ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 08:33:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đưa sản vật quê hương vươn tầm thế giới

Báo Cà Mau Xuôi theo những con đường bê tông nối liền, chúng tôi tìm đến ấp Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước. Nơi đây hiển hiện những vuông tôm quảng canh xen lẫn những đầm nuôi công nghiệp, tạo nên một bức tranh sinh động của vùng đất chuyên canh thuỷ sản.

Từ chính mảnh đất này, một cái tên đã trở thành niềm tự hào, không chỉ của người dân địa phương mà còn vang danh khắp cả nước: Hợp tác xã Chế biến Thương mại Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát (HTX Cái Bát).

Hành trình phát triển của HTX Cái Bát là một câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của những nông dân vùng đất Cà Mau. Họ đã chứng minh rằng, với sự quyết tâm và tầm nhìn đúng đắn, sản phẩm của quê mình hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế.

Và khát vọng đó đã trở thành hiện thực khi HTX Cái Bát là HTX đầu tiên của cả nước đạt chứng nhận Tiêu chuẩn Quốc tế nuôi trồng thủy sản (ASC); được chứng nhận ISO 9001:2015 - Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế; và năm 2024 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương HTX tiêu biểu toàn quốc. Đến nay, HTX Cái Bát có 5 sản phẩm OCOP, đồng thời được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực.

Khát vọng lớn lao - thành quả tự hào

Nhìn lại những ngày đầu khởi nghiệp với bao khó khăn và thách thức, càng thêm khâm phục sự quyết tâm và nỗ lực của những nhà nông tài giỏi.

Trước tình trạng người nuôi tôm phải loay hoay với bài toán được mùa mất giá, còn được giá thì mất mùa, một nhóm nông dân ở ấp Cái Bát ngồi lại và bàn tính hướng đi mới. Họ nhận ra rằng, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, cần phải thay đổi phương thức làm ăn, không thể mãi chỉ dựa vào việc bán nguyên liệu thô. Từ suy nghĩ đó, ý tưởng về việc tự tạo ra sản phẩm từ nguồn tôm, cua, cá sẵn có tại địa phương đã hình thành.

Thế là HTX Cái Bát ra đời năm 2013, chỉ vỏn vẹn 12 thành viên. Tuy nhiên, giai đoạn đầu phải đối mặt với nguy cơ phá sản do làm ăn thua lỗ. HTX vực dậy khi được ngành chức năng tái cấu trúc, sáp nhập thêm 2 tổ hợp tác ở địa phương và chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới vào năm 2016. Từ thời điểm này, các xã viên bắt đầu áp dụng quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế nuôi trồng thuỷ sản (ASC) và trở thành HTX đầu tiên của cả nước đạt chứng nhận này.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cái Bát, chia sẻ: “Đây là tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về thuỷ sản. Việc đạt được chứng nhận ASC không hề dễ dàng. HTX Cái Bát đã phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm; đồng thời thay đổi phương thức nuôi truyền thống, đến việc đầu tư vào các hệ thống quản lý chất lượng. Nhưng chúng tôi hiểu rằng đây là con đường duy nhất để mang lại giá trị bền vững và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Chứng nhận ASC đã mở ra một chân trời mới cho HTX Cái Bát, nhìn rộng hơn là cho cả ngành thuỷ sản Cà Mau và cả nước. Sản phẩm tôm sú của HTX đã được công nhận trên toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy chất lượng và sự uy tín của nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm thế giới nếu được đầu tư bài bản và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong quá trình phát triển, HTX Cái Bát luôn chủ động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, trưng bày sản phẩm OCOP.Trong quá trình phát triển, HTX Cái Bát luôn chủ động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, trưng bày sản phẩm OCOP.

Không ngủ quên trên chiến thắng, HTX Cái Bát tiếp tục hành trình nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Năm 2019, HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình chế biến. Sự đầu tư này đã được đền đáp bằng việc HTX đạt chứng nhận ISO 9001:2015 vào cuối năm 2023, một sự khẳng định về hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao uy tín của HTX mà còn tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.

HTX Cái Bát đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, được người tiêu dùng ưa chuộng và xây dựng được thương hiệu bền vững.HTX Cái Bát đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, được người tiêu dùng ưa chuộng và xây dựng được thương hiệu bền vững.

Tất cả các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ông Ân chia sẻ: “Ngoài vùng nuôi, để có nguồn nguyên liệu tốt, chúng tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, như thế mới được người tiêu dùng ưa chuộng và xây dựng được thương hiệu bền vững. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần mang đến những sản phẩm chất lượng, mang đậm hương vị biển Cà Mau đến với mọi nhà”.

Hiện tại, HTX có 26 thành viên, đồng thời liên kết với 104 thành viên để mở rộng diện tích vùng nuôi chứng nhận hữu cơ - organic và chứng nhận an toàn thực phẩm vùng nuôi, quy mô sản xuất nuôi trồng thuỷ sản 178 ha; chế biến các mặt hàng thuỷ sản các loại đạt 50-60 tấn/năm, tiêu thụ mạnh tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... và có mặt trong siêu thị AEO ở Long Biên, Hà Đông (Hà Nội). Nổi bật là sản phẩm tôm sú cấp đông được chứng nhận OCOP 4 sao và được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; sản phẩm bánh phồng tôm được chứng nhận OCOP 4 sao; sản phẩm tôm khô, chả cá phi, cua biển sống đều đạt OCOP 3 sao.

HTX Cái Bát đang sở hữu 5 sản phẩm OCOP, nổi bật là sản phẩm tôm sú cấp đông được chứng nhận OCOP 4 sao và được chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.HTX Cái Bát đang sở hữu 5 sản phẩm OCOP, nổi bật là sản phẩm tôm sú cấp đông được chứng nhận OCOP 4 sao và được chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của HTX Cái Bát chính là mô hình hoạt động hiệu quả và đơn giản. Nghĩa là, đất đai của thành viên nào thì thành viên ấy tự sản xuất, nhưng phải theo quy trình và kỹ thuật nuôi của HTX đưa ra, và khi các thành viên tạo ra sản phẩm thì sẽ được HTX thu mua lại để bán ra thị trường. Việc làm này đem lại lợi ích kép, vừa giúp cho các thành viên có được đầu ra sản phẩm ổn định, bán được giá cao hơn so với giá ngoài thị trường, vừa tạo ra nguồn thu để HTX có điều kiện hoạt động.

Trong quá trình phát triển, HTX Cái Bát luôn chủ động kết nối với Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Liên minh HTX và Sở Công thương để được hỗ trợ kịp thời về các thủ tục pháp lý cũng như kết nối thị trường tiêu thụ.

Làm sáng đẹp quê hương

Giữa vùng nông thôn vốn dĩ quen với canh tác truyền thống, HTX Cái Bát nổi lên như một điểm sáng, do chính nông dân làm chủ máy móc, trang thiết bị hiện đại, đã mang đến làn gió mới cho làng quê. Bà con nhận ra rằng, có đổi mới sáng tạo mới thật sự mang đến no ấm lâu dài, bền vững cho gia đình và quê hương.

Nơi đây không chỉ là một đơn vị kinh doanh mà còn là một cộng đồng đoàn kết, cùng nhau phát triển. Gia đình ông Lê Minh Tặng có 2,5 ha đất nuôi tôm, kinh tế lâm vào khó khăn do tôm thất nhiều năm. Tham gia vào HTX mang lại nhiều lợi ích cho ông Tặng và các xã viên, đó là mọi người cùng nhau cải tạo ao nuôi, thả giống đồng loạt, giúp hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu tác động xấu của môi trường. Đồng thời, mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm thành công, hỗ trợ lẫn nhau, từ đó nâng cao hiệu quả nuôi tôm.

Ông Tặng khẳng định: “Nhờ liên kết theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao, mô hình hợp tác này đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc tích cực và bền vững”.

Khát vọng vươn xa, HTX Cái Bát không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng dịch vụ. Mục tiêu của HTX không chỉ là tăng trưởng về doanh thu và sản lượng, mà còn là góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Cà Mau và cả nước, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Điều đó được minh chứng bằng những chỉ tiêu cụ thể mà HTX tâm huyết đặt ra ở lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản năm 2025: tôm sú đạt 1.200 tấn (năm 2022 đạt 400 tấn); cua biển đạt 400 tấn (năm 2022 đạt 180 tấn)… Hiện các thành viên của HTX áp dụng mô hình nuôi cua 2 giai đoạn, năng suất đạt 350 kg/ha/năm.

HTX Cái Bát được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.HTX Cái Bát được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Với danh hiệu HTX tiêu biểu toàn quốc và những sản phẩm OCOP chất lượng, HTX Cái Bát xứng đáng là niềm tự hào của vùng đất cực Nam, là minh chứng cho thấy tiềm năng to lớn của ngành nông nghiệp và thủy sản Cà Mau.

Ghi nhận cho hành trình nỗ lực, HTX Cái Bát đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ NN&PTNT về thành tích xuất sắc trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thành tích đóng góp tích cực đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau.

Xin khép lại bài viết với lòng khâm phục, trân trọng những nông dân cần cù, sáng tạo. Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của HTX Cái Bát và mô hình HTX của Cà Mau nói chung, khi người nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể, mang theo khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương.

Mộng Thường

 

Ðổi mới để sản xuất hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đổi mới để sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Ðồng hành cùng nông thôn

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, tích cực ở nhiều địa phương. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, có vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực.

Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học để giảm thiểu áp lực

Thảo luận về việc lồng ghép giảm thiểu tác động đối với đa dạng sinh học trong thực hiện các giải pháp quản lý và các tiêu chuẩn quốc tế đã áp dụng trong mô hình; đề xuất, khuyến nghị các giải pháp quản lý có liên quan, các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với mô hình tôm - rừng Việt Nam” là những nội dung quan trọng trong khuôn khổ Hội thảo “Khuyến nghị giải pháp thúc đẩy chuỗi tôm - rừng bền vững tại Cà Mau theo hướng chứng nhận quốc tế và bảo tồn đa dạng sinh học”, diễn ra vào ngày 19/6. Hội thảo do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau phối hợp với Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư tổ chức. 

Niềm tin về nông nghiệp sạch

Tham quan mô hình trồng rau an toàn của nhiều hộ dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, những luống rau xanh mướt đang phát triển, ít ai biết rằng, để có được sự thay đổi tích cực ấy là cả hành trình đổi mới cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển từ tập quán canh tác truyền thống sang mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Màu xuống ruộng, dân đổi đời

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời triển khai mô hình “Dân vận khéo” đưa hoa màu xuống ruộng sau vụ lúa. Từ những bờ ruộng bỏ trống ngày nào, giờ đây đã phủ màu xanh của vùng sản xuất trù phú, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo diện mạo mới cho nông thôn.

Tín hiệu tích cực từ dự án khôi phục nguồn lợi cá đồng

Xác định ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất là “chìa khoá” để thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, những năm gần đây, tỉnh Cà Mau tích cực triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phù hợp điều kiện tự nhiên địa phương. Một trong những điểm sáng là Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đồng tại tỉnh Cà Mau”.

Hỗ trợ chị em làm kinh tế

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ðầm Dơi luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và công tác hội, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế thông qua nhiều mô hình sản xuất.

Đề xuất các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm, cua

Sáng 10/6, Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm nước lợ và cua biển tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Mạnh dạn chuyển đổi mô hình

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm, thời gian qua, một số hộ dân ở huyện Trần Văn Thời thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất cao.

Giữ nghề làm nước mắm

Nước mắm là loại gia vị được xem như “quốc hồn quốc tuý” của ẩm thực Việt Nam. Bằng tâm huyết, những người làm nước mắm truyền thống trong tỉnh vẫn luôn âm thầm, bền bỉ gìn giữ nghề của cha ông để lại.