật tự trên địa bàn của 3 HTX này không còn được kiểm soát, không an toàn, để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cũng như an toàn về tính mạng của nhân viên và tài sản của công ty chúng tôi, bằng công văn này, chúng tôi xin thông báo chúng tôi sẽ tạm dừng việc tiếp tục thu mua lúa của 3 HTX này cho đến khi nào vấn đề được giải quyết dứt điểm”.
Tại buổi làm việc ngày 28/11, ông Lê Tuấn An, Phó chủ tịch UBND Tân Bằng khẳng định: Mâu thuẫn, xung đột là có nhưng không đến mức độ như công ty đề cập. Không cho chuyện bắt giữ xảy ra trong việc này. Vụ việc đã được tiếp nhận và trong quá trình xử lý.
"Không có việc vào ngày 26/11 vừa qua ông Thời phải chạy đến UBND xã Biển Bạch Đông để tạm lánh nạn vì sợ hành hung. Đúng là vào thời gian đó, ông Thời có đến UBND xã, nhưng đến để dùng cơm cùng với một vài anh em báo chí xuống để ghi nhận thông tin vụ việc lúa bị bế tắc đầu ra mà thôi", ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông cho biết.
Ông Huỳnh Hữu Trung Kiên, Phó giám đốc điều hành mảng gạo của Tập đoàn Tân Long nêu quan điểm tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Hữu Trung Kiên, Phó giám đốc điều hành mảng gạo của Tập đoàn Tân Long cũng đã trần tình về vụ việc vừa qua, cũng như lý do phía công ty từ chối thu mua lúa của người dân. Đồng thời, mong muốn bà con chia sẻ những khó khăn mà công ty đã gặp phải trong những ngày vừa qua.
Theo ông Kiên, để xảy ra mâu thuẫn như ngày hôm nay là do phía HTX đã không hiểu hết hợp đồng, thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết trước đó. Việc điều động nhân lực, phương tiện thủy đến khu vực này để thu mua và vận chuyển không phải chuyện dễ dàng, không phải muốn là có, gọi là đến ngay, mà phải có thời gian chuẩn bị và có kế hoạch cụ thể.
“Tới đây phía công ty sẽ vẫn tiếp tục thu mua lúa của bà con, nhưng theo phương án: lúa đảm bảo chất lượng thì sẽ thu mua theo giá cũ là 8.100 đồng/kg, theo thời gian đã được thể hiện trong hợp đồng. Còn lúa không đủ chuẩn sẽ mua theo cách tự thoả thuận sau này. Tuy nhiên, để thuận tiện, đại diện các HTX cần có công văn yêu cầu để trình Ban lãnh đạo Tập đoàn cho ý kiến”, ông Kiên cho ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, phát biểu tại buổi làm việc. |
“Trong cuộc sống chúng ta cần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Mọi hành vi vi phạm, gây mất an ninh trật tự sẽ phải chịu xử lý theo quy định. Trong vấn đề này cũng thế, phải tôn trọng hợp đồng đã ký kết. Phía công ty cân nhắc các giải pháp hỗ trợ cho người dân. Phía người dân và HTX cũng cần tuân thủ hợp đồng. Phải biết cách bảo vệ mình, trước mắt nên tìm mọi giải pháp để đảm bảo chất lượng lúa sau thu hoạch như phơi, sấy... như những gì mà chúng ta đã thực hiện từ nhiều năm trước đây”, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT
Văn Đum