(CMO) Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương, ngành điện lực nỗ lực đem nguồn điện phục vụ tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhưng hiện nay toàn huyện Trần Văn Thời vẫn còn hơn 2.300 hộ dân đang từng ngày sống với cảnh sử dụng điện chia hơi.
Có 4 hộ hạ thế điện mà chia hơi cho hơn 20 hộ trong vùng là thực trạng diễn ra hơn 10 năm nay ở đầu ngoài kinh Giữa Lớn, thuộc ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải. Các hộ dân sử dụng điện chia hơi nơi đây phải chi trả tiền điện theo cách chia đều trên tổng số hộ sử dụng điện (đối với mỗi điện kế chính). Mặc dù biết cách tính tiền điện như vậy sẽ thiệt thòi hơn nhiều so với căn cứ vào chỉ số điện năng tiêu thụ thực tế của mỗi hộ nhưng họ cũng đành chịu.
Dây điện kéo bằng cây gỗ tạm bợ, dễ đổ ngã, rất nguy hiểm. (Ảnh chụp tại Xóm Rẫy, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời). |
Ông Võ Văn Hào cho biết: “Nhà có bóng đèn, quạt, tivi, mô-tơ nước mà tiền điện tới 300.000-400.000 đồng/tháng. Tính ra mỗi kWh điện có giá từ 7.000-10.000 đồng”.
Mỗi kWh điện phải chi trả cao gấp 3-5 lần so với mức giá điện hạ thế. Vậy mà, việc sử dụng cũng đâu thoải mái. Như lời chia sẻ của ông Hào: “Nhiều hộ dùng chung đường dây điện dẫn đến quá tải”.
Ông Phạm Văn Em cũng cho biết: “Nhà có nồi cơm điện mà toàn nấu củi. Bởi, điện yếu nấu cơm sống nhiều hơn chín. Còn bơm nước, chẳng dám dùng loại nén lớn. Muốn sắm sửa đồ đạc trong nhà cũng không dám vì mua về xài không được, sắm chi. Muốn nuôi heo nhiều cũng không được, vì điện đâu đủ để kéo ống nước dội, toàn xách nước dưới sông”.
Hộ chia hơi sử dụng điện khó khăn đã đành, ngay cả hộ đồng ý cho chia hơi điện cũng gặp khó trong sinh hoạt. Ông Lý Minh Quyền, hộ hạ thế điện đầu tiên ở kinh Giữa Lớn, cho biết: “Tôi cho 3 hộ trong xóm chia hơi. Lúc mọi người cùng xài điện yếu lắm. Muốn bơm nước phải bơm trước 5 giờ chiều, còn trễ quá bơm không nổi. Khó vậy nhưng biết làm sao. Phần đường điện mình kéo qua đất người ta không đồng ý chia hơi cũng không được, lại thêm thấy mình có điện sử dụng mà bà con không có cũng bứt rứt”.
Sẽ thấy dây điện được mắc nối tạm bợ bằng những cây gỗ nhỏ, chằng chịt, cao tầm 2-3 m, có những dây nằm sát mặt đất khi đặt chân đến Xóm Rẫy, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông. Cả xóm có 32 hộ dân nhưng số hộ có điện kế chính chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả chục năm nay người dân nơi đây luôn sống trong cảnh phập phồng, lo sợ vì sử dụng điện chia hơi.
Chị Nguyễn Tuyết Linh bày tỏ: “Nhà tôi dùng cây đước để kéo đường điện, không an toàn nên lúc nào cũng lo lắng. Sợ cho mình mà sợ cả những người qua lại, không may bị tai nạn thì khổ”.
Chung cảnh khổ với người dân Xóm Rẫy, hàng chục năm nay bà con sinh sống dọc theo kinh Bờ Cảng (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông) và kinh Giữa Lớn (ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải) hằng ngày cũng sống trong cảnh bất an.
Ông Phạm Văn Em, kinh Giữa Lớn, ấp Kinh Giữa, cho biết thêm: “Gia đình đâu có điều kiện xây trụ bê-tông để kéo điện chiều dài tới 700 m nên chỉ dùng cây gỗ tạm, thường hay bị đổ ngã, nhất là mùa mưa, bão như thế này. Mới đây, cây bạch đàn bắc ngang sông để kéo điện bị bung gốc, ngã, phải đi sửa lại”. Ông Trần Văn Tú, kinh Bờ Cảng, bộc bạch: “Bà con chúng tôi mong được đầu tư điện lắm!”.
Ước mong của ông Tú, ông Em cũng là ước mong chung của hơn 2.300 hộ dân sử dụng điện chia hơi ở huyện Trần Văn Thời, họ mong sớm thoát khỏi cảnh mỏi mòn chờ mắc được điện kế./.
Ngọc Minh