Thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về nghiêm cấm sử dụng hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ và ngành nghề khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ, hải sản; các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi tập trung nhiều biện pháp, đạt kết quả tích cực.
- Cách hay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Cùng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Tạo thói quen bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Lan toả phong trào bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thuỷ sản
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân, từ đầu năm đến ngày 15/10, lực lượng công an trong huyện phối hợp các ngành chức năng đã tổ chức tuần tra, phát hiện xử phạt 65 vụ/68 đối tượng sử dụng công cụ kích điện khai thác thuỷ sản trái phép, với số tiền 275 triệu đồng. Ngày 18/9, Toà án Nhân dân huyện tổ chức xét xử lưu động tại xã Tân Ðức vụ án “Huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản” đối với bị cáo Lê Văn Tình, cư trú ấp Cái Keo, xã An Phúc, huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, tuyên phạt 9 tháng tù.
Tổ kiểm tra Liên ngành số 28 của huyện ra quân giải toả các chướng ngại vật đường thuỷ nội địa trên tuyến kênh Sáu Ðông đi qua địa bàn các xã: Tạ An Khương Nam, Tạ An Khương Ðông, Tân Ðức và Tân Thuận, chiều dài hơn 30 km, đã giải toả trắng hơn 500 chướng ngại vật, đáy ngầm, lú, chà. Sau thực hiện hoàn thành đã bàn giao lại cho UBND các xã quản lý, kiểm tra xử lý những hộ tái vi phạm theo quy định của pháp luật.
Quyết tâm không để lú, đáy ngầm trên sông, kênh, rạch.
Ông Trần Hoàn Bách, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết: “10 tháng đầu năm, UBND xã chỉ đạo Công an xã và các lực lượng của xã tuần tra kiểm soát trên 38 lượt, qua đó phát hiện 9 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 36 triệu đồng. Xã phối hợp các ngành chức năng của huyện giải toả các đáy, neo, lú trên sông, qua đó tạo điều kiện cho nguồn lợi thuỷ sản tái tạo”.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ðầm Dơi, chia sẻ: “Qua rà soát, trên địa bàn thị trấn không có phương tiện khai thác tận diệt, huỷ diệt. Ðịa phương chỉ đạo lực lượng công an xã, dân quân tự vệ kiểm tra thường xuyên, xử lý tình trạng đặt lú, đáy trên sông; hiện nay, trên địa bàn cũng giải toả trắng các hàng đáy, lú. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, không khai thác huỷ diệt và tận diệt, góp phần bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ đa dạng sinh học để phát triển bền vững”.
Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia, đến nay nguồn lợi thuỷ sản trên các sông, kênh, rạch được khôi phục. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 10 vừa qua, toàn huyện đã có hàng trăm đối tượng vớt cá nâu con trên sông công cộng thả vào vuông nuôi tôm của mình để nuôi, cũng có nhiều đối tượng bắt, vớt cá nâu con để bán lại cho người dân nuôi. Hành vi này tuy nhằm tăng thêm sản lượng cho các đầm, vuông tôm xen canh, nhưng cần tuyên truyền, hạn chế và nghiêm cấm nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên sông công cộng. Ông Trần Hoàn Bách cho biết: “Trên địa bàn xã, hiện cá nâu con đang sinh sôi, phát triển, thời gian qua người dân vớt bán, có những hộ một ngày bán cho người dân thả vào vuông nuôi từ 3-5 triệu đồng. Chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên ra quân quyết liệt giải toả các chướng ngại, công cụ trên sông, rạch, để góp phần đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản được tái tạo đa dạng, phong phú, hạn chế tình trạng vớt cá nâu con”.
Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Ðịa phương phát huy tốt các tổ cộng đồng, các thành viên tham gia, cấp xã thường xuyên đến kiểm tra, đánh giá về tính hiệu quả của các tổ. Qua đó, kịp thời động viên, khen thưởng đối với tổ tham gia quản lý chặt chẽ, thực hiện tốt việc xử lý cũng như công tác tuyên truyền, nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản”./.
Trần Danh