ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-7-25 15:53:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Báo Cà Mau (CMO) Từ năm 2016 đến nay, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trong tỉnh có bước tiến vững chắc, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm học 2016-2017, tỉnh có 9/9 huyện, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học năm 2016 là 97,43%; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số học đúng tuổi cấp tiểu học năm 2017 đạt 99,83%.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Lê Hoàng Dự cho biết, để công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đúng tiến độ, hiệu quả, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp tích cực trong quy hoạch và phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Mục tiêu không chỉ là trẻ em hoàn thành tiểu học mà còn hoàn thành đúng trong độ tuổi cấp tiểu học, bên cạnh đó, chất lượng PCGD tiểu học cũng không ngừng được nâng cao.

Tiết học tiếng Khmer của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem.

Toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu dân, trong đó có 13 dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Khmer (hơn 6.000 hộ) và người Hoa (hơn 8.900 hộ). Người Khmer đa số sống theo từng cụm ở một số ấp, xã thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, tập trung đông nhất ở các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Theo đó, hệ thống trường lớp thuộc Chương trình 135 như Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Danh Thị Tươi (huyện Trần Văn Thời), Trường PTDT Hữu Nhem (huyện Thới Bình) và Trường PTDT nội trú tỉnh Cà Mau đã thu hút phần lớn học sinh người dân tộc Khmer theo học.

Phó hiệu trưởng Trường PTDT Hữu Nhem Nguyễn Diễm Phúc cho biết, năm học 2017-2018, công tác tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 6 của trường tăng hơn năm trước (năm 2016: 26 em; 2017: 35 em); chất lượng đầu vào ổn định, ý thức học tập tốt.

Theo cô Diễm Phúc, năm này, trường có 4 lớp cấp THCS, với 105 em (84 em dân tộc Khmer) thuộc nhiều địa bàn xã đến học. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các em học sinh được hỗ trợ đầy đủ các chính sách, góp phần tạo động lực, điều kiện để đến trường được tốt hơn.

Tuy nhiên, cô Diễm Phúc trăn trở: “Nhiều em đi học trễ, vào lớp không chuyên tâm, khi giáo viên hỏi rõ, các em cho biết sáng phải đi vuông, nhổ năn... Nhiều phụ huynh vì chén cơm manh áo, ít quan tâm đến việc học con em, mà phó thác hết cho nhà trường”. Do đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường rà soát đối tượng học sinh, có kế hoạch tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém, vận động tập, sách, xe đạp,... giúp các em đến trường".

Em Nguyễn Bé Chi, học sinh lớp 9 của trường, chia sẻ, gia đình em thuộc hộ cận nghèo, để có dụng cụ học tập, hè em đi lột tôm với mẹ. 3 năm THCS em đều là học sinh khá, giỏi. Hiện em trong đội tuyển học sinh giỏi Toán Casio của trường. “Dù khó khăn đến đâu em cũng sẽ không bỏ lớp, bỏ trường. Vì em luôn mơ ước được trở thành giáo viên giảng dạy cho các em học sinh cũng là người dân tộc Khmer như mình”, Chi bày tỏ.

“Khó nhất hiện nay là cơ sở vật chất. Trường không có máy chiếu giảng dạy; các phòng thực hành, thí nghiệm không còn sử dụng được; các vật liệu thí nghiệm hầu hết bị hỏng, thế nên, các em chỉ “học chay” bằng chiếc máy tính nhỏ của giáo viên, hoặc qua hình vẽ. Riêng về phòng học, do buổi chiều có 5 lớp tiểu học (điểm lẻ của Trường Tiểu học Tân Bình, xã Tân Lộc Bắc) nên việc phụ đạo phải tận dụng phòng họp hội đồng”, cô Diễm Phúc chia sẻ. Tuy vậy, với cố gắng, nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, năm học 2016-2017 vừa qua, trường có 100% học sinh lớp 9 đỗ tốt nghiệp, trên 80% học sinh có học lực trung bình trở lên.

Thầy Huỳnh Êm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Bình, cho hay, do địa bàn xã Tân Lộc có đông hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên không thể xoá điểm lẻ này. Năm học 2016-2017, trường có 115 học sinh dân tộc Khmer (49 nữ): có 100% học sinh (24 em) dân tộc Khmer hoàn thành chương trình tiểu học, hiện đang theo học tại Trường PTDT Hữu Nhem; đặc biệt, không có em nào bỏ học. Để có được kết quả này, thầy Huỳnh Êm cho biết, nhà trường thực hiện tốt công tác phối, kết hợp cùng chính quyền địa phương vận động trẻ trong độ tuổi đến trường, không để bất kỳ trường hợp nào vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học.

“Việc giảng dạy cho các em đồng bào dân tộc vào lớp 1 khá vất vả và cần sự kiên trì, yêu thương của người giáo viên. Nhà trường phải dạy thêm tiếng Việt, luyện chữ viết cũng như tăng cường công tác giáo dục cho các em. Trong tiết dạy, đặc biệt quan tâm các em yếu kém”, thầy Huỳnh Êm cho biết thêm. Năm học 2017-2018, trường có 116 học sinh dân tộc Khmer theo học./.

Băng Thanh

Hiện Cà Mau có 3 trường dân tộc đều có dạy tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Khmer) với thời lượng 3-4 tiết/tuần theo giáo trình giảng dạy của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, dịp hè năm 2017, tỉnh tổ chức được 22 điểm dạy và học chữ Khmer với 35 lớp học, có 750 học sinh; 1 trung tâm dạy tiếng Hoa với 7 lớp học, với 110 học viên.

 

Hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển

Những ngày qua, hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: Nguyễn Ngọc Gia Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) và Lê Trọng Nguyễn (lớp 12C3) đã mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và ngành giáo dục Cà Mau khi cùng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.

Đảm bảo công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 diễn ra thuận lợi

Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, ngành giáo dục Cà Mau giữ ổn định toàn bộ phương án tuyển sinh, không gây xáo trộn để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh.

Phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu năm học mới

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học trên địa bàn phường Bạc Liêu gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh theo cha mẹ chuyển về khu vực trung tâm hành chính tỉnh Cà Mau ngày càng tăng, dẫn đến lượng hồ sơ nhập học giảm mạnh. Tình trạng này gây khó khăn cho việc tổ chức lớp học, sắp xếp giáo viên và ổn định công tác giảng dạy.