Sáng 26/10, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Di sản văn hoá tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn ngành Di sản văn hoá năm 2023.
Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các sở văn hoá, thể thao và du lịch; lãnh đạo các bảo tàng, ban quản lý di tích, bảo tàng chuyên ngành, các bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang; các chuyên gia và cán bộ quản lý di sản văn hoá các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu trao đổi các nội dung như: Bảo tàng và Phát triển bền vững: Sự thúc đẩy cho sự phát triển xanh; Liên kết di sản văn hoá phi vật thể: Nền tảng chia sẻ thông tin làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Công nghiệp văn hoá và Quyền sở hữu trí tuệ đối với di sản văn hoá trong môi trường số; Phát triển công nghiệp văn hoá - Nhìn từ góc độ xây dựng các sản phẩm lưu niệm của bảo tàng, di tích (Trường hợp Văn Miếu Quốc Tử Giám); Vấn đề hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá, quỹ bảo tồn di sản văn hoá; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh ở làng Trường Lưu…
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, hy vọng thông qua hội thảo lần này, sẽ tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; các địa phương khai thác các nguồn tài nguyên văn hoá và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy “sức mạnh mềm”, nội sinh của văn hoá để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và đóng góp tích cực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hoá hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá. Tích cực và chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hoá của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn kết với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục Tưởng Cục Di sản văn hoá, hy vọng các địa phương khai thác các nguồn tài nguyên văn hoá để phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 8 di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới, 15 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, 9 di sản tư liệu thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh; trên 40.000 di tích đã được kiểm kê; 498 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 196 bảo tàng (gồm 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.
Cà Mau có 55 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 12 di tích quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh); 1 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh (Đờn ca tài tử Nam Bộ), 4 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: Nghề Gác kèo ong; Nghề Muối ba khía; Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc và Nghệ thuật Nhạc trống lớn của Người Khmer.
Nghề gác kèo ong của Cà Mau được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia năm 2020.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Đây chính là những di sản văn hoá tiêu biểu minh chứng giá trị của lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của con người Cà Mau qua nhiều thế hệ, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hoá từ nhiều nền văn minh để không ngừng hoàn thiện và phát triển. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Cà Mau là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay trước sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người. Hoạt động tập huấn và hội thảo khoa học ngành di sản văn hoá được tổ chức tại tỉnh Cà Mau lần này là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng văn hoá, du lịch của tỉnh Cà Mau đến với bạn bè trong cả nước”.
Kim Cương